Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi trắc nghiệm: Quen cách học cũ nên điểm chưa cao

Tạp Chí Giáo Dục

Đợt kiểm tra học kỳ vừa qua, nhiều trường THPT tại TP.HCM áp dụng hình thức thi trắc nghiệm các môn toán, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân cho học sinh lớp 12. Kết quả cho thấy, rất ít học sinh giành được điểm tuyệt đối.

Một tiết học của học sinh lớp 12 tại Trường THPT Tân Phong (ảnh minh họa). Ảnh: M.Châu

Theo đánh giá của đại diện nhiều trường, nguyên do là các em chưa quen với kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm nên không đủ thời gian thực hiện.

Rất khó giành điểm tuyệt đối

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhiều học sinh lớp 12 cho biết không hài lòng với kết quả kiểm tra học kỳ vừa qua. Một học sinh nam cho hay: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay Bộ GD-ĐT chuyển đổi hình thức thi tự luận ở nhiều môn như mọi năm sang trắc nghiệm trong 2 ngày với mục đích là giảm tải cho học sinh. Do đó, đợt kiểm tra học kỳ vừa qua, nhà trường đã thực hiện giống hình thức mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Tuy nhiên, em thấy hình thức thi mới này lại có vẻ áp lực hơn với học sinh vì giảm thời gian làm bài nhưng lại tăng số lượng bài thi trong một ngày”.

Không chỉ học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân mà học sinh nhiều trường khác cũng băn khoăn với thời gian làm bài thi trắc nghiệm. “Điểm môn toán học kỳ vừa rồi của em chỉ được 7, các môn khác cũng tương tự. Em thấy đề thi trắc nghiệm không khó hơn đề tự luận nhưng do chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm nên em không đủ thời gian thực hiện”, Nguyễn Trọng Thịnh (lớp 12D5 Trường THPT Gia Định) chia sẻ.

Nói về điểm thi học kỳ vừa qua của học sinh, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: “Các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và toán là năm đầu tiên học sinh làm bài thi trắc nghiệm, nhưng các môn khác thì các em đã làm quen từ nhiều năm nay. Kết quả, số học sinh giành được điểm 9, điểm 10 ở môn toán rất ít, giảm mạnh so với năm vừa qua (khoảng 30-40% không đạt điểm 9, điểm 10 như năm ngoái); số học sinh có điểm dưới trung bình cũng không nhiều, tập trung phổ điểm từ 6 đến 8”.

Theo cô Đặng Thị Yến (Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận), mọi năm thi theo hình thức tự luận nên có ít nhất 50% học sinh giành được điểm giỏi môn toán. Năm nay chỉ có khoảng 20% học sinh đạt điểm giỏi, khoảng 10% dưới trung bình, còn lại tập trung từ 5 đến 8 điểm.

Trong khi đó, thầy Bùi Thiện Đạo (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc) thông tin: “Điểm thi học kỳ vừa qua, trường không có học sinh nào đạt điểm 10, điểm 9 chưa tới 10%, phổ điểm vẫn là 5-6”.

Ngay cả trường chuyên cũng không lường trước kết quả điểm thi học kỳ vừa qua của học sinh quá thấp. Một giáo viên dạy lịch sử tại một trường chuyên (xin được giấu tên) cho hay: Nhà trường đã ra hai đề cho cả khối chuyên tự nhiên và khối chuyên xã hội, mỗi đề có 40 câu làm trong 45 phút. Trường cứ nghĩ đề ra bám sát nội dung và đề cương ôn tập, các em sẽ dễ dàng làm quen và có điểm cao, nhưng khi chấm mới thấy hóa ra không dễ với các em. Những em đạt điểm 9, điểm 10 rất ít, trong một lớp may ra có 5-6 em đạt điểm 9; điểm phổ biến từ 6 đến 8, nhiều em bị điểm dưới trung bình.

Tập trung rèn kỹ thuật làm bài cho học sinh

Từ kết quả trên, thầy Nguyễn Hùng Khương và cô Đặng Thị Yến cho rằng, thi trắc nghiệm sẽ phân hóa rõ năng lực học tập của học sinh, chỉ những em thật giỏi mới giành được điểm tuyệt đối. Trong khi đó, thầy Bùi Thiện Đạo chia sẻ rằng hình thức này chỉ phân hóa rõ học sinh khá, giỏi; học sinh trung bình và yếu vẫn còn… may rủi. Thầy Đạo chia sẻ thêm, một số em không biết làm một số câu cũng đánh… lụi và trúng, do đó có em may mắn được hơn 4 điểm. Nguyên do là giáo viên chưa có kỹ thuật ra đề tốt.

Nói về nguyên nhân học sinh khó giành điểm tuyệt đối, thầy Bùi Thiện Đạo phân tích: “Các môn vật lý, hóa học, sinh học kết quả không thay đổi nhiều so với năm trước do các em đã được làm quen với thi trắc nghiệm ở những môn này, chỉ có môn toán là học sinh gặp rắc rối. Nguyên do là tháng 10 Bộ GD-ĐT mới công bố đề minh họa, sau đó giáo viên được tập huấn, chuẩn bị nên chưa có nhiều thời gian rèn luyện cho các em”.

Trong khi đó, vị giáo viên dạy môn lịch sử mà chúng tôi đề cập ở trên cũng cho rằng, do các em học sinh quen cách học cũ, kiểu học thuộc lòng để làm tự luận nên điểm chưa cao. Điều này cho thấy, nếu làm bài trắc nghiệm thì việc học của các em nhẹ nhàng hơn hẳn, không phải học thuộc từng nội dung, ôn bài cũng thoải mái nhưng để đạt điểm cao không phải dễ. Đòi hỏi các em phải biết cách học, cách nhớ kiến thức thì mới làm tốt được.

Để học sinh đạt kết quả cao hơn, đặc biệt là trong kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên này chia sẻ: “Giáo viên cần tăng cường cho học sinh làm dạng bài trắc nghiệm thường xuyên hơn, không chỉ những giờ kiểm tra 1 tiết mà cả 15 phút hoặc kiểm tra miệng để tạo thành thói quen cho các em, làm sao để các em không cần nhớ từng câu từng chữ nhưng phải nắm kiến thức chắc chắn”.

Dương Bình

Bình luận (0)