Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.Hồ Chí Minh: Đầu tư mạnh dạy và học ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện ngành GD-ĐT đang gặp phải những bất cập của việc dạy và học ngoại ngữ trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ đòi hỏi ngành GD-ĐT phải xem xét một cách nghiêm túc thực trạng này ở các trường phổ thông trong các năm qua, từ đó tìm ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học.
Kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ ở một số nước trên thế giới và khu vực cho thấy: tất cả các nước đều qui định ngoại ngữ là môn học bắt buộc trong chương trình và có xu hướng tăng thêm thời gian dạy, trong đó có cả xu hướng bắt đầu dạy ngoại ngữ từ lứa tuổi sớm hơn. Ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản) và Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia..) đều chọn tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc để dạy từ cấp tiểu học; còn tại châu Âu, tiếng Anh đối với cấp tiểu học vẫn là ngoại ngữ được chọn lựa nhiều nhất.
1. TP.HCM là một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, là đầu mối giao lưu hội nhập với quốc tế của đất nước. Vì vậy, chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để nền giáo dục tiếp cận với những xu thế phát triển hiện đại, học tập những kinh nghiệm tốt về giáo dục trên thế giới. Hiện nay trong các trường phổ thông tại TP.HCM đang giảng dạy các ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp (chương trình song ngữ), tiếng Trung, tiếng Đức (ngoại ngữ 2), tiếng Nhật. Trong đó, tiếng Anh là ngoại ngữ được học sinh (HS) chọn học nhiều nhất.
Trong 11 năm qua, TP.HCM đã đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy cho HS phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 với số lượng ngày càng tăng (chiếm gần 10% trên tổng số HS phổ thông). Để thực hiện chương trình này, trong 11 năm qua ngành GD-ĐT đã mạnh dạn áp dụng một số giải pháp sau: Những lớp thực hiện chương trình này phải có sĩ số không quá 30 HS/lớp. Tăng cường thời lượng 6-8 tiết/tuần, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả trình độ khung năng lực ngoại ngữ tương thích với chuẩn trình độ quốc tế. Tuyển chọn đội ngũ giáo viên có đủ trình độ và năng lực giảng dạy: Trong nhiều năm Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức thi tuyển chọn giáo viên giảng dạy chương trình tăng cường tiếng Anh (ba vòng thi) với sự giúp đỡ của Hội đồng Anh tại TP.HCM). Chủ động chọn lựa giáo trình phù hợp (NXB Oxford, Pearson…). Tăng cường trang bị cơ sở vật chất và thiết bị thiết yếu cho việc dạy và học ngoại ngữ: phòng học học tiếng nước ngoài, phòng nghe nhìn và phòng đa phương tiện. Tham mưu với UBND TP ban hành các quy định về chỉ tiêu, chế độ chính sách đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về dạy và học ngoại ngữ theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lãnh vực dạy và học ngoại ngữ: khuyến khích các chương trình hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức quốc tế phù hợp. Sở GD-ĐT phối hợp có hiệu quả với các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Cambridge Esol, Cambridge CIE… Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc sử dụng ngoại ngữ, nâng cao mạnh mẽ động cơ học tập ngoại ngữ của học sinh: Phát triển các trung tâm dạy ngoại ngữ, xây dựng chương trình phát thanh và truyền hình dành riêng cho việc học ngoại ngữ, khuyến khích tổ chức ngày hội, cuộc thi ngoại ngữ, các câu lạc bộ ngoại ngữ… Tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại và thực hiện việc kiểm tra đánh giá theo Cambridge Esol (Hoàn thành chương trình tiểu học đạt trình độ Flyer (A); tốt nghiệp THCS đạt trình độ PET (B1); tốt nghiệp THPT đạt trình độ FCE (B2)/ lớp 11 và CAE hoặc IELTS 6.0/ lớp 12 (C1). Trình độ khung năng lực ngoại ngữ chung của Hiệp hội các nhà khảo thí ngoại ngữ châu Âu ALTE – hiện nay phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ trong đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Chính phủ).
2. Chương trình tiếng Anh tăng cường của TP.HCM thực hiện trong 11 năm qua đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, được Bộ GD-ĐT và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chương trình này còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu học ngoại ngữ của con em nhân dân.
Bên cạnh chương trình tăng cường tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM còn khuyến khích các trường tiểu học mở rộng chương trình ngoại ngữ tự chọn, thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học từ lớp 3 theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra còn khuyến khích các trường THPT có điều kiện tổ chức dạy ngoại ngữ 2 cũng như thí điểm dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn toán, khoa học ở một số trường THPT. Từ năm học 2010-2011, được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, TP.HCM đã triển khai thí điểm chương trình phổ thông Cambridge.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 50% HS tiểu học được học các chương trình ngoại ngữ. Sau nhiều năm thực hiện các chương trình này ngành GD-ĐT đã xây dựng được đội ngũ giáo viên đủ chuẩn (trên 500 giáo viên dạy tiếng Anh tăng cường, 1.000 giáo viên dạy tiếng Anh tự chọn ở bậc tiểu học); xây dựng nhiều phòng nghe nhìn với trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt yêu cầu dạy và học ngoại ngữ.
Vừa qua, UBND TP đã cơ bản thông qua đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông TP”, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp về đào tạo giáo viên có trình độ chuyên môn cao trong và ngoài nước bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, chế độ tuyển dụng, sử dụng, chế độ chính sách đối với giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, sách giáo khoa… đáp ứng yêu cầu triển khai đề án.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đặt ra chưa rõ ràng, đội ngũ giáo viên dạy môn học này còn nhiều hạn chế; đặc biệt phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn rất lạc hậu (học ngoại ngữ để đi thi) dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của HS còn thấp. Theo kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế: Hội đồng Anh, Trung tâm Giáo dục Apollo cung cấp về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát… thì HS Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc, nhưng lại xếp thứ 18-19/20 về khả năng nghe và nói tiếng Anh.
Vì vậy, việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nhà trường phổ thông là một nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách, phải nhanh chóng đầu tư thực hiện nhằm đưa tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung trở thành thế mạnh của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong công cuộc hội nhập và phát triển.n
(Trích tham luận của Sở GD-ĐT TP.HCM tại Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 của Bộ GD-ĐT)
“Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai chương trình giảng dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo để đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là ở một số lãnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đó là mục tiêu chung trong đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (đặc biệt chú trọng tiếng Anh) của Chính phủ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)