Thêm hàng loạt sai sót trong sách giáo khoa, sách tham khảo từ lỗi kiến thức đến kỹ thuật… đã đặt ra vấn đề thái độ và trách nhiệm của người làm sách.
Chỉnh sửa nửa vời
Báo Thanh Niên đã từng phản ánh sách giáo khoa (SGK) địa lý 7 và 8 có sự sai lệch về khái niệm “siêu đô thị”. Sau đó, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục và các tác giả đã tiếp thu, chỉnh sửa nhưng chưa triệt để.
SGK địa lý lớp 7 (xuất bản tháng 1.2011), bài tập số 2, trang 12 yêu cầu: “… nhận xét về sự thay đổi số dân và thay đổi ngôi thứ của 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới từ năm 1950 đến năm 2000. Các siêu đô thị này chủ yếu thuộc châu lục nào?”. Trong đó (phiên âm của SGK): Lốt An-giơ-let (Los Angeles – Mỹ), Côn-ca-ta (Kolkata – Ấn Độ) và Xơ-un (Seoul – Hàn Quốc) đều chỉ có 12 triệu dân nhưng lại được xếp nằm trong 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới của năm 2000.
Những cuốn sách tham khảo về môn sinh học lớp 7 của nhiều NXB viết sai kiến thức
|
Trong khi đó, SGK địa lý lớp 8 (xuất bản tháng 6.2011), ở trang 19, bài số 6 “Thực hành, theo bảng cho biết về số dân các thành phố lớn ở châu Á năm 2000” thì dân số của các thành phố Tê-hê-ran (Tehran – Iran): 13,6 triệu, Niu Đê-li: (New Delhi – Ấn Độ): 13,2 triệu, Gia-các-ta (Jakarta -Indonesia): 13,2 triệu, lại không được xếp vào 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới năm 2000 (?!).
Theo quy ước quốc tế, tiêu chuẩn để được xếp vào nhóm siêu đô thị là dân số vượt ngưỡng 10 triệu dân hoặc mật độ dân số ít nhất 2.000 người/km2. Theo đó, bảng xếp hạng 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới năm 2000 của Liên Hiệp Quốc lần lượt là: Tokyo (34,4 triệu dân), Mexico City (18,1 triệu dân), New York (17,8 triệu dân), Sao Paulo (17,1 triệu dân), Mumbai (16,1 triệu dân), Thượng Hải (13,2 triệu dân), Kolkata (13,1 triệu dân), Delhi (12,4 triệu dân), Buenos Aires (11,8 triệu dân), Los Angeles (11,8 triệu dân).
Hầu hết các siêu đô thị với dân số được tính trong bảng xếp hạng đều là vùng đô thị, bao gồm một thành phố lớn trung tâm và các thành phố lân cận xung quanh. Chẳng hạn, Tokyo nếu ghi đầy đủ phải là Vùng đô thị Tokyo với 8 thành phố trên 500.000 dân, trong đó có 2 thành phố đông dân nhất Nhật Bản là Tokyo và Yokohama. Nguyên “khối” khổng lồ này gộp lại mới thành dân số hơn 34 triệu dân vào năm 2000. Tương tự là trường hợp của vùng đô thị Seoul, vùng đô thị Los Angeles… Như vậy, nếu để dân số của New Delhi là 12 triệu dân, đủ chuẩn xếp loại siêu đô thị như SGK địa lý lớp 8 là không chính xác. New Delhi chỉ là một phần của vùng đô thị Delhi và dân số năm 2011 chưa đến 300.000 người, làm sao năm 2000 có đến 12 triệu dân để được xem là siêu đô thị?! Ở đây, chính SGK cũng đã nhầm lẫn giữa TP New Delhi với vùng đô thị Delhi.
Chưa hợp lý
Trong SGK địa lý lớp 9 (xuất bản tháng 3.2011), ở bài 28 – Vùng Tây Nguyên, từ trang 101-105, phần tóm tắt đóng khung kiến thức cơ bản cuối bài có đoạn: "Lợi thế của Tây Nguyên là địa hình cao nguyên xếp tầng, khí hậu mát mẻ, đất ba-zan màu mỡ, rừng chiếm diện tích lớn…". Thực ra, Tây Nguyên có diện tích 54.475 km2, trong đó hơn 2/3 diện tích có khí hậu trên nền nhiệt đới cận xích đạo, có mùa khô nóng kéo dài, thường dẫn đến nguy cơ thiếu nước và cháy rừng nghiêm trọng. Đây là một trong những khó khăn của vùng đất này. Tây Nguyên chỉ có một số vùng ở độ cao trên 1.500m, khí hậu mát mẻ như cao nguyên Lâm Viên, cao nguyên Di Linh và một số khu vực nhỏ khác. Do đó, kiến thức cơ bản cuối bài cho rằng một trong các yếu tố lợi thế của vùng Tây Nguyên là khí hậu mát mẻ liệu có hợp lý hay không?
Sai kiến thức cơ bản
Chương trình sinh học lớp 7 có câu hỏi về đặc điểm cấu tạo ngoài của ếch đồng thích nghi với đời sống ở nước. Câu trả lời đúng như sau: “Da trần phủ chất nhầy và ẩm, dễ thấm khí để thích nghi với đời sống ở trên cạn”. (Cần lưu ý: khả năng hô hấp của ếch lúc ở trên cạn chỉ thực hiện được qua lớp da ẩm phủ chất nhày. Nếu da bị khô chất nhày và hết ẩm, ếch cũng sẽ chết vì ếch hô hấp chủ yếu qua da). Thế nhưng, nhiều sách tham khảo đã trả lời như sau: “Da trần phủ chất nhầy và ẩm, dễ thấm khí để thích nghi với đời sống ở nước”. Trả lời như vậy là sai kiến thức cơ bản, vì cụm từ “dễ thấm khí” thể hiện hoạt động trao đổi khí qua da của ếch và hoạt động này chỉ thực hiện được ở trên cạn. Những cuốn sách trả lời sai là: Sinh học 7 nâng cao của NXB Đại học Quốc gia TP.HCM do PGS-TS Trịnh Nguyên Giao – Trịnh Ngọc Anh biên soạn (trang 140); Để học tốt sinh học 7 của NXB Đại học Quốc gia TP.HCM do Nguyễn Văn Sang – Nguyễn Thị Vân biên soạn (trang 46); Thực hành sinh học 7 của NXB Đại học Sư phạm do Võ Văn Chiến biên soạn (trang 78); Đề kiểm tra kiến thức sinh học 7 của NXB Giáo dục VN do Phạm Phương Bình (chủ biên) – Nguyễn Thị Kim Hoàng – Mai Ngọc Tiên biên soạn (trang 49); Học tốt sinh học 7 của NXB Tổng hợp TP.HCM do Nguyễn Văn Quý – Võ Văn chiến biên soạn (trang 87)…
“Sóng Long Giang” thành “Sông Hồng Giang”
Nhà thơ Lan Hinh – ái nữ của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), gửi thư đến Báo Thanh Niên phàn nàn rằng các câu thơ của cụ thân sinh đã bị nhiều NXB in sai so với nguyên bản. Chẳng hạn:
Sách Thiết kế bài học ngữ văn 8 theo hướng tích hợp của tác giả Hoàng Hữu Bội – NXB Giáo dục VN năm 2004, trang 174, dòng 5 và 6 từ trên xuống có câu thơ: “Khói Nùng Lĩnh như xây khói uất, Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu” và dòng thứ 10 từ dưới lên có câu: “Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây”. Trong khi nguyên bản của các câu thơ trên là: “Khói Nùng Lĩnh như xây khói uất. Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu” và “Ngọn cờ độc lập màu đào còn giây”.
Sai sót này còn có trong sách Thiết kế bài dạy ngữ văn 8 tập 1 (theo chương trình SGK mới của Bộ GD-ĐT) các tác giả Lê Xuân Soạn – Lê Phượng Liên của NXB Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2005.
Sách Những bài văn hay THCS – 100 bài làm văn hay lớp 8 – Dùng cho học sinh trung bình và bồi dưỡng học sinh khá-giỏi của nhóm tác giả Lê Xuân Soạn (chủ biên), Nguyễn Thị Hai, Triệu Ánh Hồng, Nguyễn Thị Vụ – NXB Đồng Nai cũng có những sai sót tương tự. Trong cuốn sách này, ở trang 73, dòng 8 và 9 từ dưới lên có các câu thơ: “Cõi giời Nam gió thổi đìu hiu, Bốn bề hổ thét chim kêu”. Trong khi nguyên bản là: “Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu, Bốn bề hổ thét chim kêu”.
Vũ Thư Hữu
|
Theo Thanh nien
Bình luận (0)