Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT TP: Đội ngũ nhà giáo được quan tâm toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng Bằng khen của UBND TP.HCM cho các đội viên tiêu biểu xuất sắc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.Huy

5 nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục TP.HCM năm học 2016-2017

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng CBQL và GV TP, đảm bảo cung cấp đủ số lượng GV các cấp cho ngành, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho GV các cấp; Tiếp tục triển khai bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Anh cho GV các bậc học theo đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP” theo phương thức đào tạo trong và ngoài nước; Thường xuyên thực hiện công tác rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục phù hợp; Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, CBQL giáo dục. Tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo, CBQL ở các bậc học, cấp học theo các chuẩn được Bộ GD-ĐT ban hành; Tham mưu ban hành một số chính sách đặc thù cho đội ngũ CBQL và GV TP, có chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ và thu hút những người có năng lực và trình độ cao, có tài năng vào đội ngũ nhà giáo TP.

HS TP.HCM luôn khẳng định vị thế của mình trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia. Có được điều này là nhờ góp phần không nhỏ của đội ngũ nhà giáo tâm huyết, năng động đổi mới và chuyên môn cao. Dù  đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ nhà giáo TP vẫn luôn gắn bó, tận tụy với nghề, thêm vào đó lãnh đạo ngành và TP luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để họ nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất.

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Để thực hiện tập trung và mạnh mẽ hơn Nghị quyết số 29-NQ/TW, Thành ủy TP.HCM đã xây dựng Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT TP đã xây dựng chương trình hành động số 03-CTrHĐ/ĐU ngày 31-8-2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Sở GD-ĐT về thực hiện chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU của Thành ủy về việc xây dựng các mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập; thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi chương trình giảng dạy. Đây là cơ sở thuận lợi để đội ngũ CB-GV-CNV trong ngành có thêm nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học; đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng với xu thế hội nhập….

PV: Thưa ông, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn công tác phát triển chuyên môn đội ngũ nhà giáo đã được Sở GD-ĐT thực hiện như thế nào?

Ông Lê Hồng Sơn: Việc bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL để đáp ứng yêu cầu đổi mới luôn là nhiệm vụ được ngành GD-ĐT TP đặt lên hàng đầu. Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch khảo sát và bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ cho GV các cấp theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Riêng năm 2016, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho đội ngũ GV hiện có, phối hợp với ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức bồi dưỡng cho 555 GV tiếng Anh, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho GV cốt cán các cấp; phối hợp với ĐH MacQuarie (Sydney – Úc) tổ chức tu nghiệp tại nước ngoài cho 20 GV tiếng Anh cốt cán các cấp; mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng tiếng Anh, tin học cho GV, chuyên viên.

Ngoài ra, trong năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp, tổ chức các lớp bồi dưỡng, cụ thể như: Phối hợp với Trường CBQL giáo dục TP bồi dưỡng CBQL trường phổ thông theo hình thức Việt Nam – Singapore với 3 lớp (144 người tham dự); Tổ chức các chuyến học tập thực tế tại Singapore – Malaysia cho 77 CBQL, tại Hàn Quốc cho 35 CBQL và tại Nhật Bản cho 32 CBQL các cấp trong năm 2016; Mở 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn trong nước (757 người)…

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng chuẩn hóa được các quận, huyện quan tâm, chú trọng. Bằng việc sử dụng nhiều nguồn kinh phí, các quận, huyện đã tăng cường liên kết mở các lớp đào tạo trên chuẩn cho đội ngũ CB, GV; giúp tỉ lệ CB, GV đã tốt nghiệp và đang học trên chuẩn ngày càng cao. Các quận, huyện đã nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng đủ số lượng GV MN-TH-THCS. Các huyện ngoại thành đã liên kết với ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo GV MN-TH trình độ CĐ, cử nhân sư phạm, qua đó, đáp ứng nguồn GV cho địa phương…

Qua công tác bồi dưỡng, ông đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay của TP như thế nào?

Hiện có 52 CBQL, GV, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc sở  tham gia học nâng chuẩn thạc sĩ (41) và tiến sĩ (11). Nhìn chung, đội ngũ sư phạm được xây dựng và củng cố vững mạnh từ số lượng đến chất lượng. Số lượng GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học cá thể thay cho dạy học số đông, đảm bảo dạy đủ môn theo chương trình quy định.

Đội ngũ nhà giáo TP luôn cố gắng không ngừng để đào tạo nhân lực có đầy đủ đức – trí – thể – mỹ cho đất nước. Vậy nhưng, đời sống của GV vẫn còn nhiều khó khăn. Ông có thể chia sẻ những trăn trở của mình về vấn đề này?

Hiện TP.HCM có hơn 80.000 GV. Nhà giáo và người lao động trong ngành có việc làm cơ bản ổn định; các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đứng lớp phụ cấp thâm niên, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách địa phương tiếp tục được Sở GD-ĐT và các quận, huyện thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, sống ở TP lớn, mức thu nhập GV chưa phản ánh đúng giá trị lao động của họ đã làm cho đời sống của một bộ phận CB, GV, NV trẻ càng thêm khó khăn. Nhiều người còn ở nhà thuê, nhà trọ. Đây là trăn trở lớn nhất của những người làm lãnh đạo trong ngành.

Bên cạnh công tác phát triển chuyên môn đội ngũ, Sở GD-ĐT đã thực hiện những hoạt động gì để tháo gỡ những khó khăn này, giúp GV an tâm công tác?

Ngành GD-ĐT đã tích cực tham mưu với UBND TP tạo điều kiện liên kết, phối hợp với các nhà đầu tư và ngân hàng tạo điều kiện cho đội ngũ vay vốn mua căn hộ chung cư. Chương trình nhà ở cho nhà giáo, người lao động trong ngành đã triển khai từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và qua nhu cầu thực tế được vay vốn để mua nhà độc lập nhiều hơn mua chung cư nên tình hình nhà ở cho đội ngũ trong ngành còn khó khăn.

Năm 2020 sẽ có 50% GV đạt trình độ trên chuẩn

Sở GD-ĐT TP đã trình dự thảo đến UBND TP đề án quy hoạch phát triển ngành GD-ĐT TP giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó chú trọng mục tiêu đảm bảo đầy đủ số lượng CBQL, GV theo chuẩn quy định ở các cấp học, ngành học. Đến năm 2020, có 50% GV các cấp đạt trình độ trên chuẩn (MN 80%, TH 97%, THCS 90%, THPT 15%); thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GD-ĐT TP giai đoạn 2012-2020; xây dựng chiến lược công tác CB dài hạn; xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng CBQL và GV TP, đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng GV các cấp (đặc biệt GV MN và TH); bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho GV các cấp. Đào tạo GV tiếng Anh chất lượng cao theo chuẩn quốc tế…

Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn thực hiện rất nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho CB, GV, NV. Cụ thể, Sở GD-ĐT thường đưa ra các giải pháp cải thiện đời sống đội ngũ trong dịp lễ tết, quan tâm đến đời sống GV qua thăm hỏi, hiếu hỉ, chia buồn theo đúng quy chế của trường học. Đặc biệt, công đoàn các trường ngoài công lập luôn quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ, tham mưu đề xuất với hội đồng quản trị cải thiện chế độ làm việc và chế độ tiền lương, tiền thưởng cho đội ngũ…

Đồng thời, các đơn vị đã tăng cường hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp tự nguyện cho việc xây dựng trường lớp, xây dựng nhà công vụ, nhà tình thương, nhà mái ấm công đoàn… để tạo điều kiện cho đội ngũ có nơi ở ổn định.

Xin cảm ơn ông!

Dương Bình (thực hiện)

 

Bình luận (0)