Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp giáo dục hiện đại E-learning: Còn xa “tầm tay” với trường lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Việc triển khai E-learning cho HS phổ thông tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Ở các nước phát triển, việc học tập bằng phương pháp E-learning (Electronic Learning) đã trở nên phổ biến, người học có thể chủ động chọn khóa học, thời gian học thích hợp và có thể học ở bất cứ đâu, chỉ cần kết nối với internet. Ở Việt Nam, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) đã thúc đẩy phát triển phương pháp E-learning ở các trường phổ thông.
Hàng triệu học sinh học online
Những năm gần đây dạy học bằng E-learning đã và đang triển khai cho học sinh (HS) phổ thông tại nhiều nước trên thế giới, điển hình là các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở Hoa Kỳ đã có hàng triệu HS phổ thông đăng ký học online. Không chỉ là một phong trào tự phát, tại nhiều bang ở Hoa Kỳ, các nhà quản lý giáo dục đã ban hành quy định trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi HS phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến. Các lớp học trực tuyến này có thể được tổ chức tập trung tại các trường hoặc HS có thể học tại nhà. Theo lý giải của các nhà quản lý, đây là bước chuẩn bị nhằm trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết cho việc học tại các trường ĐH sau này và thích ứng với môi trường làm việc của thế kỷ 21. Theo ước tính của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, tính đến năm học 2007-2008, nước này có gần 770 trường phổ thông đã áp dụng phương thức học trực tuyến, với khoảng 1,03 triệu HS (trong đó có hơn 200.000 HS học trực tuyến toàn phần). Nhưng chính Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cũng lên tiếng cảnh báo, việc học trực tuyến rất hiệu quả với sinh viên ĐH, CĐ nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy nó cũng tốt với các HS phổ thông. Tuy nhiên, E-learning là giải pháp khá phù hợp với HS trượt tốt nghiệp và nhóm HS lười. Chẳng hạn, ở Q.13, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) có hàng chục HS lười học, không muốn đến trường. Phòng Giáo dục Q.13 đã xây dựng website riêng để những HS này học ở nhà, theo hình thức “vừa học vừa chơi”.
Nhiều khó khăn khi triển khai ở Việt Nam
Trong những năm qua, hạ tầng CNTT trong ngành GD-ĐT ở Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ, với việc hoàn thành “Mạng giáo dục – Edunet” năm 2010 (chương trình hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel), kết nối internet băng thông rộng đến tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến ĐH… Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia được miễn phí internet trong giáo dục.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT trong giai đoạn tới là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập, mà ở đó mọi công dân (từ HS phổ thông, sinh viên, các tầng lớp người lao động,…) đều có cơ hội được học tập, hướng tới việc: học bất kỳ thứ gì (any things), bất kỳ lúc nào (any time), bất kỳ nơi đâu (any where) và học tập suốt đời (life long learning). Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, E-learning có một vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một môi trường học tập ảo.
Tuy nhiên, việc triển khai E-learning cho HS phổ thông tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về xây dựng nguồn tài nguyên bài giảng. Bởi vìchất lượng nguồn tài nguyên bài giảng E-learning là nhân tố quyết định đến số lượng người tham gia học. Để soạn bài giảng E-learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giáo viên (GV). Hiện tại chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với công sức bỏ ra để soạn bài giảng E-learning, vì vậy chưa khuyến khích GV. Nhiều GV giỏi về chuyên môn và khả năng sư phạm, nhưng kỹ năng sử dụng công nghệ (ghi hình, thu âm, sử dụng phần mềm)còn hạn chế, nên chưa phát huy được đội ngũ này. Về phía người học,học tập theo phương pháp E-learning đòi hỏi phải có tinh thần tự học và do còn ảnh hưởng cách học thụ động truyền thống, tâm lý học phải có thầy, nội dung quá tải tại trường… dẫn đến việc tham gia học E-learning chưa trở thành động lực học tập. Nhiều HS nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chưa thể trang bị máy vi tính kết nối internet, nhiều thông tin không tốt trên mạng internet dẫn đến gia đình lo lắng khi con em vào mạng cũng là những lý do làm hạn chế E-learning đối với HS phổ thông Việt Nam.Thứ hai làvề cơ sở vật chất, đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền cáp quang, xây dựng website E-learning hoàn chỉnh có chi phí cao. Thứ ba là nhân lực phục vụ website E-learning,cần có cán bộ chuyên trách đảm bảo hoạt động của hệ thống E-learning. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại chưa có biên chế cho hoạt động này ở trường phổ thông.
Từ thực tiễn triển khai phương pháp E-learning cho HS phổ thông Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng cần nâng cao nhận thức về E-learning không chỉ trong ngành GD-ĐT mà cả xã hội, coi E-learning là một giải pháp trong chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn tới. Bộ GD-ĐT và các sở cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tạo ra các website E-learning; tập huấn về thiết kế bài giảng E-learning cho đội ngũ GV, có chế độ động viên, khuyến khích GV tạo lập và áp dụng E-learning trong giảng dạy…
ThS. Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐHSP TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)