Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 16 giờ ngày 17.10, tâm bão số 7 ở vùng khoảng 17,8 độ vĩ bắc và 112,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 110 km về phía bắc.
Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 13 – 14 (từ 135 – 165 km/giờ), giật cấp 16. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km. Đến 16 giờ ngày 18.10, tâm bão sẽ nằm trên đất liền phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Cảnh báo từ Thái Bình đến Quảng Ninh
Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dù có thay đổi về đường đi khi bão hướng lên phía bắc nhưng vùng hoàn lưu của bão rất rộng nên gây ra đợt mưa lớn, gió mạnh. Cho đến chiều 17.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư xây dựng 2 kịch bản để tính toán phạm vi mức độ ảnh hưởng của cơn bão rất mạnh này. Ở kịch bản thứ nhất, bão số 7 nếu vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng sẽ tan nhanh nhưng kèm theo mưa lớn sau bão. Lượng mưa trung bình từ 100 – 300 mm, trong đó các tỉnh Quảng Ninh đến Hải Phòng có mưa lên tới 200 – 300 mm. Ở kịch bản thứ hai, bão số 7 suy yếu khi vào đất liền có thể gây mưa lớn cho các tỉnh miền núi phía bắc.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, phạm vi ảnh hưởng xác định đến ngày 17.10 gồm các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Ninh, nhất là các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn khi bão đi qua. Nếu đi vào các tỉnh đông Bắc bộ, dự kiến trưa hoặc chiều tối 19.10 bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền.
Tại cuộc họp ngày 17.10, ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai nhắc nhở các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 7 không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống, ứng phó trong tình huống gió bão mạnh có kèm theo mưa bão.
Ngày 17.10, UBND các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã có nhiều chỉ đạo ứng phó với bão số 7. Theo đó, công điện khẩn của UBND tỉnh Nam Định yêu cầu 10 huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực, phương tiện để thu hoạch lúa mùa, bảo vệ rau màu vụ đông, xây dựng phương án chống úng ngập cho thủy sản và tiêu thoát nước khu vực đô thị.
Tại Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo "chạy đua với thời gian" để thu hoạch gần 27.000/80.000 ha lúa mùa. Từ 15 giờ ngày 16.10, tỉnh Thái Bình đã cấm biển và kêu gọi tàu thuyền, ngư dân vào bờ tránh bão.
Trắng tay vì lũ dữ
Văn phòng Chính phủ hôm qua (17.10) thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác ứng phó, chỉ đạo khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, mưa lũ khiến TP.Đồng Hới thiệt hại 431,44 ha nuôi trồng thủy sản, 31 ha hoa màu bị ngập hỏng, 24 trang trại bị ảnh hưởng nặng; H.Lệ Thủy thiệt hại: 500 ha hoa màu, 600 ha cây trồng, 2.000 tấn lương thực, 30.000 con gia cầm chết, 300 ha ao hồ mất trắng; H.Quảng Ninh: 43.000 con gia cầm bị chết và trôi, 239 tấn lúa bị ướt…
Sáng 17.10, PV Thanh Niên đến nhiều trang trại sản xuất của nông dân tại xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới, ghi nhận những thiệt hại do trận lũ lớn vừa xảy ra. Trang trại của chị Đặng Thị Ánh (ở thôn Thuận Ninh, xã Thuận Đức) bị thiệt hại đàn lợn và gà ước tính lên đến 7,6 tỉ đồng; tài sản phục vụ chăn nuôi như quạt, dàn lạnh khoảng 1 tỉ đồng. Trang trại của chị Ánh và một số người góp vốn gầy dựng được 4 năm với đàn lợn 1.340 con gồm lợn đẻ, lợn giống, lợn thịt và 700 con gà. Khi chúng tôi đến, cả trang trại rộng lớn ngổn ngang đồ đạc trộn lẫn bùn đất; thức ăn, xác động vật tạo thành khung cảnh ảm đạm, các chuồng nuôi trống không. Sau lũ, xác lợn gà nằm la liệt khắp nơi, nhiều đến nỗi chị Ánh phải thuê xe xúc và ô tô vào chở đi chôn lấp.
Trang trại của ông Hồ Văn Dũng (ở thôn Thuận Ninh, xã Thuận Đức), 220.000 con cá các loại gần thu hoạch và 300 con vịt trời bị lũ cuốn trôi thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh Nguyễn Đình Sơn với đàn gà 1.500 con, 5.000 con cá bị trôi gần hết; 3 tấn lúa, gạo, ngô, lương thực, thức ăn cho gia cầm gia súc cũng bị lũ cuốn trôi và ngập ướt hư hỏng. “Làm trang trại được 10 năm nhưng chưa khi nào bị thiệt hại lớn và rơi vào cảnh khó khăn như lúc này”, anh Sơn nói. Sau lũ, xác gà nằm la liệt, chính quyền xã Thuận Đức phải huy động dân quân và đoàn viên, thanh niên đến thu dọn vệ sinh giúp vợ chồng anh Sơn. Anh Sơn và chị Ánh rơi nước mắt chua xót. Những người nông dân nghèo khổ lâu nay phơi sương gió, vay mượn tiền bạc, miệt mài công sức chăm nom cây trồng, vật nuôi mong chờ ngày thu lại thành quả, nay bỗng chốc bị cuốn trôi sạch sành sanh. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy (H.Lệ Thủy) Nguyễn Công Viên thảng thốt: “Tôi đang dọn bùn non. Mất sạch rồi, gần như toàn bộ ao, hồ trên khu vực trằm, Mỹ Sơn đều bị cuốn trôi. Cá lớn lắm rồi, có nhà mất 3 tạ”.
35 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ
Máy bay, xe lội nước sẵn sàng ứng phó
Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến cuối giờ chiều 17.10, mưa lũ ở các tỉnh đã khiến 35 người chết (Quảng Bình: 22 người, Hà Tĩnh: 9 người, Nghệ An 3 người và Thừa Thiên-Huế có 1 người) và 4 người mất tích trong các vụ chìm tàu do mưa lũ hiện chưa tìm thấy thi thể.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, tính đến ngày 16.10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho các công trình giao thông, nhất là các quốc lộ, ước tính kinh phí khắc phục sửa chữa khoảng 130 tỉ đồng. Ngày 17.10, Tổng công ty đường sắt VN cho biết, sau gần 3 ngày nỗ lực tham gia khắc phục hậu quả bão lũ của hơn 1.000 cán bộ nhân viên, lúc 15 giờ 30 ngày 17.10, đoạn đường sắt từ ga Ngọc Lâm đến ga Minh Lệ (Km 452 khu gian Ngọc Lâm – Lệ Sơn và Km 468 + 300 khu gian Lệ Sơn – Minh Lệ) đã được nối thông và cho tàu chạy, chính thức thông tuyến đường sắt bắc – nam (giai đoạn 1 bước 1). Các đơn vị thi công tiếp tục thi công hoàn thiện (giai đoạn 2 bước 1) và khắc phục bước 2 tại một số điểm để trả tốc độ bình thường trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến công tác phòng chống bão số 7, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng với hơn 281.098 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và trên 3.289 phương tiện các loại, trong đó có 243 tàu, 8 máy bay và 9 xe lội nước sẵn sàng triển khai nhiệm vụ ứng phó với mưa bão, ứng cứu tàu thuyền, ngư dân trên biển khi có tình huống xấu.
P.Hậu – Mai Hà
|
Thanh Niên
Bình luận (0)