Bài 1: Việc “bếp núc” ở mỗi tiết dạy
Một tiết học thành công là đem lại hiệu quả cho người học và niềm vui cho người dạy. Và đằng sau sự thành công đó là sự chuẩn bị chu đáo của người giáo viên (GV). Vậy làm sao có được một tiết dạy tốt?
Có sự chuẩn bị chu đáo thì GV sẽ có những tiết dạy thành công ngoài mong đợi |
Tiếng chuông báo hết giờ reo lên, một tiết học ở Trường THCS Châu Văn Liêm, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) kết thúc. Mặc dù đã đến giờ ra chơi nhưng vẫn còn một số nhóm học sinh (HS) ngồi trong lớp thảo luận với nhau. Có vài em chạy lên bục giảng trao đổi thêm với cô giáo.
“Làm mới” tiết học
Gấp giáo án lại rồi nhưng cô Lê Thị Minh Huệ cảm thấy dư âm tiết học “Phản ứng hóa học” vẫn còn lắng đọng trong căn phòng mấy chục mét vuông. Theo cô, đây là một trong nhiều tiết học làm cho cả người dạy và người học thỏa mãn nhất vì đã đem lại những hiệu ứng dây chuyền trong việc truyền đạt và tiếp nhận tri thức mới. Những năm học trước, đôi lần tiết dạy này được “trình làng” trong tổ bộ môn và được đánh giá cao. Theo ý kiến của nhiều đồng nghiệp, có được tiết dạy thành công như vậy là do cô Minh Huệ rất chu đáo và đam mê nên luôn kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị, từ khâu soạn giáo án đến việc trang bị các dụng cụ thí nghiệm minh họa.
Tương tự, tiết học về bài thơ Tây Tiến của thi sĩ quân đội Quang Dũng đã lôi cuốn hơn 40 học viên tại Trung tâm GDTX Q.12 (TP.HCM). Không chỉ qua giọng nói truyền cảm của cô Vương Thị Thu Tường mà ngay chính những thước phim, bức tranh, bài hát… được GV “làm phông nền” trong giờ học đã làm thăng hoa nhiều xúc cảm từ phía người học. Không cần phải làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” sau giờ học, chúng tôi cũng đã thấy được sự dày công chuẩn bị của một GV tâm huyết với nghề và đã biết tự “đốt cháy” mình trên bục giảng chật hẹp.
Đến dự giờ thao giảng bài Các chất dinh dưỡng môn khoa học tự nhiên, khối 3 ở Trường Tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận), chúng tôi thật sự thích thú khi cô Chu Thị Hạnh đưa ra câu hỏi: “Các em cho cô xem các loại trái cây mà mình ưa thích?”. Chỉ chờ có vậy, gần 40 em HS thò tay vào hộc bàn lôi ra mỗi em một loại trái cây. Dưa hấu màu xanh, cà chua màu đỏ, khóm màu vàng, măng cụt màu nâu… đã làm cho sắc màu của không gian lớp học thêm bừng sáng. Nếu không có sự chuẩn bị của các nhóm HS với sự hướng dẫn của cô giáo thì làm sao các em HS có các mẫu trái cây sinh động đó.
Một điều không ai có thể phủ nhận, thành công của một tiết dạy phải là những hoạt động trực tiếp diễn ra trong 45 phút trên lớp. Thế nhưng, một câu hỏi luôn được mọi người đặt ra là: “Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo của người thầy (và cả của học trò) thì việc truyền đạt kiến thức có đem lại hiệu quả tốt nhất?”. Rõ ràng ai cũng biết câu trả lời chắc chắn sẽ là không!
“Có bột mới gột nên hồ”
Điều này cho thấy sự chuẩn bị của GV trước một tiết lên lớp rất quan trọng và thiết yếu. Nó cũng rất phù hợp và đi đúng quỹ đạo của nguyên tắc giảng dạy dù truyền thống hay hiện đại. Thầy Phạm Quốc Công, GV Tổ sinh – địa – công nghệ Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận) đánh giá: “Công tác chuẩn bị đồ dùng và giáo án đứng lớp là bước thứ hai sau bước xác định trọng tâm và nội dung bài học. Đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung bài học sẽ trở thành phương tiện truyền tải thông tin hiệu quả, có thể thay thế một bài diễn giải dài dòng, tiết kiệm sức lực và thời gian cho GV đứng lớp”. Cũng theo thầy Công, đồ dùng dạy học sinh động còn giúp HS hình tượng và hệ thống vấn đề cụ thể, nhanh chóng, rõ ràng. Đồng ý với quan điểm này, cô Lê Ngọc Trinh, GV cùng tổ bộ môn sinh – địa – công nghệ, luôn yêu cầu HS trước khi vào lớp phải đọc trước SGK, tài liệu tham khảo, trả lời câu hỏi về nhà, sưu tầm tranh ảnh và phải xem lại bài cũ.
Do đặc thù bộ môn nên đồ dùng dạy học của bộ môn giảng văn, đặc biệt là tập làm văn và tiếng Việt không có sự bắt buộc khắt khe. Thế nhưng, do đam mê với nghề nên nhiều GV, ngoài SGK trên tay, họ còn săn lùng thêm các “bằng chứng lịch sử” để làm phong phú và sinh động cho từng bài giảng. Cô Thu Tường là một ví dụ điển hình. Không bằng lòng với những gì đã có, cô Thu Tường đã “làm mới” tiết dạy của mình bằng những đoạn video clip đắt giá về hình tượng anh vệ quốc quân trong chiến dịch Điện Biên “3.000 ngày không nghỉ”. Hình ảnh “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” được chiếu qua màn hình đã trở thành thông điệp dễ hiểu cho toàn bộ ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật của một thi phẩm cách mạng. Còn với cô Chu Thị Hạnh, nếu không “tay xách nách mang” những mô hình, bảng biểu vào bục giảng thì làm sao gây được nhiều hứng thú cho HS trong tiết học môn khoa học tự nhiên – xã hội đến như thế. Chỉ cần vài tấm hình về nổ khí mê-tan, cháy rừng, nấu cơm, ủ men rượu… mà GV bộ môn đã làm “mềm hóa” được môn hóa học với nhiều con số, phương trình mà HS vốn coi là “khó nuốt”. Sự chuẩn bị chu đáo của GV trước khi lên lớp – có thể coi đó là vai trò của “người đi trước” trong công việc “bếp núc” của những người thầy.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)