Không thể có tiết dạy hiệu quả nếu GV thiếu giáo án tốt. Ảnh: N.Anh
|
Giáo án, dù theo phương pháp truyền thống hay có ứng dụng công nghệ thông tin đều là “xương sống” của một tiết dạy chính khóa và cả ngoại khóa.
Từ trước đến nay, soạn giáo án được coi là công việc “bếp núc” của người thầy sau bục giảng. Khi soạn giáo án, giáo viên (GV) thường phải dựa vào lịch trình của thời khóa biểu và được bắt đầu từ yêu cầu phân phối chương trình.
“Người trong cuộc” truyền kinh nghiệm
Do yêu cầu phân phối chương trình nên khi soạn giáo án, GV không chỉ bám sát chương trình mà còn phải bám sát nội dung trong sách giáo khoa (SGK). Nguyên tắc “bất di bất dịch” đó đã làm cho SGK được ví như cuốn cẩm nang cần thiết của “người đầu bếp”. Trước đây, do điều kiện thiếu thốn, học sinh không có sách và tài liệu tham khảo nên giáo án của người thầy gần như là một bản sao và “hình chiếu” của SGK. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, những ai liên tục đứng lớp mới thấy được sự “lột xác” của những cuốn giáo án do GV dạy theo phương pháp mới và hiện đại. Nếu như trước đây phần “nội dung bài học” chiếm vị trí độc tôn trong những trang giáo án thì bây giờ nó đã nhường chỗ cho những “hoạt động chính của thầy và trò”. Do việc xác định trọng tâm và nội dung bài học là thiết yếu nên ngay trong phần “nội dung bài học”, những tiêu chí mà giáo án đổi mới đặt ra cũng hoàn toàn khác với trước đây. Không dàn trải, lan man mà các nội dung có tỷ lệ khoa học rõ ràng và nhiều chỗ trở thành “điểm nhấn” của SGK. Điều này đòi hỏi GV khi soạn giáo án phải biết đưa vào kiến thức nào và nên đưa ra cái gì cho hợp lý. Nếu không, giáo án chỉ có những thông tin nguội, kiến thức cũ làm cho người học dễ bị nhàm chán theo kiểu “biết rồi nói mãi”. Là một GV có nhiều bài giảng cuốn hút học sinh nhưng trong giáo án của cô Lê Kim Mai, GV Trường THPT Võ Thị Sáu có những phần “đi lướt” vô cùng đơn giản. Ví dụ, khi giảng văn bài Tuyên ngôn độc lập, phần “hoàn cảnh sáng tác” rất quan trọng nhưng GV chỉ chốt bằng “hai gạch đầu dòng”: Học sinh xem SGK và gạch chân dưới những ý quan trọng nhất. Theo cô Mai, đây là phần SGK đã nói rất kỹ nên GV không cần đọc chép cho học sinh, vừa mất thời gian vừa không khoa học. Có như vậy mới có thời gian đi sâu ở phần khác và điều quan trọng hơn là giúp các em về nhà tự học thêm để có nhiều cơ hội khắc sâu kiến thức.
Đối với phần “hoạt động của GV và học sinh”, nếu trước đây chỉ được GV dành một chỗ khiêm tốn ngoài lề giáo án thì nay nó đã được đặt đúng vị trí và có tầm quan trọng không nhỏ đối với tiết học. Ngoài những câu hỏi gợi mở như trước đây, người soạn bài cần cho biết công việc cụ thể của từng đối tượng và cả những gợi ý, những điều giải thích thêm của thầy cô. Nói một cách khác là GV phải biết nhìn xa trông rộng để “bày binh bố trận” như thế nào để tiết dạy phát huy tối đa mọi hoạt động của GV và nhất là học sinh. Nếu là GV mới vào nghề thì nên chịu khó ghi thêm những lời đề dẫn, những ý dẫn dắt để làm cầu nối giữa các phần và các ý. Tuy mất thời gian nhưng tránh được tình trạng khi lên bục giảng do quá lúng túng mà… nhớ trước quên sau. “Dù chỉ là chi tiết vụn vặt nhưng các đề mục có số La Mã (I, II, III…) và chữ La Mã (A, B, C, D…) trong giáo án tôi cũng viết to hoặc tô đậm nhằm mục đích trình bày khoa học và không bỏ sót, nhầm lẫn”, cô Nguyễn Thị Oanh – GV Trường Nguyễn Hữu Cầu tiết lộ. Theo cô Oanh, ngay cả những mục theo dấu cộng (+), dấu trừ (-), dấu sao (*) và các loại mũi tên, GV cũng chú ý “đánh” sao cho logic chứ không tùy hứng.
Hai thái cực nên tránh
Do việc dạy học phải luôn bám sát đối tượng nên khi soạn giáo án GV cũng nên lưu tâm tới vấn đề này. Điều này thể hiện rõ nhất trong hệ thống câu hỏi do GV đưa ra qua từng bước giảng bài. Song song đó, GV phải biết chọn lựa đối tượng nào để trả lời được câu hỏi phù hợp với khả năng và tư duy của từng em.
Hiện nay sách tham khảo nhiều, giáo án đồng nghiệp cho mượn cũng không thiếu nhưng không vì thế mà GV ỷ lại, chỉ biết copy theo nguyên bản. Làm như vậy là chỉ biết giẫm lên chân người khác và tự mình làm thui chột sự sáng tạo của bản thân, nhất là với những GV mới bước vào nghề. Cô Đinh Đoàn Hồng Ngọc, GV Trung tâm GDTX Q.3, cho biết do là một GV trẻ nên cô hay lên mạng tìm trang web Violet hoặc thư viện điện tử để “sưu tầm” những giáo án có chất lượng nhằm học hỏi kinh nghiệm.
Nhưng trên đã nói, giáo án được coi như là hình chiếu, là một phần “hơi thở” của tiết dạy, vì thế nếu soạn sơ sài, qua loa thì không thể có một tiết dạy đạt hiệu quả theo ý muốn. Và ngược lại, nếu quá tham lam kiến thức và thao tác rối rắm thì tiết học sẽ kéo dài, học sinh bị nhồi nhét kiến thức dễ chán nản và mệt mỏi mà nguyên nhân chính là do giáo án soạn không khoa học, thiếu tính hệ thống và yếu năng lực sư phạm. Đó là hai thái cực mà vẫn có người còn mắc phải và luôn là điều GV cần nên tránh
Nguyễn Hoàng Anh
“Soạn giáo án là khâu vất vả và tốn nhiều thời gian nhất, nhưng điều quan trọng là GV phải say mê và thích thú. Chính niềm đam mê sẽ làm cho người thầy “rút hết gan ruột” của mình trải lên từng con chữ, từng trang giáo án mà quên đi mệt mỏi và cả những lo âu”, thầy Lê Văn Thành – GV Trường THPT Phan Đăng Lưu bày tỏ.
|
Bình luận (0)