Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:“Hàng ngàn điểm 0 là bình thường”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Phạm Vũ Luận –  Ảnh: C.V.K.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua là bình thường. Việc thay đổi chương trình môn sử cũng mới đang ở giai đoạn phải… bàn.

Ông Luận nói:- Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.
Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng sẽ phải thay đổi trong dạy và học không chỉ môn sử mà còn cả các môn khác như địa lý, văn học… Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện…
Với môn sử, việc bàn tính sẽ phải tiến hành cả ở trong giới sử, các thầy cô giáo, chuyên gia về lịch sử. Một mình tôi không quyết hết được cái ấy. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, bàn bạc cùng các hội, các chuyên gia và thay đổi trên tinh thần khoa học.
Thí sinh dự thi khối C vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) làm thủ tục dự thi trong kỳ tuyển sinh năm 2011 Ảnh: Minh Giảng
* Nhưng ông cũng là một nhà giáo, theo cá nhân ông, cách dạy của chúng ta hiện nay bắt học sinh nhớ từng ngày, tháng của các trận đánh có cần thiết? Cách dạy như thế quá nặng đã khiến học sinh học đối phó, học để… quên?
– Nhớ ngày tháng cũng cần. Ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ có cần nhớ không? Vì vậy, tôi cho rằng không nên cực đoan một chiều. Có những thứ máy móc phải bỏ, nhưng có những ngày tháng sự kiện máu thịt buộc phải nhớ và sẽ không thay đổi yêu cầu này. Ngày giỗ bố, mẹ, ông bà phải nhớ chứ. Anh có thể ra nước ngoài nhưng ngày giỗ bố mẹ anh thì phải nhớ, hay ngày Tết cổ truyền anh không được phép quên.
Nên tôi cho rằng có những thứ dứt khoát phải nhớ, dù là nhớ máy móc. Nhiều thứ khác có thể bỏ.
* Bây giờ rõ ràng học sinh VN thuộc những chuyện của Trung Quốc hơn cả lịch sử VN? Lịch sử VN đang được dạy kém hấp dẫn, cần nhiều kênh đa dạng hơn?
– Tôi đồng ý là nhiều bạn trẻ VN thuộc lịch sử Trung Quốc nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục mà là chuyện của xã hội. Người ta thuộc sử Trung Quốc hơn không phải do được dạy, phải học lịch sử, cách dạy sử Trung Quốc hay mà là do đọc truyện, xem phim. Đừng nhầm lẫn chỗ này.
Người ta có thể xem phim Tam Quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng… nên không chỉ thanh niên thuộc sử Trung Quốc mà cả người lớn nữa cũng có thể thuộc sử, hiểu sử Trung Quốc hơn sử VN. Cái đó không phải giáo dục từ trường học. Đó là câu chuyện không chỉ của ngành giáo dục nữa và một mình ngành giáo dục không làm được.
Theo CẦM VĂN KÌNH
(TT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)