Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục đại học thiếu tính cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh xem sơ đồ phòng thi trước khi thi ĐH. Ảnh: T.L
Cạnh tranh là khâu cốt lõi của kinh tế thị trường. Nơi nào có cạnh tranh, nơi đó trở nên năng động và phát triển. Tuy nhiên, đối với giáo dục đại học (ĐH) công ở Việt Nam hiện nay, cạnh tranh vẫn còn là vấn đề ít được quan tâm.
Trong giáo dục ĐH, khi người học có đủ năng lựcquyền chọn thầy thì người chịu nhiều áp lực là người dạy (thay vì người học như trước đây). Qua sự lựa chọn của người học, Nhà nước có được cơ sở để xóa bỏ chủ nghĩa bình quân và cơ chế thâm niên trong phân chia thu nhập (vốn đã quá lỗi thời).
1. Đối với người dạy, yếu tố cạnh tranh là con đường và cơ hội để cho họ làm giàu một cách chính đáng. Theo đó, sẽ có những giáo viên nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Ngược lại, có người sẽ bị văng ra khỏi cuộc chơi đầy khắc nghiệt và phải đi chọn một công việc khác. Sự sàng lọc này rất nghiệt ngã nhưng không thể tránh được nếu chúng ta muốn đưa nền giáo dục nước nhà thoát khỏi tình trạng tụt hậu hiện nay. Khi có được cơ hội làm giàu chính đáng như bao nghề khác, nền giáo dục sẽ thu hút được nhân tài để đứng vững, phát triển và cạnh tranh với giáo dục nước ngoài trong một thế giới phẳng.
Cạnh tranh trong giáo dục cũng có những yếu tố đặc thù. Vì vậy, Nhà nước nên làm “bà đỡbằng cách tạo ra bộ tiêu chuẩn giúp người học định hướng chọn thầy và trả một mức lương tối thiểu cho những giáo viên đủ những điều kiện quy định, phần lương còn lại do thị trường điều tiết. Giáo dục công với kiểu chấm điểm cho nhau, lương chia đều đang tự đánh mất thị phần tối quan trọng của quốc gia vào tay những nền giáo dục tiên tiến. Hậu quả là điều kiện thu nhập eo hẹp, người giáo viên (dù là giáo viên giỏi) buộc phải dạy thêm, thời gian nghiên cứu không còn nên kiến thức trở nên tụt hậu, sức cạnh tranh giảm. Giáo dục công trở thành bộ phận làm công tác xóa đói giảm nghèo (dạy con em nhà nghèo!). Thị phần giáo dục con em những gia đình có thu nhập cao từng bước bị nước ngoài thâu tóm. Chảy máu ngoại tệ sẽ là giai đoạn đầu của chảy máu chất xám. Chúng rất nguy hại cho nguồn lực quốc gia.
2. Người học là loại khách hàng đặc biệt. Quan niệm dạy học hiện đại cho rằng không có người dạy thuần túy và người học thuần túy, nên người học không hoàn toàn là một khách hàng tự do. Khi đã lựa chọn món hàng (môn học, thầy dạy và ngành học), họ phải thực hiện những nhiệm vụ được quy định trong định chế cạnh tranh. Trong đó, ngoài những yêu cầu có tính bắt buộc, người học phải nỗ lực học tập dưới sức ép của quyền được học học phí bất đồng đều. Hiện nay, rất nhiều sinh viên cho rằng đến lớp hay không, vào muộn hay đúng giờ, phát biểu hay im lặng, nằm ngủ hay lơ đãng là quyền của mình. Họ đến để điểm danh mà không hề tham gia tương tác với giáo viên và các bạn trong giờ học. Với phương thức dạy học hiện đại cá thể hóa, mỗi sinh viên thụ hưởng kiến thức ở một mức độ và cách thức khác nhau, điều đó có nghĩa là công sức mà người dạy phải bỏ ra cho từng người học cũng khác nhau. Người học nào cần đến sự chỉ dẫn nhiều, đương nhiên họ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn hơn. Cần phân biệt về nghĩa vụ tài chính của một sinh viên có khả năng tự học với một sinh viên phải kèm cặp từng thao tác, hoạt động. Học phí có thể thu theo điểm tổng kết của mỗi sinh viên trong từng học phần. Đầu năm học hoặc học kì, sinh viên đóng học phí bình quân theo số tín chỉ mình đăng kí. Khi đóng học phí của năm học hoặc học kì tiếp theo sẽ kết hợp với việc thanh toán lại học phí các học phần đã học theo kết quả học tập trước đó. Học phí của một cá nhân trong năm học hoặc học kì bằng tổng học phí của tất cả các học phần mà cá nhân đó tham gia.Theo đó, học phí của mỗi sinh viên là khác nhau (nghịch biến với điểm học phần) nhưng tổng học phí của cơ sở đào tạo không đổi. Cách tính học phí như sau: k là số sinh viên trong 1 nhóm lớp, a là học phí bình quân của mỗi sinh viên trong 1 học phần (nào đó), ta có tổng học phí A = axk; điểm học phần 1 môn học (nào đó) của tất cả sinh viên trong mỗi nhóm lớp là n = n1 +… nk; số tiền học phí trong học phần nào đó của sinh viên i là svi = a + (a – ni/nxA) = 2a – ni/nxA. Như vậy, số học phí của một sinh viên trong một năm học hay một học kì = tổng học phí của tất cả các học phần mà sinh viên đó tham gia học tập trong thời gian tương ứng.
3. Theo tinh thần xã hội hóa giáo dục, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người (có khi vào ĐH chỉ cần đăng ký), một cơ chế kiểm soát chặt chẽ đầu ra đã được bàn thảo, song việc kiểm soát quá trình dạy – học bằng công cụ tài chính đủ mạnh vẫn chưa được tính đến. Trong thực tế, đa số sinh viên đều cho rằng học ĐH nhàn hơn học phổ thông. Đó là một nghịch lý lớn của nền giáo dục nước nhà. Cạnh tranh mức học phí đảm bảo cho tính công bằng trong lao động và cũng là công cụ để ông thầy kiểm soát quá trình học tập của sinh viên một cách hiệu quả nhất. Giáo viên và sinh viên đều đượcphải gia nhập cơ chế giáo dục cạnh tranh để tồn tại và phát triển khi hàng rào thuế quan giáo dục của Nhà nước buộc phải dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế. Chúng ta cũng rất mừng khi mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định một cách mạnh mẽ: sẽ dành những gì tốt nhất cho giáo dục!Vấn đề còn lại là phải làm sao để thu hút được những người ưu tú nhất vào ngành sư phạm thì cuộc cách mạng giáo dục mới thực sự thu được thắng lợi. Cổ nhân đã nói: Có thực mới vực được đạo. Giảng viên ĐH khó có thể làm tấm gương sáng khi lương không đủ ăn, ăn không đủ làm và sau khi tốn rất nhiều tiền của, sức lực để có được mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ lại hưởng lương ngang với cử nhân thuộc tất cả các cấp học.
TS. Hồ Văn Hải (ĐH Sài Gòn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)