Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?

Tạp Chí Giáo Dục

Soạn câu hỏi phải phù hợp với đối tượng

Biết điều tiết từ khâu chuẩn bị giáo án, GV sẽ phát huy tất cả ưu điểm của bài họ. Ảnh: N.Q

Theo tôi, khi soạn giáo án để chuẩn bị bài lên lớp, giáo viên (GV) phải chú ý hệ thống câu hỏi trong quá trình thực hiện các phương pháp giảng dạy. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết xây dựng các loại câu hỏi. Thiết kế câu hỏi trong dạy toán là rất cần thiết. Theo đó, hệ thống câu hỏi có thể được sử dụng linh hoạt trong cách đàm thoại, khi vấn đáp phát hiện và giải quyết vấn đề có tính chất toán học, khuyến khích suy nghĩ cho học sinh cả lớp. Ngoài ra, GV cũng phải biết chọn lựa cách đặt câu hỏi. Nhiều GV đã thừa nhận, cách đặt câu hỏi là một kỹ năng vô cùng quan trọng được sử dụng từ đầu đến cuối trong tất cả các phần của bài học. Đối với chương trình tiểu học, ở bộ môn toán thường có ba dạng câu hỏi mà chúng ta nên thiết kế, đó là loại câu hỏi đóng; câu hỏi mở; câu hỏi phát hiện. Câu hỏi đóng là câu hỏi mà học sinh chỉ trả lời là “có” hoặc “không” hay chỉ có một câu trả lời duy nhất. Dạng câu hỏi này để gợi nhớ thông tin và “lục tìm” kiến thức cần thiết. Nó đòi hỏi rất ít tư duy, câu trả lời mang tính chính xác nên có thể đưa vào phần kiểm tra bài cũ khi soạn giáo án. Ví dụ: “2 nhân 3 bằng mấy?”. Loại câu hỏi thứ hai mà các em học sinh có thể đưa ra nhiều câu trả lời hoặc các nhóm đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến hay quan niệm của riêng mình là loại câu hỏi mở. Do dạng câu hỏi này có chức năng hướng dẫn, gợi mở kích thích và mở rộng tư duy nên người soạn bài nên đưa vào phần giới thiệu và phát triển bài học. Loại câu hỏi thứ ba là câu hỏi nêu vấn đề. Loại này dùng để tạo tình huống gợi vấn đề có tính chất toán học. Người dạy nên để dành gợi ý cho các em dự đoán, lật ngược vấn đề, tìm và phát hiện cách giải quyết vấn đề. Cũng cần nói thêm câu hỏi hay và sát đối tượng hay không còn tùy thuộc vào cách xử lý tình huống linh hoạt của GV khi triển khai tiết dạy.
Mai Thị Thanh Hoa
(GV toán khối 5, Trường TH Bình Triệu, Q. Thủ Đức)
Biết điều tiết hợp lý bài dạy
Khi chuẩn bị một giáo án, chúng ta phải lường trước những thuận lợi và khó khăn có thể xảy ra khi đứng lớp. Có như vậy bài giảng mới bám sát mục tiêu, và đặc biệt là luôn phù hợp với tình hình thực tế lớp học và đối tượng tiếp thu. Nhờ vậy mà khi thực hiện tiết dạy, GV sẽ dễ dàng làm chủ được kiến thức và những tình huống phát sinh trên lớp. Ví dụ: Khi dạy bài nghị luận xã hội ở THCS, GV phải thấy được những thuận lợi của thể loại, kiểu bài về vai trò, vị trí quan trọng của nó trong việc giáo dục nhận thức và rèn luyện nhân cách con người. Nghị luận nói chung và nghị luận xã hội nói riêng không chỉ có trong chương trình lớp cuối cấp THCS mà đã được phân phối chương trình từ năm lớp 7, theo mức độ từ xây dựng nền tảng hiểu biết đến thực hành các thao tác lập luận. Tuy nhiên, khó khăn mà các GV khối 9 phải chịu là bài giảng về nghị luận xã hội quá ít (chỉ có 9 tiết) và nhất là ở bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý (chỉ có 2 tiết). Đã thế phần này lại không có tiết luyện tập và tiết bài viết chính thức nên khó định hình kiến thức cho người học. Thế nhưng, trong thực tế giảng dạy, các bài kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ hoặc các đề thi học sinh giỏi đều có câu hỏi dạng viết một đoạn hoặc viết một bài văn ngắn liên quan đến loại bài này. Từ những khó khăn đó, GV phải biết “chỉnh” lại thời lượng hoặc thời gian các chương, các phần học. Chỉ cần biết điều tiết hợp lý từ khâu chuẩn bị giáo án thì GV sẽ tiên liệu được tất cả mọi vấn đề, không chỉ khắc phục được khó khăn mà còn phát huy tác dụng những ưu điểm của bài học. Chắc chắn tiết dạy nhờ thế mà thành công và có hiệu quả hơn.
Võ Thị Minh Loan
(GV môn văn Trường THCS Lê Quý Đôn Q.Thủ Đức)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)