Thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị bỏ bốn câu trong Truyện Kiều (1465-1468) về việc quan phủ tổ chức đám cưới cho Thúy Kiều và Thúc sinh. Theo Tản Đà, đó là lời truyền nhảm và thuộc hạ cũng không thể nghe theo lời quan. Ý kiến của thi sĩ Tản Đà là xét theo bình diện lí lẽ thường tình. Có một bình diện khác mà nhà thơ tài hoa núi Tản quên chú ý, đó là tính cách nhân vật. Cùng một sự kiện, tính cách này làm theo kiểu này tính cách khác làm theo kiểu khác.
Cũng là việc tổ chức đám cưới nhưng ông quan trong nguyên truyện (Kim – Vân – Kiều – Truyện) khác, quan của cụ Nguyễn khác. Thử so sánh hai vị quan ấy để tìm lời giải đáp cho ý kiến Tản Đà tiên sinh.
Quan trongKim – Vân – Kiều Truyện: Mở đầu buổi xử án, quan hỏi ba câu chính và một câu phụ: Ba câu chính là Lấy nhau đã bao lâu? Thúc Chính thưa: “Bẩm, đã gần một năm rồi”! Tri phủ lại hỏi: Con ấy ở nhà ông, có làm nhơ nhớp đến môn phong nhà ông không? (Thúc Chính nói: Bẩm, cái đó thì không có) – quan lại hỏi con ông là hạng người thế nào? (Thúc chính nói: Bẩm quan! Nó là nho sinh huyện Vô Tích).
Chỉ ba câu hỏi thôi, quan phủ đã rõ mọi chuyện và thế là theo luật Kiều lấy Thúc sinh không có gì phạm pháp. Đến đây, quan phủ mới hỏi một câu phụ. Nếu đã là Nho sinh lấy vợ lẽ về nhà rồi lại cho trở về tiếp khách thì còn ra gì nữa! Ông vì cớ gì mà bắt chúng phải bỏ nhau? (Thúc Chính nói: Bẩm! Đó là chỗ mà quan lớn chưa thấu rõ cho! Là vì cha vợ nó là lại bộ thiên quan, vợ nó đương trạc trẻ trung, sợ rồi không thể dung nhau được, cho nên phải bắt nó đuổi con kia đi). Tri phủ nói, té ra như thế.
Cứ xem mấy câu hỏi ở trên ta thấy quan phủ trong Kim – Vân – Kiều – Truyện thâm trầm, kín lẽ. Một quan phủ như vậy mà đứng ra tổ chức đám cưới đó mới là chi tiết nhảm nhí không dùng được. Nếu Tản Đà tiên sinh có trách, xin hãy trách việc xây dựng tính cách nhân vật trong Kim – Vân – Kiều – Truyện.
Còn ông quan phủ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du? Khác ông quan của Thanh Tâm Tài Nhân, ông quan của Nguyễn Du không hề hỏi, không tìm hiểu vụ án. Mới thấy Thúc sinh quan liền mắng: Gã kia dại nết chơi bời/ Mà con người thế là người đong đưa/ Tuồng chi hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
Rồi cũng chẳng cần tra hỏi thân phận Thúy Kiều, quan liền phán có hai cách chịu tội hình: Một là cứ phép gia hình/ Hai là lại cứ lầu xanh phó về…
Chưa nói đến chuyện sau đấy chuyển qua việc thứ hai: Thử tài làm thơ của Thúy Kiều. Buổi xử án trở thành chốn bình văn. Cũng chưa nói đến chuyện quan xem thơ của Kiều hết lời ca ngợi: Giá đáng Thịnh Đường.
Đành rằng miệng của quan lại xưa nay vốn không tề chỉnh. Nói xuôi rồi nói ngược, nói qua xong lại nói lại… “Miệng quan trôn trẻ” cái bất thường ở miệng quan vốn không gì xa lạ. Nhưng một vị quan như Nguyễn Du miêu tả, tính cách bộc lộ rõ nét nhất là hồ đồ. Mới thấy bên bị kiện đã la mắng mới thấy Thúy Kiều đã một là hai là. Một quan hồ đồ như vậy việc tổ chức đám cưới âu cũng chỉ là việc làm tiếp theo của tính cách hồ đồ!
Rõ ràng, Nguyễn Du thấy Thanh Tâm Tài Nhân cho ra một vị quan kể cũng hay hay. Nguyễn tiên sinh không nỡ bỏ mà chữa lại tí xíu, hóa ra đã cách xa ngàn dặm, hai tính cách của hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Việc tổ chức đám cưới của quan phủ trong Truyện Kiều hóa ra hợp lý. Và, không nên bỏ bốn câu thơ như Tản Đà tiên sinh đề nghị.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)