Muốn có một tiết dạy thành công thì giáo viên cần rất nhiều khâu chuẩn bị trước khi lên lớp. Ảnh: N.Anh
|
Muốn có được những tiết dạy thành công, mang lại hiệu quả để học sinh (HS) tiếp thu kiến thức một cách vững chắc và hứng thú thì việc chuẩn bị nội dung bài dạy chu đáo là hết sức cần thiết đối với người thầy khi đứng lớp.
Xem kỹ nội dung bài dạy
Một yếu tố mang đến thành công cho tiết dạy là nội dung bài dạy sẽ chuyển tải đến HS phải được giáo viên xem kỹ, chuẩn bị chu đáo với những định hướng về cách thức truyền đạt ra sao? về nội dung quan trọng của bài học mà HS sẽ biết được sau tiết dạy như thế nào?… Khâu chuẩn bị này cực kỳ quan trọng đối với giáo viên vì nó mang tính quyết định phần lớn của tiết dạy mà giáo viên sẽ tạo ra cho chính học trò của mình. Nếu giáo viên chuẩn bị nội dung qua loa, nắm kiến thức lờ mờ thì việc HS nắm được nội dung kiến thức bài học sẽ không cao, không sâu. Bên cạnh đó, các em HS sẽ không còn hứng thú, cảm thấy nhàm chán khi phải ngồi nghe giáo viên giảng giải lê thê, chẳng đi vào trọng tâm bài học. Và, tiết học đó chắc chắn sẽ thất bại do sự chuẩn bị không chu đáo của người thầy dẫn đến sự nhàm chán cho HS.
Hình thức tổ chức dạy học phải phong phú
Ngoài việc chuẩn bị nội dung bài dạy và tìm ra những điểm quan trọng cần truyền đạt đến các em HS thì việc suy nghĩ, tìm ra hình thức tổ chức, cách thức tiếp cận kiến thức thông qua các hoạt động để HS nắm kiến thức một cách có hệ thống, có định hướng cũng là một yếu tố mang đến sự thành công của tiết dạy của người giáo viên. Như đã trình bày ở trên, hình thức tổ chức dạy học rất quan trọng vì nó kích thích sự hứng thú của từng đối tượng HS trong một lớp với nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, nếu giáo viên đã chuẩn bị, xem kỹ nội dung bài sẽ dạy và tìm ra nhiều hình thức tổ chức lớp phong phú thì sẽ giúp cho HS nắm được kiến thức trọn vẹn hơn theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học như chủ trương hiện nay của Bộ GD-ĐT.
Trang thiết bị – đồ dùng dạy học cần đầy đủ
Một tiết dạy học của giáo viên được xem là thành công, đạt hiệu quả mà không cần sử dụng đến trang thiết bị, đồ dùng dạy học có được không? Điều đó rất khó xảy ra, mà chỉ dẫn đến một tiết học nhàm chán, thầy giảng – trò ngồi nghe một cách thụ động. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phát triển về nhận thức của HS, bên cạnh việc chuẩn bị xem nội dung bài, chọn hình thức tổ chức lớp thì người giáo viên còn phải nhọc công thêm một lần nữa là chuẩn bị những trang thiết bị, đồ dùng dạy học sao cho phù hợp với nội dung cần chuyển đến cho HS một cách tốt nhất. Chẳng hạn, khi cần những tư liệu về lịch sử, hay những đồ dùng để thí nghiệm ở môn khoa học thì giáo viên cần phải chuẩn bị những dụng cụ cùng với sự hướng dẫn để các em HS cùng chuẩn bị để giờ lên lớp, các em sẽ thấy được thầy làm, và các em cũng sẽ được làm thí nghiệm, được tiếp cận. Có như vậy, việc nắm kiến thức sẽ không còn nhàm chán, thụ động mà sẽ nhanh hơn, vui hơn cho các em.
Tóm lại, muốn có một tiết dạy thành công, đạt hiệu quả thì người giáo viên cần rất nhiều khâu của sự chuẩn bị trước khi lên lớp. Từ việc soạn giảng, cô đọng nội dung chính, phần quan trọng của bài dạy đến việc lựa chọn hình thức tổ chức lớp, tìm và sử dụng đồ dùng dạy học hiệu quả sẽ quyết định sự thành công của tiết học đó. Và, điều quan trọng hơn hết chính là HS được trau dồi thêm kỹ năng nghe, làm việc nhóm, kỹ năng tự tìm hiểu và khám phá vấn đề theo sự gợi mở của giáo viên bằng một loạt hệ thống các câu hỏi, cách thức tiếp cận từ dễ đến khó để kích thích tư duy của HS. Từ đó, các em sẽ nắm được mấu chốt chính của nội dung bài một cách có định hướng từ giáo viên. Đó là một tiết dạy thành công.
Trần Minh Duy
(Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)