Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản

Tạp Chí Giáo Dục

Việc gia tăng nhanh đội tàu cùng với sử dụng dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt đang làm nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang sụt giảm nghiêm trọng.

Hủy hoại ngư trường

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 10.322 tàu thuyền làm nghề khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới kéo 3.213 chiếc, chiếm 31,1% về số lượng và sản lượng khai thác nghề lưới kéo chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Cũng chính các tàu hành nghề lưới kéo (kéo đôi và kéo đơn) là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do mật độ tàu thuyền tập trung đánh bắt gần bờ cao, cạnh tranh khai thác và dùng công cụ mang tính hủy diệt như cào bay, xung điện… đã làm cho ngư trường biển bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong tương lai, nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Kiên Giang, nhất là nhóm cá nổi, cá tầng đáy có nguy cơ vĩnh viễn biến mất. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều phương tiện hành nghề cào bất chấp vùng cấm vẫn đưa tàu vào vùng ven bờ, ven đảo đánh bắt tôm cá khiến nơi cư trú cung cấp dinh dưỡng, bãi sinh sản của các loài thủy sản bị đe dọa.

Đội tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản /// Ảnh: Anh Phương
Đội tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản – Ảnh: Anh Phương

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng khai thác ven bờ phát triển quá nhanh. Trong khi đó, một số ngư dân bất chấp quy định không tiến hành đăng ký, đăng kiểm; sử dụng phương tiện khai thác theo tính hủy diệt mà không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng. Ông Dương Xuân Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, cho biết tính đến tháng 7.2016, đơn vị đã tổ chức 33 cuộc kiểm tra trên biển, qua đó phát hiện 880 phương tiện sử dụng các loại công cụ không đúng theo quy định, như khai thác thủy sản kích thước nhỏ, khu vực cấm, nghề cấm, sử dụng điện, sai tuyến… với số tiền xử phạt trên 13,5 tỉ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là việc dùng cào bay trong vùng cấm khai thác là 534 trường hợp.
Sắp xếp lại nghề cá ven bờ
Trước tình trạng khai thác thủy sản tràn lan dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản, từ cuối năm 2015, Bộ NN-PTNT đã ban hành quy định tạm thời không cho đăng ký loại nghề lưới cào (lưới kéo) trong phạm vi cả nước. Mục đích là giảm áp lực trong khai thác thủy sản những vùng biển cạn, trong đó có vùng biển Kiên Giang. Riêng Kiên Giang cũng đã xây dựng chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện khoanh vùng phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái, quy định các vùng cấm khai thác; nghiêm cấm các hành vi khai thác bằng xung điện, chất nổ; cấm các loại tàu cào bờ, xiệp mé hoạt động trong vùng biển ven bờ; tuyên truyền, vận động ngư dân hạn chế đánh bắt gần bờ nhằm bảo tồn và phát triển đánh bắt hải sản vùng gần bờ; thành lập khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đồng thời ổn định cơ cấu tàu thuyền khai thác phù hợp với ngư trường hướng đến mục tiêu khai thác ổn định và bền vững. Cùng với đó, tiến hành tổ chức sắp xếp lại nghề khai thác trên cơ sở cơ cấu lại nghề nghiệp phù hợp; tăng cường đầu tư mở rộng nâng cấp các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên các tuyến hải đảo; tiếp tục đóng mới các tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Riêng với các tàu có công suất nhỏ, vận động chuyển dần sang làm nghề câu, dã tôm, chày chụp…
Theo ông Trung, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát, Kiên Giang cũng đang thưc hiện dự án cải thiện nghề ghẹ xanh thực hiện từ năm 2010 và đang tiến hành cải thiện đề án quản lý nghề lưới kéo; thực hiện dự án sắp xếp lại nghề cá ven bờ… UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Theo đó, sẽ sắp xếp lại việc khai thác ven bờ, vùng lộng. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản xây dựng đề án làm căn cứ khoa học để khoanh vùng khai thác cụ thể, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ áp dụng thực hiện. Trước mắt, ngành nông nghiệp tạm thời phân ra từng tọa độ, vị trí cho các địa phương. Để thực hiện việc này, các huyện, thị nên có sự thống nhất chung để cùng nhau tuyên truyền để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất an ninh trật tự trên biển.

Anh Phương (TNO)

 

Bình luận (0)