Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Đạt “chữ tâm” trong từng tiết dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Để có tiết dạy thành công rất khó, đòi hỏi GV phải nỗ lực rất nhiều. Ảnh: T.L
Trong một lần học ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi đã nghe một giảng viên phát biểu: “…Với tôi, không có giáo viên (GV) giỏi mà chỉ có GV có nhiều tiết dạy thành công”. Tôi rất tâm đắc và đồng tình với ý kiến ấy. Gần như năm nào ngành giáo dục ở các địa phương cũng đều tổ chức những cuộc thi GV giỏi, GV tài năng, Viên phấn vàng… và những người đoạt giải là GV giỏi chỉ qua vài tiết dạy được chuẩn bị công phu. Nhiều trường đầu tư kĩ nên có nhiều GV giỏi đến độ khối lớp nào cũng có một, hai người và ở mỗi quận, số GV giỏi ấy chiếm số lượng khá đông (vì 1 năm có ít nhất 3 GV đoạt giải). Thực tế có bao nhiêu GV đạt danh hiệu giỏi đó có được nhiều tiết dạy thành công trong những buổi dạy thường ngày. Với tôi, để có một tiết dạy thành công trong thực tế (không phải dạy biểu diễn) không hề đơn giản.
Để có tiết dạy thành công, người thầy trước tiên phải nắm vững trình độ học sinh bởi với mỗi đối tượng cần có phương pháp giảng dạy khác nhau. Lớp học càng có nhiều trình độ khác nhau, GV lại càng vất vả để lựa chọn cách tổ chức lớp học, phương pháp sử dụng để sao cho mọi thành viên của lớp đều tham gia học tập tích cực lĩnh hội được các kiến thức mới. Tuyệt đối tránh cách tổ chức học mà chỉ có học sinh giỏi làm việc, các em yếu kém chỉ ngồi nghe hoặc các hoạt động học tập quá đơn giản không kích thích được tư duy của học sinh khá giỏi, dẫn đến các em chán, không tập trung tham gia tìm hiểu bài học…
GV cũng cần phải xem lại đặc trưng của môn học, mục tiêu của bài dạy. Bởi mỗi môn học có những yêu cầu khác nhau, mỗi bài dạy có những mục đích khác nhau. Nhiều GV dạy lâu năm cũng đôi khi chủ quan không chú ý điều này đã dẫn đến thất bại. Chẳng hạn, ở môn tập đọc, có những văn bản rất hay, GV say sưa cùng học sinh khai thác nội dung, nghệ thuật của bài mà không dành thời gian cho học sinh luyện đọc, mặc dù số học sinh đọc đạt theo chuẩn kiến thức chưa cao. Trong khi đó, yêu cầu đầu tiên của môn tập đọc là luyện đọc cho học sinh. Hay cũng là tiết luyện tập toán về diện tích hình tam giác nhưng tiết thì để học sinh ứng dụng thành thạo công thức, tiết thì kết hợp với các dạng toán có lời văn đặc trưng ở lớp 4 nên phương pháp kĩ thuật dạy phải khác nhau. Bám sát mục tiêu bộ môn, bài dạy để truyền tải đúng kiến thức yêu cầu với cách tổ chức, phương pháp kĩ thuật dạy phù hợp là điều hết sức quan trọng.
Bài giảng chỉ bám sát kiến thức trong sách giáo khoa cũng không thể thu hút học sinh. Muốn học sinh chăm chú học GV phải nghiên cứu tài liệu, sách báo, mạng thông tin để tìm thêm những kiến thức hay, mới bổ sung cho bài giảng nhất là các môn khoa học, sử, địa… thậm chí ở môn toán cũng có thể tìm những mẩu chuyện vui liên quan toán học, các bài toán vui để tiết học thêm sinh động. Đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học là thích vui học vì thế sáng tạo một số trò chơi học tập phù hợp với bài dạy cũng là điều thầy cô cần quan tâm.
Phương tiện, đồ dùng dạy học cũng góp phần rất lớn trong việc thành công của tiết dạy. Theo đó, phương tiện, đồ dùng dạy học phải tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của trường học, lớp học, sĩ số lớp… Lớp học đông, khi sử dụng bài giảng điện tử mà màn hình là cái tivi, học sinh phải vẹo đầu, ngoẹo cổ xem thì tiết dạy không thể tốt được. Hay sử dụng phương pháp kĩ thuật dạy hợp tác “Góc” cũng sẽ không hiệu quả với lớp học có phòng học chật hẹp. Đồ dùng dạy học khi dạy cho lớp phải lớn hơn đồ dùng dạy cho hoạt động nhóm. Đồ dùng phải dễ sử dụng, phải nổi bật yêu cầu của hoạt động.
Để có tiết dạy thành công trong thực tế (không phải dạy biểu diễn hay thi thố) rất khó. Nó đòi hỏi nỗ lực ở thầy cô rất nhiều và cũng chỉ chính bản thân thầy cô mới nhận định được là mình đã dạy thành công chưa? kiến thức truyền đạt đủ chưa? học sinh có hiểu bài hết không? Muốn dạy thành công, GV cần có cái tâm (yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với nghiệp giáo) hơn là chỉ có tài (kiến thức, khả năng sư phạm). Bởi nếu với cái tâm ấy, thầy cô sẽ luôn tìm mọi cách nâng cao tiết dạy của mình ngày càng hoàn thiện hơn trong thực tế, còn nếu chỉ có tài mà thiếu cái tâm thì khó có được nhiều tiết dạy thành công như mong muốn, vì tài sẽ mai một theo thời gian. Nhiều thầy cô dạy trường làng ngày xưa, không hề có trình độ sư phạm cử nhân như GV ngày nay nhưng vẫn đào tạo được những lứa học trò xuất sắc bởi cái tâm của các thầy cô ấy bằng ba cái tài.
Lê Phương Trí (Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Phân bố thời gian hợp lý cho từng hoạt động
Thông thường, một tiết dạy ở bậc tiểu học được quy định là 35 phút, nhưng cho phép dao động trên, dưới 5 phút (nghĩa là kết thúc tiết dạy có thể 30 phút hay 40 phút), cũng có trường hợp theo công văn 896 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn GV có thể chủ động điều chỉnh tăng thời lượng dạy cho nội dung bài học nào đó, nhưng phải được thảo luận trong khối và thể hiện rõ trong sổ nghị quyết của khối, và sự đồng ý cho phép của hiệu trưởng. Nhưng cái khó nhất của GV không phải ở phương pháp giảng dạy hay thiếu các phương tiện dạy học mà là do GV chủ quan, nhiều lúc không để ý, xem nó là chuyện nhỏ nhưng đến khi nghe kết luận của người dự giờ mới biết “lỗi” là do mình không làm chủ được thời gian lên lớp, tiết dạy bị cháy giáo án; khi bị cháy giáo án thì tiêu chí đánh giá tiết dạy phần này bị mất điểm, có khi còn kéo cả xếp loại tiết dạy xuống. Vì vậy, theo tôi, khi xây dựng giáo án, GV nên phân phối thời gian cả tiết đúng 35 phút, phân bố thời gian thật cụ thể và chi tiết các hoạt động phục vụ cho mục tiêu bài dạy. Khi tiến hành bài dạy, GV cố gắng đừng quá “hứng” mà dành nhiều thời gian giảng giải vào hoạt động nhỏ nào đó, hay đừng chú trọng xử lý tình huống nào đó phát sinh trong lớp mà mình không dự kiến trong giáo án (cố gắng nhớ đừng thoát ly thời gian đã phân bố kỹ lưỡng trong giáo án dù chỉ một vài phút). Có vậy GV mới đảm bảo đủ thời gian cho tiết dạy mà không lo bị cháy giáo án.
Để tiết dạy thành công thì việc phân bố chi tiết thời gian cho từng hoạt động cũng không kém phần quan trọng.
Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)