Tại TPHCM, hơn 50% lao động chưa qua đào tạo nhưng rất ít học sinh định hình học trung cấp chuyên nghiệp khi đang học phổ thông.
Hội thảo về các giải pháp và điều kiện để củng cố và phát triển các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của TPHCM đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2015, có tính đến năm 2020 đã diễn ra tại Sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 12/8.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn năm nay, cả nước có hơn nửa triệu thí sinh trượt ĐH. Trong số đó, ngoài những thí sinh đã đậu vào các trường CĐ, số còn lại phần lớn sẽ lựa chọn học các trường TCCN và trung cấp nghề. Thế nhưng, hiện nay hệ thống đào tạo TCCN lại gần như đang bị lãng quên.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng đây là thời điểm các trường TCCN hết sức lo lắng để tuyển sinh khi học sinh vẫn muốn vào ĐH và CĐ. Trong khi đó, thực tiễn tại TPHCM, hơn 50% lao động chưa qua đào tạo nhưng rất ít học sinh định hình học TCCN khi đang học phổ thông.
Theo bà Tô Thị Thanh Nga, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ngay cả chính sách dành cho các trường TCCN cũng có phần bất công.
Nguồn kinh phí phần lớn là dành cho khối nghề của Bộ LĐ-TB-XH hơn là dành cho các trường TCCN của Bộ GD-ĐT; trong khi người dạy và học nghề có chế độ khuyến khích thì chế độ này không dành cho người dạy và học ở trường chuyên TCCN; chủ trương phân luồng cũng chưa có cơ chế để gắn trường học với doanh nghiệp; chưa có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho trường TCCN để các trường đào tạo…
“Việc đào tạo học sinh để phục vụ đối tượng nào khiến các trường TCCN lúng túng. Nói gắn đào tạo với doanh nghiệp thì đào tạo như thế nào? Việc mở các ngành đào tạo cũng phải có định hướng cho phù hợp nhu cầu phát triển xã hội, chứ không thể ngành nào thí sinh đổ xô vào học thì các trường chạy đua mở ra…” – ông Trần Ngọc Trình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, nói.
Theo ông Trình, cơ sở đào tạo đạt chất lượng cao khi và chỉ khi nguồn nhân lực qua đào tạo được xã hội trọng dụng.
Ông Trình kiến nghị nên có sự phân mức chất lượng theo từng cấp để các trường trung cấp xác định rõ mục tiêu đào tạo. Cụ thể, chia làm 3 mức: Mức chất lượng địa phương, để đáp ứng nhân lực theo đơn đặt hàng của địa phương; mức chất lượng quốc gia theo đơn đặt hàng và định hướng của Chính phủ theo phương thức thi tuyển; mức chất lượng quốc tế theo đơn đặt hàng của các cơ sở sử dụng lao động nước ngoài với bằng cấp và chứng chỉ được nước ngoài công nhận.
Bà Tô Thị Thanh Nga cho biết mục tiêu từ nay tới năm 2015 của TPHCM là hơn 70% lao động được qua đào tạo; tiến tới 100% lao động được qua đào tạo ở lĩnh vực công nghệ, đạt trình độ cao trong các ngành trọng điểm của TP; 80% lao động qua đào tạo các ngành dịch vụ.
Theo Minh Quyên
Người Lao Động
Bình luận (0)