Dự thảo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về tình hình thực hiện 3 năm Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đã rà soát và đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế tồn tại, qua đó kiến nghị với từng chế định cụ thể để Luật Lao động hoàn thiện hơn.
Theo đó, từ năm 2012-2015, các thành phần kinh tế trên địa bàn TP đã thu hút và giải quyết việc làm cho 1.167.890 lượt lao động, số việc làm mới là 491.137 chỗ, tỉ lệ thất nghiệp còn 4,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã giải quyết việc làm cho 170.114 lượt lao động, số chỗ việc làm mới tạo ra là 67.661 chỗ. Bên cạnh đó, hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm cho 34.818 người. Đồng thời, TP đã tổ chức 157 sàn giao dịch cố định và phiên lưu động tại các quận, huyện để kết nối cung – cầu lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng kết nối đối tượng lao động thất nghiệp có nhu cầu làm việc để nhanh chóng tái gia nhập thị trường lao động.
Mặt khác, dự thảo báo cáo cũng đã nêu những mặt hạn chế và kiến nghị bổ sung luật. Theo đó, ở lĩnh vực việc làm, cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không khai báo việc sử dụng lao động và báo cáo tình hình thay đổi về lao động; Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; Có chính sách phát triển, phân bổ nguồn nhân lực; dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao…
Dự thảo đề nghị có sự điều chỉnh quy định phù hợp đối với người lao động cả nam và nữ làm việc trong một số môi trường đặc thù bị ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ. Ngoài ra cần bổ sung hướng dẫn về mức hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ theo quy định tại khoản 4, điều 154 Bộ luật Lao động.
Về chương tiền lương, dự thảo kiến nghị cần thống nhất trong các khái niệm “tiền lương/ tiền lương trả cho người lao động” và “tiền lương theo hợp đồng lao động” tạo thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết chế độ chính sách, đóng BHXH và quyết toán thuế tại doanh nghiệp; Bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể đối với hình thức trả lương khoán cho người lao động; Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “không ban hành quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao động hoặc có xây dựng nhưng không thực hiện” nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động theo đúng quy định; Khẩn trương ban hành Luật Tiền lương tối thiểu để áp dụng và thực hiện theo cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hóc Môn cho rằng, cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp còn cứng nhắc và thấp (chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hằng năm và thang bảng lương) dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao. Các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để giảm tiền đóng BHXH.
Trần Anh
Bình luận (0)