Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Tiết dạy không thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Có những kiến thức nhìn tưởng dễ giải thích nhưng nếu giáo viên chủ quan thiếu kiểm chứng có thể dẫn đến sai kiến thức (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri

Để có một tiết dạy thành công, giáo viên phải thực hiện việc chuẩn bị bài thật tốt. Tuy nhiên có những kiến thức, kĩ năng đơn giản, nhìn tưởng dễ giải thích, dễ thao tác nhưng nếu chúng ta chủ quan không có sự kiểm chứng, kiểm tra, nhất là chỉ làm theo kinh nghiệm thì có thể dẫn đến sai kiến thức, hoặc làm cho chúng ta lúng túng, mất bình tĩnh khi lên tiết. Tôi xin kể ra vài ví dụ minh họa cụ thể sau đây.

Hôm đó tôi đi ngang qua lớp 2 do một giáo sinh dạy. Tôi đứng sựng lại để lắng nghe lời giảng, lời kết của cô thật dứt khoát: Số có 1 chữ số cộng với số có 1 chữ số thì tổng là số có 1 chữ số. Số có 2 chữ số cộng với số có 2 chữ số thì tổng cũng là số có 2 chữ số. Sau đó cô dẫn chứng: 4+3=7, 14+13=27. Nếu không để ý thì có lẽ là có lí, vì cô nói có sách, mách có chứng. Tôi kêu cô ra ngoài và nói nhỏ vào tai cô: trong sách không có kết thì em đừng suy nghĩ ra lời kết, vì em thử làm 5+5=?, 99+99=? Cô ấy hiểu ý và xử lí tình huống, cô nói thật nhanh (và xóa bảng cũng thật nhanh) với các em học sinh là cũng có ngoại lệ: số có 1 chữ số cộng với số có 1 chữ số có tổng là 2 chữ số. Cô sẽ dạy các em trong các tiết sau.
Một lần khác, tôi đi ngang qua lớp một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, là tổ trưởng khối 1, tôi nghe cô giải thích từ “cái thang”. Tuy nhiên giáo viên này quên mang theo tranh cái thang vì chủ quan nghĩ rằng từ này dễ với học sinh. Cô giáo chỉ tay ra bên ngoài và nói cho các em học sinh biết: bên hông phòng mình là cái thang đó, cái thang dùng để lên lầu. Tôi liền nhắc nhỏ cô: đó là cầu thang, còn cái thang là cái làm bằng tầm vông có nhiều nấc (mặc dù tôi giải thích chưa hết ý nhưng cũng gợi cho cô biết dụng ý từ “cái thang” mà sách giới thiệu). Cũng giáo viên đó, giải thích từ “phá cỗ”: người ta làm đám giỗ và dọn thành những mâm cỗ, sau khi ông bà thưởng thức, rồi mấy ông nhậu, nhậu xỉn mấy ông đánh nhau đập mấy mâm cỗ nên gọi là phá cỗ.
Lần khác, thấy lịch báo bài khối 2 hôm ấy có bài kilogam. Bài này chủ yếu thực hành cân và giới thiệu khởi đầu 1 kilogam. Yêu cầu của bài là giáo viên chuẩn bị cân và các vật như đường, muối, gạo… Thấy bài hay hay, tôi xin dự giờ. Thật thương cho giáo viên, cân thì đã có, vật dùng để cân thì chưa. Do đó, giáo viên gom từ học sinh một chồng sách và tiến hành cân. Dĩa cân bên phải đã sẵn sàng đặt quả cân 1 kilogam, bên trái là một chồng sách, hai đĩa cân không thăng bằng, chồng sách nặng hơn, cô liền lấy một quyển ra, chồng sách nhẹ đi, hai đĩa cân không thăng bằng, cô đổi quyển sách khác, cân cũng không thăng bằng… Cô đổi rất nhiều lần, nhưng kết quả: nhẹ hơn, nặng hơn, nhẹ hơn… không lần nào được đúng 1 kilogam… Cô thất bại. Giá như đó là gạo, cô chỉ cần thêm từng chút, từng chút… cho đến khi hai đĩa cân thăng bằng.
Trường hợp khác, cô H, giáo viên khối 1, chuẩn bị cho một tiết chuyên đề môn tự nhiên xã hội rất chu đáo: cô cho mỗi em học sinh chuẩn bị một con cá bỏ trong bọc, trong hũ… để sáng mai dạy bài “cá”. Cô cùng học sinh rất sung sướng chờ đợi một tiết học, tiết dạy thật sinh động. Sáng ấy các em rất nôn nao nhưng hỡi ơi: tất cả các con cá ấy đã không còn tung tăng bơi nữa vì chúng đã chết. Cô giáo bối rối và chở một em học sinh đi mua cá khác. Nhưng tiết dạy đã không thành công vì các em học sinh mải ngắm cá, so sánh cá một cách tự nhiên, để rồi: cá tung khỏi bọc, nước văng tung tóe, mặc dù cứu được cá nhưng không cứu được nề nếp lớp học hôm ấy.
Tôi kể những tình huống không thành công trong tiết dạy như trên để nhấn mạnh lại, muốn tiết dạy thành công, giáo viên cần (nhưng vẫn chưa đủ): chuẩn bị bài thật chu đáo, dự kiến những tình huống có thể xảy ra, hướng khắc phục, hoặc sử dụng phương án khác… Sử dụng đồ dùng trực quan thường xuyên (cần thao tác thử trước khi hướng dẫn học sinh) kết hợp sử dụng hệ thống câu hỏi rõ ràng…
Một chút chủ quan, một sơ suất nào đó của giáo viên hay của học sinh sẽ gây ra sự lúng túng cho giáo viên và ít nhất “một chút đó” đã ảnh hưởng “rất lớn” đến kết quả của tiết dạy vì truyền thụ sai kiến thức.
Trần Mỹ Lệ
(Trường TH Bình Quới, Thủ Đức, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)