Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tràn lan sách giáo khoa lậu

Tạp Chí Giáo Dục

Sách giáo khoa không rõ nguồn gốc, sách tăng chiết khấu, giảm giá sách một cách bất hợp lí, phá giá thị trường đang diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM và một số các tỉnh thành khác.

Năm học 2011-2012, Nhà xuất bản Giáo dục đã điều chỉnh giá sách giáo khoa (SGK) tăng 16,9% so với năm học 2010 – 2011. Lợi dụng vào việc tăng giá “hội chứng in SGK lậu” tiếp tục tung hoành.

Hợp với túi tiền

Trên các con phố, như: Đường Láng, Phạm Văn Đồng, Tô Hiệu, Giảng Võ (Hà Nội) không ít quầy bán SGK lậu một cách công khai. Các tấm bạt được trải dài hằng chục mét trên vỉa hè, để bầy lên đó những cuốn sách văn học, lịch sử, pháp luật, kinh tế, truyện, tiểu thuyết… trông rất đẹp mắt, đầy màu sắc, thu hút nhiều người.

Chị Nguyễn T.H, (chủ cửa hàng sách) trên đường Tô Hiệu, Hà Nội, nói: “Tôi bán sách ở đây lâu rồi. Ngoài sách tham khảo, sách văn học, tiểu thuyết, pháp luật…, đầu năm học còn bán thêm SGK các cấp. Tuy nhiên, SGK ở đây chủ yếu là sách in lậu. Chúng tôi không bán sách của Nhà xuất bản Giáo dục vì huê hồng thấp. Ví dụ, một bộ SGK lớp 1, ở cửa hàng sách Nguyễn Văn Cừ, giá bán ra là 47.000 đồng (theo giá Nhà xuất bản Giáo dục), ở đây chỉ gần 30.000 đồng. Tất cả sách trong quầy, giá bán ra giảm giá từ 20 – 50% so với giá bìa được in ở phía sau.

Hàng loạt quán bán sách lậu được mọc sát nhau trên đoạn đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội.

Để giảm bớt chi phí cho năm học mới, nhiều phụ huynh chọn giải pháp mua sách lậu để con em học tập. Anh Phùng Dũng, (ngụ Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con đang học phổ thông. Năm nào tôi cũng mua SGK và sách tham khảo ở các cửa hàng sách vỉ hè. Tôi biết, sách ở đây chủ yếu in lậu, vì chất lượng rất kém, thi thoảng còn thiếu trang, thậm chí lộn trang. Tuy nhiên, giá ở đây rẻ, mua nhiều còn được giảm giá, phù hợp với hoàn cảnh của những người có thu nhập thấp”.

Tuy nhiên, những cuốn sách in lậu, hình ảnh và chữ rất mờ, mực lem nhem, chất liệu giấy kém, mỏng, dễ rách, bị gấp nếp và màu không được đẹp như sách chính hãng. Thậm chí, một cuốn sách mà có đến ba màu giấy khác nhau.

Sách lậu đắt hàng

Mặc dù biết là kém chất lượng, nhưng sách lậu vẫn được đông phụ huynh lựu chọn, chính vì thế mà trở nên sáng giá. Từ chỗ bán giảm giá 20 – 30% so với giá bìa vẫn sợ ế, bổng chốc trở nên đắt hàng, không giảm giá.

Hà Văn Khải, sinh viên trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Thông thường mỗi quyển sách trong các cửa hàng sách vỉa hè được giảm từ 20 – 50%, kể cả SGK. Trước đây nửa tháng, em mua bộ sách lớp 6 được giảm 30%. Hôm nay, em ra mua thêm bộ sách lớp 8 gửi về cho em trai ở quê thì chủ cửa hàng nói “SGK không được giảm giá nữa”. Khi hỏi, chủ quán trả lời “năm nay, SGK tiêu thụ mạnh, đầu tháng 8 các cửa hàng đã bán đúng giá niêm yết trên bìa (bằng với giá của Nhà xuất bản Giáo dục). Cửa hàng nào cũng thế!”.

Để hạn chế tình trạng in lậu SGK, đồng thời chia sẻ với phụ huynh, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn thông qua việc tặng sách cho con thương binh, liệt sĩ; tăng cường mua bán và vận động học sinh sử dụng sách cũ. Năm học 2011 – 2012, Công ty Cổ phần Sách, thiết bị trường học TP.HCM đã thực hiện chương trình hỗ trợ 150 bộ SGK và 1.500 quyển vở cho học sinh là con em gia đình chính sách. Với vai trò là đơn vị đầu nguồn phân phối sách và thiết bị trường học của tỉnh, Công ty đã liên doanh với Nhà sách Thành Nghĩa – Nguyễn Văn Cừ để mở rộng thị trường và cung ứng phong phú, đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập.

Hiện nay, các nhà sách lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM, như: Thành Nghĩa, Fahasa Phan Rang, Tú Anh, Nhân văn (TP.HCM) Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Bic Thăng Long (Hà Nội)… đều thực hiện chương trình khuyến mãi giảm 10% giá các loại SGK, sách bài tập, sách tham khảo dành cho học sinh, kể cả mua trọn bộ hay mua lẻ.

Thanh Hòa (Theo DatViet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)