Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chống điều kiện kinh doanh như cuộc chiến với cối xay gió

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện doanh nghiệp bị hành thì chẳng có gì là lạ, nhưng sự đa dạng của nó nhiều khi nằm ngoài sự tưởng tượng. Với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người chịu trách nhiệm chính với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, nhận định này không phải quá lời.

Ông Vinh kể, ông có người thân muốn thành lập doanh nghiệp và phải xin giấy phép chuyên ngành ở một bộ nọ. Người này ngày nào cũng đến bộ thì thấy giấy tờ chỉ loanh quanh ở cấp vụ, dù thủ tục đã xong xuôi mà không trình nổi lên cấp thứ trưởng. Chuyện này kéo dài mãi. Lý do là vị thứ trưởng chỉ nhận công văn có… một ngày trong tuần. Được phản ánh lại sự việc, nhưng ông Vinh cảm thấy bất lực. Ông nói: “Tôi là bộ trưởng ngồi cạnh cũng không giúp gì được. Chuyện hành hạ doanh nghiệp bây giờ quá kinh khủng”.

Máy móc, thiết bị sản xuất là tài sản của doanh nghiệp. Việc cấm chuyển nhượng máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu là can thiệp sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: UYÊN VIỄN

Kể lại câu chuyện này tại cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cuối tuần trước, ông Vinh thừa nhận: “Mà chuyện nhũng nhiễu không phải chỉ các địa phương đâu, các bộ kinh khủng lắm… Tôi ở trong cuộc tôi biết nhiều, nhưng nói ra thì họ bức xúc, bảo sao ông là bộ trưởng mà lại đi bảo vệ doanh nghiệp”.

Ông Vinh nói đầy cảm xúc: “Một đất nước loay hoay mãi mà chỉ có vài trăm ngàn doanh nghiệp, doanh nghiệp thì còm cõi, giàu làm sao được. Muốn giàu có thì phải phát triển được đội ngũ doanh nghiệp. Đấy là vấn đề tôi cực kỳ bức xúc”.

Việc hành doanh nghiệp không chỉ trong hành động của cán bộ, như câu chuyện trên của Bộ trưởng Vinh, mà còn được lồng cả vào trong các văn bản pháp luật. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phản ánh, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cấp bộ đang đặt ra rất nhiều điều kiện kinh doanh, can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Đến trước ngày 1-7-2016, sẽ phải có cấp nào đó, có thể là Thủ tướng, ra văn bản chính thức công bố các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của các bộ là không có hiệu lực.

Chẳng hạn, Nghị định 60 hướng dẫn in của Bộ Thông tin và Truyền thông soạn quy định doanh nghiệp in không được hợp tác với các cơ sở in khác. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có hợp đồng in phải thực hiện các công đoạn in từ A-Z. Ông Tuấn bình luận: “Nhiều doanh nghiệp in họ phát khùng vì xưa nay mỗi ông làm một mảng, ông in, ông đóng gáy sách… Vậy mà Nghị định 60 quy định đã nhận hợp đồng là không được chuyển nhượng hay kết hợp để làm”.

Một văn bản khác, theo ông Tuấn, là Nghị định 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ soạn. Nghị định này quy định doanh nghiệp nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng thì chỉ được sử dụng cho dự án đã được phê duyệt, không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp hay dự án khác trừ trường hợp doanh nghiệp đó bị giải thể. Ông Tuấn nói: “Máy móc là tài sản của doanh nghiệp, họ có quyền chuyển nhượng chứ. Nay cấm chuyển nhượng là can thiệp rất sâu vào quyền kinh doanh của họ”.

Nghị định 52 về kinh doanh dịch vụ bảo vệ yêu cầu khi doanh nghiệp thay đổi người quản lý và các chức vụ chủ chốt thì phải phải thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, hay phải có địa điểm ổn định từ một năm trở lên. “Ai là cơ quan có thẩm quyền? Vì sao phải ổn định địa điểm một năm?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Hay Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra Thông tư 10 quy định doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên với danh nhân, nhưng cơ quan này lại không ban hành danh mục danh nhân. Vậy là ở các địa phương, ông Tuấn phản ánh, các doanh nghiệp hay bị phạt vi phạm hành chính vì hành vi này.

“Có rất nhiều quy định phiền hà, nhũng nhiễu, không định lượng, không thực hiện được làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước”, ông Tuấn nói.

Theo Trưởng ban Thư ký, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư Nguyễn Đình Cung, các bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo và ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 25 ngày 13-7-2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197 ngày 3-12-2015 quy định về hành nghề chứng khoán. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30 ngày 12-10-2015 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi đối với giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế (trong đó quy định về các điều kiện kinh doanh trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu như: giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; giấy ủy quyền của chủ sở hữu trang thiết bị y tế cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật mô tả chủng loại trang thiết bị y tế nhập khẩu bằng tiếng Việt…). Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Ông Cung nhận xét, trên thực tế, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo ông Cung, vẫn còn 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề kinh doanh đó chưa được bốn bộ là Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông ban hành. Đến ngày 1-7-2016 mà các bộ vẫn chưa ban hành được các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Quốc hội thì đương nhiên các điều kiện đó sẽ không còn hiệu lực, và doanh nghiệp được tự do kinh doanh. “Tôi kiến nghị chúng ta phải dứt khoát, chứ không thể nhân nhượng mà đi thỏa thuận với từng bộ”.

Ông Cung nhận xét, các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn mà minh chứng điển hình là số doanh nghiệp giải thể đã vượt qua số doanh nghiệp đăng ký mới trong hai tháng đầu năm. Bên cạnh đó, những vấn đề lâu nay như lãi suất cao (và đang tăng), tỷ giá biến đổi, phải nộp hơn 40% lợi nhuận trước thuế, và đặc biệt là 2% phí công đoàn (trên lương) đang làm môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được cải thiện như mong muốn của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đó là điều rất khó khăn cho phát triển.

Kết luận cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Vinh cho biết, đến trước ngày 1-7-2016 sẽ phải có cấp nào đó, có thể là Thủ tướng, ra văn bản chính thức công bố các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của các bộ là không có hiệu lực.

(TBKTSG)

Bình luận (0)