Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 12-4, kỳ họp thứ XI Quốc hội (QH) khóa XIII đã bế mạc. Tại phiên bế mạc, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua nghị quyết (NQ) về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho 5 năm tới.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng 6,5-7%; GDP đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD (năm 2015 là 2.109 USD); tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 32-34% GDP mỗi năm…

NQ cũng đưa ra một số chỉ tiêu khác. Cụ thể đến năm 2020, bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38-40%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 80% dân số; tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý là 85%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý là 95-100%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5% một năm…

Để đạt được các chỉ tiêu này, NQ đưa ra các giải pháp như tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế. NQ yêu cầu phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ cần được thực hiện linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ và 3% vào năm 2020. Lãi suất sẽ được điều hành linh hoạt theo diễn biến lạm phát, tỷ giá theo tín hiệu thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, cơ cấu lại thu – chi, qua đó tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo NQ của QH. Bên cạnh đó, NQ cũng nêu rõ phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, QH yêu cầu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu. Nhà điều hành cần nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới.

*Ngay sau phiên bế mạc, Tổng Thư ký QH đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII.

Giới thiệu tóm tắt về kết quả kỳ họp, ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký QH cho biết, sau 19 ngày làm việc (từ 21-3 đến 12-4), với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 11 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng như xem xét thông qua 7 đạo luật (toàn nhiệm kỳ đã thông qua 107 đạo luật); xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phân tích những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, kiến nghị những định hướng…

 Về công tác nhân sự, QH đã xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước như bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 phó chủ tịch QH, 7 ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, phó chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước, phê chuẩn bổ nhiệm 3 phó thủ tướng Chính phủ, 18 bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, phê chuẩn danh sách 2 phó chủ tịch và 13 ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, 1 phó chủ tịch và 3 ủy viên Hội đồng Quốc phòng an ninh.

Tại kỳ họp thứ 11 cũng là lần đầu tiên, Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC sau khi được bầu đã thực hiện tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp 2013.

Thiên Lam

Bình luận (0)