Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tâm trạng Thúy Kiều khi vắng Thúc sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Thúc sinh không chỉ là người yêu, người chồng mà còn là chỗ dựa tinh thần, cánh tay đùm bọc cho Kiều trong cuộc đời lênh đênh. Bởi vậy, xa Thúc sinh, Thúy Kiều cảm thấy chới với, bao nỗi buồn lo. Nàng từ chiếc bóng song the/ Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu. Một mối sầu nặng trĩu đè lên thân phận Kiều. Nguyễn Du dùng hai chữ chiếc bóng sao mà lẻ loi, mỏng manh! Không chỉ có thế, cụ Nguyễn lại cho hai thái cực giằng xé nhau: Đường kia, nỗi nọ (Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu) rồi ấm – lạnh, ngọt – bùi (Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi). Trong tâm trạng bộn bề nỗi lo âu, thường người ta hay tìm một cứu cánh. Cha mẹ, anh chị em, người thương? Với Thúy Kiều, chỉ nhớ đến thôi đã là nỗi đau lòng: Với cha mẹ: Bóng dâu đã xế ngang đầu/ Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi; nhớ chàng Kim (?): Tóc thề đã chấm ngang vai/ Nào lời non nước nào lời nước non; rồi lo cho mối tình của Kiều với Thúc sinh: Sắn bìm chút phận con con/ Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

Nhớ cha mẹ: Không phải nỗi nhớ chung chung. Đây Thúy Kiều nhớ tới tuổi già của cha mẹ. Bóng dâu là khi mặt rời sắp lặn, ánh sáng còn dọi vào ngàn dâu (tang du), ví với lúc tuổi già. Không gì đau buồn bằng tuổi già cần sự săn sóc, lúc ấm lúc lạnh, lúc ngọt lúc bùi mà vắng con. Nhớ người yêu: Tóc thề đã chấm ngang vai/ Nào lời non nước, nào lời nước non. Các học giả trước đây, có hai ý kiến khác nhau. Phạm Kim Chi và Bùi Khánh Diên cho rằng đây là hai câu thơ Thúy Kiều nhớ Thúc sinh. Hai cụ dựa vào câu thơ trong Tình sử: “Tình sâu chỉ núi chỉ bể cắt tóc mà thề với nhau, đây là Kiều nhớ chàng Thúc đã lâu chưa về”. Tản Đà ngược lại: “Hai câu đây (câu 1631 – 1632, LXL chú) nói Kiều tưởng nhớ Kim Trọng.
Chúng tôi trộm nghĩ: Ý kiến của thi sĩ Tản Đà có lý và có cơ sở hơn. Bởi lúc Kiều yêu Kim Trọng có việc cắt tóc thề thốt nặng lời. Tóc thề đã cắt nay đã dài ra, chấm ngang vai, thời gian qua đi đã lâu. Thời gian trôi qua, nay nhìn lại còn xót xa cho lời non nước, lời sắt son. Hơn nữa hai câu thơ trên đấy là nỗi nhớ cha mẹ, tức tình cảm Thúy Kiều đang hướng về quê nhà. Ở đấy có gia đình và mối tình thuở thơ ngây. Sau khi nhớ cha mẹ, nghĩ đến lời thề son sắt với chàng Kim, Kiều quay về với nỗi lo, nỗi nhớ đang day dứt tâm trạng Kiều: Sắn bìm chút phận con con; sắn bìm là dây sắn, dây bìm là loại dây leo sống nhờ vào cây khác, thường ví thân phận hèn mọn, thân phận vợ lẽ. Thúy Kiều nghĩ mối tình tay ba Thúc sinh – Hoạn thư và Kiều, nàng chỉ là thân phận bé nhỏ. Mà nhỏ nhoi làm sao, cụ Nguyễn cho câu thơ từng nấc rơi xuống sự nhỏ nhoi cùng cực: sắn bìm/ chút phận/ con con/… Và, đi theo câu thơ từng bậc thang xuống dốc ấy là câu hỏi không trả lời: Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Nghĩ mà không trả lời được, lo lắng nghĩ suy mà cũng chẳng giải quyết được gì, Thúy Kiều vào thế buông trôi, đành cho số phận: Thân sao nhiều nỗi bất bằng/ Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao!
Chuyện rằng: Ngày xưa Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ. Nàng ăn cắp thuốc trường sinh của chồng nên lo sợ mà bay lên cung trăng. Hằng Nga sống trên cung Quảng cô đơn, không người thân thiết. Thúy Kiều nghĩ ngợi mãi đành buông xuôi và nghĩ đến kiếp sống của Hằng Nga. Đó là một kết cấu hợp lý của đoạn thơ mà cũng là một dự đoán của vô thức về cuộc sống tiếp sau đó của Thúy Kiều.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)