Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Chơi mà học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giờ âm nhạc giáo viên nên tổ chức các trò chơi để học sinh cùng nhau thi thố tài năng ca hát… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang

Âm nhạc là một môn học giúp học sinh có được những giây phút thư giãn, giải trí hơn là nặng về lý thuyết trong một tiết học. Vì thế, trong giờ âm nhạc tôi thường tổ chức các trò chơi hay một game show nhỏ để các em cùng nhau thi thố tài năng ca hát, nghe nhạc đoán tên bài…

Ở tiết tập đọc nhạc, tôi thường chia học sinh ra từng cặp và tập cho các em gõ phách bằng cách cùng vỗ tay nhau phát mạnh, phát nhẹ. Sau những lần vỗ tay, gõ phách nhạc xong, tôi thường để các em đoán bài hát, cho biết đoạn phách đó nằm trong câu nào, bài hát nào. Một trong những trò chơi được học sinh yêu thích là Chiếc đàn kỳ diệu. Ở trò chơi này, tôi phân chia các em thành bảy nhóm tượng trưng cho bảy nốt nhạc đồ, rê, mi… Tôi sẽ đánh từng phím đàn để mỗi nhóm hát theo nốt nhạc của mình. Sau đó, các nhóm được nghe lại toàn bản nhạc và đoán tên bài hát. Ngoài những trò chơi, tôi còn tổ chức tiết dạy thành hội thi như học dân ca thì sẽ chia thành các nhóm thi hát dân ca, học về giai điệu bài hát thi xem ai thể hiện ca khúc đúng và hay nhất…
Bên cạnh truyền đạt cho học sinh những kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ năng sống cũng là một khía cạnh mà tôi thường chú ý đến trong tiết dạy. Tuy nhiên, lồng ghép làm sao để giáo dục kỹ năng sống cho các em trong bài học một cách nhẹ nhàng không phải là dễ. Chẳng hạn, ở bài tính chất của các hợp âm: âm trưởng (người nghe cảm giác vui vẻ), âm thứ (người nghe cảm giác sâu lắng), âm bảy (người nghe cảm giác chói tai) thì việc liên hệ với thực tiễn để giáo dục kỹ năng ứng xử cho các em đòi hỏi giáo viên cần suy nghĩ để đưa ra những chứng minh thiết thực nhất. Khi giảng đến bài này, tôi thường cho học sinh liên tưởng các tính chất của hợp âm như là tính cách của các nhân vật trong một bộ phim, nếu xem một bộ phim mà từ đầu đến cuối chỉ có vui vẻ hạnh phúc mà không có đau khổ, hoạn nạn thì liệu bộ phim đó có hay không? Âm nhạc giống như một bộ phim, đó chính là tấm gương phản chiếu muôn màu cuộc sống, nó cũng có các hợp âm thể hiện cái hỉ, nộ, ái, ố trong tính cách con người. Với cách giảng nhẹ nhàng nhưng có sự liên hệ với cuộc sống như thế này, tôi tin các em sẽ dễ dàng tiếp thu được bài học hơn và hơn hết là học được cách nhìn nhận cuộc sống, từ đó biết điều chỉnh mình để sống tốt hơn.
Lê Thị Ngọc Loan
(GV Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)