Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nếu có những “bài học công dân” thú vị…

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết học giáo dục công dân với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, thu hút học sinh do giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) giảng dạy. Ảnh: A.Khôi

Môn giáo dục công dân sẽ rất thú vị nếu qua đó chúng em được trang bị kiến thức một cách nhẹ nhàng và thiết thực. Có thể nói, sứ mệnh của môn học này là giáo dục đạo đức, định hướng nhân cách và lối sống cho học sinh. Tuy nhiên, phải nói thật lòng là chúng em thường rất ngại học môn này. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là do thời lượng quá ít (1 tuần chỉ có một tiết) nên không được xem trọng. Đã vậy, khi vô tiết học chúng em lại không cảm thấy hứng thú, nên không có sự đầu tư nghiêm túc. Bên cạnh đó, các thầy cô dường như cũng chỉ dạy… cho có, chưa tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp với tâm lý học sinh. 

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh có hành vi bạo lực trong và ngoài trường học rất cao. Phải chăng, đây là biểu hiện sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức của không ít học sinh? Và, giữa việc phòng chống bạo lực học đường với môn giáo dục công dân có mối liên hệ gì không? Có giải pháp nào từ môn giáo dục công dân cho việc phòng chống bạo lực học đường?

Theo em, môn giáo dục công dân có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề phòng, chống bạo lực học đường. Vì, từ những kiến thức lĩnh hội được qua môn học, chúng em có thể hiểu biết hơn về pháp luật và xã hội, biết hành vi nào là sai và cách ứng xử nào là đúng mực.

Vậy, làm thế nào chúng em có thể học được cách phòng chống bạo lực học đường thông qua môn giáo dục công dân? Em xin nêu một số mong muốn như sau:

Thứ nhất, bài học phải gần gũi với chúng em hơn. Bài học nên được thiết kế với những ví dụ sinh động và thực tế về đạo đức, từ đó là giúp cho chúng em hình thành thói quen giao tiếp cũng như kỹ năng ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Từ những hành vi miệt thị, chửi thề, lăng mạ, đánh bạn trong trường học đến những hành động đua xe, đi xe máy khi chưa đủ tuổi… nên được các thầy cô chủ động đưa vào giờ giảng để giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn và vận dụng kiến thức tốt hơn.

Thứ hai, hãy để chúng em cùng thảo luận và thuyết trình về các vấn đề liên quan đến bài học, đặc biệt là những nội dung gắn liền với phòng chống bạo lực học đường. Chúng em sẽ tự suy nghĩ và đưa ra giải pháp để không phạm phải các hành vi ứng xử thô bạo với bạn bè. Với cách làm này, cộng với sự dẫn dắt của thầy cô giáo, chắc chắn bài học sẽ nhẹ nhàng và dễ thấm hơn.

Thứ ba, chúng em muốn có nhiều chuyên gia tâm lý học đường được mời đến trường học. Thầy cô đã cho chúng em có những kiến thức nền tảng về đạo đức và chúng em muốn có thêm những bài học, tình huống thực tế sinh động từ các chuyên gia.

Hoàng Thảo Nguyên

Bình luận (0)