Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều và việc bọn Khuyển – Ưng bỗng xuất hiện

Tạp Chí Giáo Dục

Ở đoạn thơ trước, sau khi nghe Hoạn thư trình bày phương án đánh ghen, mẹ nàng – Hoạn thị – đã khen chước rất mầu. Chúng ta cũng đã gặp việc chuẩn bị buồm gió lèo mây, thấy bọn tay sai một bầy côn quang (côn đồ, du côn), lại thấy Hoạn đã dặn dò hết các mọi đường và một lá buồm băng băng vượt sang bến Tề (nơi Thúy Kiều đang ở). Đó là sự chuẩn bị và thực hiện chu đáo, thuận lợi của Hoạn. Bọn chúng chỉ việc thực thi theo sách vở Hoạn dạy.

Vậy lúc ấy, Thúy Kiều đang làm gì và ở đâu? Nếu tác giả non tay có thể cho Thúy Kiều đang ngủ và bất thình lình bọn côn đồ ấy đến. Nhưng không, Thúy Kiều đang thức và lòng nàng đang thanh thản hướng thiện. Trước hết, Thúy Kiều nhớ Thúc sinh. Ấy cũng chỉ vì ngọn gió lọt vào cửa sổ làm Thúy Kiều thức giấc: Đêm thu gió lọt song đào. Có người cho rằng chữ đêm thu tuy có nhắc đến đêm mùa thu ấy Thúy Kiều bị bắt nhưng không gợi cảm, sâu ý bằng đêm thâu. Đọc chậm rãi: đêm thâu/ gió lọt/ song đào/… ta càng thấy đêm vào khuya hơn, cảnh càng cô đơn hơn. Chúng tôi đồng tình với hai chữ đêm thâu nhưng cũng không đồng tình với lập luận: đêm mùa thu không có vành trăng khuyết. Chúng tôi cũng đã nhọc công thức giấc vào 2, 3 giờ sáng không chỉ một mùa thu mà đến ba bốn mùa liên tiếp. Và, khẳng định đêm mùa thu về khuya tới gần sáng có vành trăng khuyết. Vậy, đêm thâu hay về ý hơn. Chưa biết cụ Nguyễn viết chữ nào? Điều đáng chú ý là chi tiết Thúy Kiều thấy một vành trăng khuyết với ba sao giữa trời ứng vào chữ Tâm (Thúc sinh còn có tên là Thúc Kỳ Tâm). Cũng có ý cho rằng Kinh Phật có nhắc đến sao tâm, ý thơ ấy cũng có từ trước, Nguyễn Du chỉ vận dụng đúng cảnh, đúng người. Chúng tôi lại cảm nhận (không biết có đúng không) là từ vô thức Nguyễn Du đã viết câu thơ: Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời và sau đấy Thúc nhớ Kiều lại có câu: Mày ai trăng mới in ngần (trăng mới là trăng non in hình lưỡi liềm cong cong trên bầu trời). Ngược dòng thơ về với cảnh chia tay: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường tức nửa vầng trăng ấy, Thúy Kiều và Thúc sinh mỗi người giữ một phần. Có khác chăng Thúy Kiều nhớ Thúc là nhớ cái tâm của chàng đã thương yêu cứu thiếp ra khỏi lầu xanh, còn Thúc nhớ đến chân mày của Thúy Kiều là nhớ vẻ đẹp của Kiều. Tất nhiên sự nhớ của Thúc báo trước có gì không bền vững!
Trong tâm trạng thương nhớ một tấm lòng, Thúy Kiều cầu mong cho chàng may mắn, cho mối tình dẫu nhiều thiệt thòi nhưng tồn tại dài lâu, Kiều đến Thiên đài (Nén hương đến trước Thiên đài). Đây là bàn thờ ở ngoài sân mà Nam bộ thường gọi là Bàn ông Thiên.
Như vậy, từ nỗi nhớ chàng Thúc hay đúng hơn là nhớ tấm lòng của chàng đến việc đứng trước bàn thờ ngoài trời là từng bước một Thúy Kiều đang hướng thiện, đang trông mong điều lành sẽ đến.
Nhưng ngay lập tức một lũ ác ôn đã ập vào vườn nhà Thúy Kiều. Trong nguyên truyện (KVKT) không có chuyện chữ tâm trên nền trời, không có chuyện ngọn gió lọt vào cửa làm Kiều tỉnh dậy và trông lên bầu trời. Không có chi tiết này tất nhiên không có bước phát triển hướng thiện, lòng thành, lòng cầu mong của Thúy Kiều. Nguyên truyện chỉ nói: Kiều nhớ Thúc sinh, trằn trọc không thể nào nguôi, bèn làm thành sáu bài thơ nhan đề là Từ chàng ra đi. Thơ rằng (…). Sau khi làm sáu bài thơ ấy, Kiều lại ra khu vườn sau nhà, đốt hương khấn khứa, đọc mấy câu chú cầu trời(…)! Khấn xong, toan quay về bỗng có một vài người lực lưỡng…
Nguyễn Du cho Kiều khấn khứa chưa hết lời: Nỗi lòng khấn chửa cạn lời… Và, cũng không có chuyện quay gót vào nhà mà đang hướng thiện cầu trời phù hộ thì lũ ác ôn đến…
Rõ ràng, Nguyễn Du tài hoa trong tả cảnh, tả tình, trong từng chi tiết: chọn lọc, tinh tế.
Lê Xuân Lít

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)