Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ba yêu cầu thiết yếu của làm văn xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn ngữ văn, câu nghị luận xã hội là phần yêu cầu bắt buộc và chiếm đến 3 điểm.

Trước điều chỉnh đổi mới của đề thi năm 2016, thí sinh muốn làm bài tốt cần phải chú ý đến 3 điểm cơ bản.

Kỹ năng làm bài
Đề thường cho dưới những dạng câu hỏi khá đa dạng, phong phú như đưa ra một ý kiến; trích dẫn một câu chuyện, một bài báo bàn về hiện tượng tốt hoặc xấu đang diễn ra ngoài xã hội; hoặc có khi mượn một hình tượng văn học, một phát ngôn của nhân vật văn học… và yêu cầu nghị luận.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) trong giờ học môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) trong giờ học môn văn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ở trường hợp đề cho là một ý kiến, một hiện tượng tốt hoặc xấu thì nên áp dụng cách triển khai theo bố cục gồm 3 phần: giới thiệu (trực tiếp hoặc gián tiếp); triển khai: giải thích, phân tích, chứng minh (mặt đúng/mặt ảnh hưởng tích cực), phê phán, bác bỏ, chứng minh (mặt sai/mặt ảnh hưởng tiêu cực), tìm nguyên nhân (do đâu mà có vấn đề/hiện tượng), bàn về giải pháp (nhân rộng nếu là mặt tốt/khắc phục nếu là mặt xấu…)…; kết luận (ý nghĩa vấn đề, bài học nhận thức/hành động của bản thân…). Ở phần triển khai cần chia thành nhiều đoạn văn, tránh làm bài phần này chỉ có một đoạn. Theo đáp án chấm của Bộ GD-ĐT năm 2015, phần bố cục có thang điểm là 0,5 điểm. Nếu bài làm chỉ có một đoạn, hoặc thiếu phần mở hoặc phần kết bài thì điểm bố cục sẽ 0 điểm.
Nếu đề cho dưới dạng một văn bản (câu chuyện, bài báo…) thì phải đọc kỹ văn bản để xác định đúng đề tài nghị luận. Nếu hiểu sai, bài làm xem như lạc đề.
Trường hợp đề cho là hình tượng nhân vật văn học, nên chia theo nguyên tắc: 1/3 dung lượng bài làm bàn đến nhân vật trong tác phẩm, 2/3 bàn về liên hệ xã hội của vấn đề.
Một kỹ năng nữa cần chú ý là chữ viết, chính tả, dùng từ, đặt câu, bố cục văn bản… Phần này theo đáp án đổi mới là 0,5 điểm. Dùng từ phải chuẩn xác, lựa chọn kỹ càng, hay, không dùng khẩu ngữ, lỗi do phát âm địa phương. Câu phải rõ ràng, chuẩn mực. Không nên viết câu quá dài, rối rắm, mơ hồ về nghĩa, què cụt về ngữ pháp…
Vốn sống, dẫn chứng xã hội
Muốn bài làm có chiều sâu phải có hiểu biết xã hội. Đây chính là nguồn dẫn chứng phong phú, tăng sức thuyết phục cho bài làm, tránh lỗi chỉ nói suông…

Để có dẫn chứng xã hội cần phải quan sát, ghi nhớ và từ đó tập thói quen suy ngẫm, bàn luận về nó. Theo dõi thông tin thời sự qua tin tức báo đài hằng ngày, chú ý đến những vấn đề nóng của xã hội. Cần chia nguồn dẫn chứng thành từng chùm đề tài riêng để tiện lợi trong việc trích dẫn.
Sự sáng tạo của người viết
Trong thang điểm của đáp án chấm, yêu cầu về tính sáng tạo có 0,5 điểm. Thế nhưng rất ít thí sinh có được điểm này, vì hoặc mơ hồ không hiểu, hoặc sợ mất điểm do thói quen học rập khuôn ở nhà trường.
Điểm cho sự sáng tạo thể hiện ở cách trình bày khác lạ về bố cục, hình thức bài làm nhưng vẫn đảm bảo làm rõ được vấn đề nghị luận. Nhưng quan trọng nhất, bài làm có điểm sáng tạo là có cách diễn đạt độc đáo, viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm… Bài viết thể hiện được quan điểm, thái độ, giọng điệu riêng. Hoặc tạo ra tình huống có tính tranh luận, phản biện cao, làm cho giám khảo chấm bài như đang tham gia vào cuộc tranh luận ấy.
Kinh nghiệm ôn thi môn địa
Để đạt điểm cao môn địa, học sinh cần: Rèn luyện kỹ năng vẽ và nhận xét biểu đồ thật chắc chắn, vì phần kỹ năng biểu đồ thường khoảng 3 điểm. Vẽ sao cho khoa học (chính xác), trực quan (rõ ràng, dễ đọc), thẩm mỹ (đẹp), để đạt điểm tối đa là một yếu tố quan trọng.
Rèn luyện kỹ năng khai thác Atlat địa lý VN. Bởi lẽ, các câu hỏi liên quan đến Atlat địa lý sẽ giúp học sinh có thêm 2 điểm. Để khai thác tốt Atlat trong kỳ tuyển sinh tới, học sinh cần: xác định nội dung yêu cầu trong Atlat; nắm rõ các mục lục, các đối tượng biểu hiện, ký hiệu, để tìm đúng và nhanh nội dung kiến thức cần tìm hiểu xem ở trang nào trong Atlat, tránh tình trạng tốn thời gian trong việc tìm kiếm kiến thức và thậm chí khai thác sai kiến thức cần tìm hiểu so với yêu cầu.
Khi ôn tập, cần sơ đồ hóa kiến thức của từng bài, từng chương là việc đầu tiên cần làm, để nắm được trọng tâm cũng như nắm đủ nội dung của từng bài, tránh nhầm lẫn kiến thức và tình trạng học trước quên sau. Sau đó, tìm hiểu mối liên hệ về kiến thức của các bài đó và ghi nhớ một cách có hiệu quả nhất. Khi làm bài, cần đọc kỹ đề để khỏi nhầm lẫn kiến thức hoặc làm bài không đúng, đủ yêu cầu của nội dung cần trả lời.
Tô Văn Quy (Trường THPT Lê Thành Phương, An Mỹ, Tuy An, Phú Yên)

Trần Ngọc Tuấn (TNO)

 

Bình luận (0)