Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TPHCM: Trường học mạnh tay bảo vệ HS có HIV

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những cản lớn nhất trên đường đến trường của trẻ có HIV là trường học “đầu hàng” trước áp lực từ phụ huynh học sinh. Ngoài các biện pháp mềm mỏng, một số trường ở TPHCM đã mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các em bằng biện pháp "cứng".

Từ mềm đến rắn

Lãnh đạo trường mầm non Hoa Hồng (Q.Gò Vấp) kể, cách đây 3 năm, trường gặp sự cố khi một phụ huynh (PH) phản ánh trong lớp con mình đang học có trẻ nhiễm HIV. PH này yêu cầu chuyển con mình sang lớp khác và sẽ giữ bí mật. BGH đã tìm hiểu về hoàn cảnh của HS này và được biết người bố vừa mất vì căn bệnh thế kỷ, cháu đang sống với ông bà.

Sau khi cân nhắc, BGH quyết định đồng ý cho con của PH được cho là “biết chuyện” trên chuyển sang lớp khác để tránh bị xáo động, đồng thời cũng không tiết lộ với GV để các không bị hoang mang. Sau đó, trường chú ý tăng cường tuyên truyền chống kỳ thị với trẻ có H vào các hoạt động đến với PH và GV cũng như cách bảo vệ trước nguy cơ có thể lây nhiễm. Sau này, nhờ kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền, chính PH từng chuyển lớp cho con lại đồng ý để con mình chơi với người bạn kia.

Cách đây 2 năm, PH có con theo học tại trường tiểu học An Nhơn Đông (Củ Chi) phản ứng dữ dội khi trường tiếp nhận 15 em có H từ trung tâm Mai Hòa. Cuối cùng trường đã phải “đầu hàng” trước PH, chuyển các em trở về lớp học được tổ chức ở ngay trung tâm, dập tắt cơ hội được hòa nhập của các em. Đến năm học này, tuy vẫn gặp phải nhiều cản trở nhưng tin vui là một số trẻ ở trung tâm Mai Hòa đã được đến trường.

Đại diện phòng GD-ĐT Củ Chi cho hay cái khó của trường là phụ huynh cũng là dân địa phương, họ chứng kiến sự ra đi thường xuyên của các em có H ở trung tâm Mai Hòa. Vấn đề không phải là sự phân biệt, kỳ thị mà phụ huynh thật sự quan ngại cho sức khỏe của con em mình.

Năm nay trường cũng tiếp tục đối mặt với phản ứng từ PH. Tuy nhiên, phòng GD-ĐT thực hiện đưa từng em đến trường, đưa dần sau các buổi học chứ không đưa ào ạt như trước với thái độ vừa cứng rắn vừa mềm dẻo tuyên truyền cho PH.

“Khi lên cấp càng cao thì việc đưa các em đến trường sẽ giảm căng thẳng hơn, hiện có 4 em đang theo học tại Trường THCS An Nhơn Đông. Trường học tiếp nhận HS từ trung tâm nuôi dạy trẻ có H cần phải dùng phương pháp “mưa dần thấm lâu” chứ không không thể ngày một ngày hai được”, đại diện này nói.

Trường hợp khác tại một trường tiểu học ở Nhà Bè, hàng chục PH phẫn nộ khi biết tin trong trường có HS nhiễm H. Lớp có 34 HS thì có đến trên 20 đồng loạt nghỉ học để tạo áp lực với nhà trường. Được sự tư vấn của cấp trên, trường đã “mạnh tay” đồng ý PH nào muốn cho con nghỉ học cứ việc rút hồ sơ chứ nhất quyết không chuyển HS có H sang trường khác như đòi hỏi của PH. Lần lượt, các em HS cũng quay lại lớp, chỉ có 2 em chuyển sang nơi khác.

Chống kỳ thị bằng cách tự bảo vệ mình

BS Nguyễn Tài Dũng (phụ trách Y tế học đường thuộc Sở GD-ĐT TPHCM) khẳng định, không ai được quyền yêu cầu người khác xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả HIV của người khác. Chỉ bác sĩ điều trị và bản thân người đó biết mình nhiễm HIV hay không. Hầu hết, trường hợp HS có HIV được biết đến ở các trường đều… nghe PH nói.

Theo BS Dũng, để đảm bảo quyền được học tập và sống hòa nhập với cộng đồng của HS có HIV, các trường cần phải cương quyết giữ lập trường của mình trước áp lực của PH. Nếu PH tạo áp lực bằng cách cho con mình nghỉ học, thì trước hết cần tuyên truyền, tư vấn cho PH hiểu. Nếu vẫn không xong có thể mạnh tay hơn, PH muốn con mình nghỉ học sẽ cho rút hồ sơ. Còn nếu vì áp lực PH để HS có H chuyển trường hay phải nghỉ học sẽ tạo thành tiền lệ xấu, rất khó khăn cho công tác chống kỳ thị HS có HIV.

Ông Dũng nhấn mạnh, nhờ những biện pháp tích cực, hiện nay tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ HIV đã giảm rõ. Một tín hiệu vui là năm học này Sở GD-ĐT chưa nhận phản ánh nào từ PH con mình bị gây khó dễ khi đến trường liên quan đến HIV. Năm học này, Sở cũng sẽ đưa hoạt động phòng chống phân biệt, kỳ thị HIV vào thang điểm của công tác y tế trường học.

Ước tính, trên địa bàn TPHCM có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tuy nhiên, số lượng trẻ được tiếp cận và chăm sóc chỉ chiếm khoảng 7% (4.200 trẻ).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quý, cán bộ phụ trách OVC thuộc Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM cho hay số trẻ có HIV tập trung nhiều ở độ tuổi cấp tiểu học và THCS vì thế, thực tế số trẻ em nhiễm H theo học ở các trường không chỉ một hai em trong danh sách “nghi vấn”.

Theo bà Quý, nhà trường cần tư vấn thẳng thắn với PH rằng khi họ đòi cho con mình chuyển lớp, chuyển trường thì cũng không thể biết nơi học mới HS khác nhiễm H hay không. Thay vì né tránh hãy giúp con mình biết cách tự bảo vệ không chỉ riêng với căn bệnh HIV mà còn với nhiều căn bệnh có thể lây nhiễm khác.

Bên cạnh đó, bà Quý nhấn mạnh, để trẻ có H rộng cửa đến trường thì giáo viên cần được tăng cường tư vấn kiến thức về HIV, bảo vệ lây nhiễm cũng như trường học phải được trang bị những phương tiện y tế cần thiết.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng chia sẻ sự thông cảm về những lo ngại của PH khi con mình học chung với trẻ có H. Công tác chống kỳ thị HS có H là vô cùng khó khăn không chỉ đòi hỏi các đơn vị giáo dục phải dứt khoát, quyết đoán nhưng để đạt được hiệu quả về lâu dài thì cần kiên trì tuyên truyền để nhận sự đồng thuận của PHHS.

Hoài Nam
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)