Dù Bộ GD-ĐT đã chấp nhận hạ chuẩn, nhưng đến năm thứ hai triển khai đề án dạy ngoại ngữ bậc tiểu học, các trường vẫn không tìm đâu ra giáo viên, nhất là giáo viên đạt trình độ B2, có nghiệp vụ sư phạm và khả năng gắn bó lâu dài với nghề.
Một buổi học tiếng Anh của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM. Đây là một trong chín trường tại TP.HCM được chọn thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 – Ảnh: Như Hùng |
Sau khi thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 vào năm học trước ở 18 tỉnh, thành với gần 100 trường tiểu học, năm học 2011- 2012 Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 4 ở các trường trên và mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3 ở những nơi đủ điều kiện.
Mỗi trường một giáo viên
Để chuẩn bị cho việc dạy tiếng Anh thí điểm năm học 2010-2011, có 150 giáo viên dạy tiếng Anh được chọn từ các trường tiểu học trên cả nước để kiểm tra trình độ. Tuy nhiên, trong số này chỉ 92 giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình tiếng Anh tiểu học mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện (đạt trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL). Với trên 90 trường thực hiện thí điểm tiếng Anh lớp 3 năm trước, trung bình mỗi trường chỉ có khoảng một giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn đảm nhiệm. Đó là chưa kể khả năng đáp ứng về nghiệp vụ sư phạm, khả năng thích ứng phương pháp dạy tiếng Anh cho đối tượng học sinh tiểu học…
Bất cập cơ chế
Cô Phạm Thị Yến, hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội, cho biết Hà Nội cho định biên mỗi trường có một giáo viên biên chế tiếng Anh trong khi trường có tới 31 lớp học. Để có giáo viên dạy chương trình thí điểm và chương trình tiếng Anh tự chọn, ngoài một giáo viên biên chế, trường phải ký hợp đồng với hai giáo viên khác. Nhưng để có tiền trả lương cho giáo viên là việc phải cân nhắc.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Xuân Tiến – trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, do nguồn thu hạn chế (chủ yếu dựa vào khoản thu học buổi thứ hai), nhiều trường chỉ có thể trả 17.000 đồng/tiết và trả theo tiết cho giáo viên hợp đồng. Về việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, một chuyên viên của Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Chúng tôi làm việc với phòng nội vụ để xin biên chế cho giáo viên tiếng Anh, họ vẫn khăng khăng cho rằng tiếng Anh tiểu học là tự chọn, không thể bổ sung biên chế”.
|
Năm học 2011-2012, để có giáo viên triển khai thí điểm tiếp chương trình tiếng Anh lớp 4 đồng thời mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3, Bộ GD-ĐT đã phải có giải pháp tình thế là chấp nhận những giáo viên có trình độ cận B2 dạy chương trình tiếng Anh lớp 3. Những giáo viên này phải vừa dạy vừa học để đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế việc mở rộng dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học vẫn khó do bài toán giáo viên không giải quyết được.
Là nơi có lợi thế hơn nhiều tỉnh thành về nguồn giáo viên tiếng Anh, nhưng năm học trước 20 giáo viên thủ đô Hà Nội được kiểm tra trình độ thì chỉ chín người đạt yêu cầu. Với số giáo viên khiêm tốn này, Hà Nội chỉ có tám trường tiểu học tham gia dạy thí điểm trong khi có tới gần 700 trường tiểu học. Số giáo viên này năm nay lại tiếp tục dạy thí điểm lớp 4.
Không được đào tạo bài bản
Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, nhà trường phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức các chương trình tiếng Anh khác nhau. Nguồn giáo viên tiếng Anh dạy các chương trình này có đủ, nhưng để thực hiện chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT triển khai với yêu cầu cao về giáo viên thì chưa thể đáp ứng.
Nguồn giáo viên dạy các chương trình tiếng Anh trong các trường tiểu học hiện nay rất đa dạng, có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm chính quy hoặc tại chức, có người không có nghiệp vụ sư phạm. Hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu để dạy tiếng Anh tiểu học, chủ yếu giáo viên dạy tiểu học trong diện biên chế đều là giáo viên tiếng Anh bậc trung học, do dư thừa được điều động xuống dạy tiểu học.
Năm học 2011-2012, với hi vọng mở rộng diện thực hiện đề án tiếng Anh ở 150 trường, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát để cử khoảng 5 giáo viên/quận, huyện đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ công nhận trình độ tiếng Anh. Thế nhưng, H.N., một giáo viên tiểu học ở huyện Chương Mỹ, thừa nhận: “Việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ thường xuyên thì được, nhưng bồi dưỡng để đạt chuẩn B2 trong thời gian ngắn quá khó, nếu không nói là bất khả thi”.
Tỉnh Ninh Bình năm trước chỉ có duy nhất một trường tiểu học tham gia dạy tiếng Anh thí điểm. Bởi vì, theo lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này, sở “không tìm được giáo viên đạt chuẩn”. Sau một năm tình hình này vẫn không khả quan hơn, dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương “mềm hóa” yêu cầu về trình độ giáo viên.
Tại Hòa Bình, theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm – chuyên viên phụ trách mảng này của Sở GD-ĐT tỉnh, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Hòa Bình hiện nay cũng là giáo viên tiếng Anh dôi dư của cấp THCS chuyển xuống. Dù các giáo viên đều có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, thậm chí nhiều người còn có bằng đại học tại chức, nhưng để đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT họ cần được bồi dưỡng thêm.
Trong cuộc sát hạch của Bộ GD-ĐT về trình độ tiếng Anh, tỉnh Hòa Bình có tám giáo viên của năm trường tiểu học đi thi, nhưng chỉ ba người đạt yêu cầu. Theo bà Diễm, năm học này ba giáo viên trên tiếp tục dạy thí điểm tiếng Anh lớp 4. Ngoài ra sẽ triển khai việc dạy tiếng Anh lớp 3 ở chín huyện và thành phố, mỗi nơi có 2-3 trường. Để có giáo viên đảm nhiệm, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã khảo sát, chọn lọc từ gần 200 giáo viên (tính cả biên chế, hợp đồng) để có kế hoạch đưa đi bồi dưỡng, số giáo viên được bồi dưỡng tới tháng 1-2012 mới được tổ chức thi lấy chứng chỉ.
Tại Hải Dương, trong khoảng 700 giáo viên, chỉ có chục người vượt qua đợt sát hạch đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Trong số những người trượt, có người chưa đạt trình độ B1 nhưng vẫn đang dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn ở trường tiểu học.
Theo THƯ HIÊN – VĨNH HÀ
(TTO)
Bình luận (0)