Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vừa khép lại khi các trường kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 (NV3) vào ngày 10-10.
Đây là kỳ tuyển sinh ảm đạm nhất trong 10 năm tuyển theo hình thức “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi và chung kết quả xét tuyển). Bởi lẽ không đợi đến khi kết thúc, hàng loạt trường đã phải sớm tuyên bố đóng cửa ngành học ngay từ NV1 vì không có thí sinh đăng ký.
Ở NV3 này, dù là đợt cuối để tạo cơ hội cho thí sinh được vào ĐH, CĐ nhưng hầu như đã cạn nguồn tuyển. Nhiều ngành tuyển hàng trăm chỉ tiêu nhưng chỉ lác đác vài hồ sơ, rất nhiều ngành trắng hồ sơ dù tên rất kêu (và có khả năng dễ kiếm tiền sau này?) như sư phạm vật lý, kinh tế quốc tế, kỹ thuật xây dựng, điều dưỡng…
Một nghịch lý của mùa tuyển sinh năm nay là các trường ĐH công lập lại lâm vào cảnh “đói” thí sinh. Nhiều ĐH công lập vùng, ĐH địa phương điêu đứng vì tìm không ra người học dù điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. Một phụ huynh ở Cần Thơ nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cho hay mức điểm của con ông dư sức để xét tuyển vào trường ĐH lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng nghĩ con mình được dạy bởi giảng viên “cơm chấm cơm” (cử nhân dạy cử nhân), trường chưa định hình ngành nào là thế mạnh… nên đành bấm bụng cho con vào trường tư thục dù học phí đắt nhưng chất lượng bảo đảm, đáng đồng tiền bỏ ra. Một chuyên gia giáo dục cho rằng các trường chưa dự báo được nhu cầu nhân lực của ngành tại địa phương, chưa kể chất lượng đào tạo bấp bênh khi giảng viên thuê, địa điểm mướn… thì quả là khó thu hút thí sinh.
Lắng nghe ý kiến này chợt giật mình, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 10 năm (từ năm 1998 đến 2009) đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn và 58 trường được thành lập mới hoàn toàn. Chưa hết, chỉ tiêu đến năm 2020 là 600 trường, vị chi mỗi tháng phải thành lập ít nhất hai trường ĐH, CĐ. Việc thành lập ồ ạt trường ĐH nhưng không được quy hoạch và xây dựng chiến lược khiến cho các trường mới ra đời vừa thiếu, vừa yếu mà hậu quả hiển hiện là dù đã dùng đủ mọi chiêu “vơ vét” thì nhiều trường vẫn không đủ thí sinh theo học.
Tình trạng trên liệu có đánh động các nhà quản lý? Chỉ chạy theo số lượng mà không hề quan tâm đến chất lượng đào tạo sẽ dẫn giáo dục ĐH đi về đâu?
QUỐC DŨNG
Theo Phap luat
Bình luận (0)