Hàng chục giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học theo diện hợp đồng ở thành phố Nam Định gắn bó với nghề trong nhiều năm sẽ phải nghỉ dạy. Nhà trường đưa ra lý do “đã đủ biên chế”.
Trong khi đó, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nói “không thể vượt rào” tuyển người học tại chức.
Vấn đề “từ chối bằng tại chức” một lần nữa lại được xới lên ở Nam Định khi hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở TP Nam Định cho biết họ được thông báo sẽ phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng tốt nghiệp tại chức. Họ không phải là những giáo viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng mà từng giảng dạy nhiều năm. Có cô giáo cho biết đã có thâm niên trên 10 năm dạy học.
Chấm dứt vai trò
Cô Thu Hà, nguyên giáo viên Trường tiểu học Trần Phú, TP Nam Định, cho biết: “Tôi đã làm việc trong nghề 13 năm. Thế nhưng, từ tháng 9-2011 tôi đã phải nghỉ dạy. Hiệu trưởng nhà trường nói trường đã có giáo viên biên chế nên không có tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng (giáo viên hợp đồng do trường hoặc phòng GD-ĐT quận, huyện trả lương). Một số giáo viên khác cũng được thông báo “sắp phải nghỉ do trường không thể có kinh phí trả lương, trong khi họ đã có giáo viên biên chế”. Nói một cách khác, vai trò lịch sử của các cô giáo dạy tiếng Anh hợp đồng đã chấm dứt.
Tìm hiểu về sự việc này, PV được biết những năm từ 1996 đến trước 2000, tỉnh Nam Định có chủ trương đưa môn tiếng Anh vào chương trình giảng dạy từ bậc tiểu học nên tính đến việc tạo nguồn giáo viên tiếng Anh. Thời gian này, mỗi năm trung tâm ngoại ngữ của tỉnh tổ chức chương trình liên kết đào tạo tới ba khóa. Các giáo viên kể trên nằm trong số những người tham gia các khóa học cao đẳng tiếng Anh do trung tâm ngoại ngữ tỉnh kết hợp với Viện đại học Mở Hà Nội tổ chức. Khóa học diễn ra trong hai năm, mỗi năm học 11 tháng, trung bình học tập trung 6 buổi/tuần. Nhiều học viên đinh ninh đây là khóa đào tạo chính quy cho đến khi kết thúc khóa nhận bằng mới biết đây là khóa học hệ tại chức.
Ông Trần Tất Tiệp, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, cho biết: Từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các khóa học tại chức trên, năm 2001 UBND tỉnh Nam Định có quyết định tổ chức sơ tuyển trong khoảng 1.000 giáo viên có bằng tốt nghiệp tiếng Anh hệ tại chức. Những người đạt từ điểm 5 về chuyên môn sẽ được đưa vào danh sách xét tuyển vào biên chế ngành giáo dục năm đó. Kết quả có 240 người trong khoảng 1.000 người được chọn. Ngay trong năm này, UBND tỉnh đã có quyết định tuyển vào công chức ngành giáo dục 100/240 người. Một năm sau đó, tỉnh tuyển bổ sung từ nguồn trên thêm 42 người nữa. Như vậy, có khoảng 142 giáo viên tiếng Anh tốt nghiệp cao đẳng hệ tại chức được tuyển dụng.
Theo ông Tiệp, có khoảng 50 giáo viên tiếng Anh cũng tốt nghiệp cao đẳng hệ tại chức như trên nhưng không được tuyển vào biên chế đã được các trường, phòng giáo dục ký hợp đồng giảng dạy tiếng Anh cho các trường do nguồn giáo viên tiếng Anh khi đó còn thiếu.
Năm 2008, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định có thông báo những giáo viên tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh sư phạm hệ tại chức học thêm một lớp chuẩn hóa từ 8-10 tháng tiếng Anh do Sở GD-ĐT Nam Định tổ chức để có chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ đại học chính quy. Trong số những người đăng ký học có cả giáo viên biên chế và những giáo viên hợp đồng trong nguồn 1.000 giáo viên trên. Trước đó, những người này đã tự đi học nâng cao để có bằng đại học tại chức.
Thế nhưng, đến nay nhiều giáo viên nhận được thông báo phải nghỉ dạy. Một số cô giáo đang dạy hợp đồng đã được cấp chứng chỉ của khóa học bổ túc trên cho biết họ thất vọng khi “vẫn không được Sở Nội vụ công nhận là có bằng chính quy”. Và do không có “chính quy” nên giờ đây nhiều giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc vì cơ hội được đứng trên bục giảng tùy thuộc vào trường và phòng GD-ĐT.
Tồn tại lịch sử!
Về vụ việc này, ông Trần Tất Tiệp giải thích: Việc tuyển một số giáo viên học hệ tại chức trước đây vào biên chế là vấn đề lịch sử để lại. Sở dĩ những giáo viên trên vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng vì trước đây không đạt yêu cầu trong các kỳ tuyển công chức. Sau khi có nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (nghị quyết 08), chúng tôi không được phép tuyển công chức vào các ban, ngành nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ tại chức… nên chúng tôi không thể vượt rào. Hơn nữa, hiện nay tại thành phố Nam Định không còn biên chế cho giáo viên tiếng Anh nữa. Nguồn giáo viên tiếng Anh đã đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng, do chủ trương ưu tiên tuyển giáo viên tốt nghiệp chính quy.
Mặc dù vậy, ông Tiệp lại nói đến thời điểm này, chưa có quyết định chính thức nào về việc “giáo viên phải nghỉ dạy”. Theo ông Tiệp, sắp tới UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức họp để thảo luận về trường hợp của những giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng từ thời gian trước khi có quyết định 08 để tìm cách tháo gỡ, sao cho không vi phạm chủ trương nhưng cũng không để các giáo viên đã gắn bó lâu năm với nghề phải ra khỏi ngành.
Ông Tiệp chia sẻ: Sở Nội vụ sẽ đề xuất hướng giải quyết là để cho các cô giáo trong diện trên được hưởng hỗ trợ như đối với giáo viên mầm non của diện hợp đồng hiện nay, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương tối thiểu.
VĨNH HÀ
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (Đoàn luật sư TP.HCM): Không có giá trị áp dụng hồi tố
Theo tôi, nếu cho giáo viên nghỉ việc mà nói rằng căn cứ vào quy định mới đây của UBND tỉnh về việc chỉ tuyển dụng công chức có bằng đại học chính quy là không đúng. Quy định của UBND tỉnh chỉ có giá trị đối với việc thi tuyển hiện nay, trong tuyển dụng những công chức sắp vào cơ quan nhà nước, không có giá trị áp dụng hồi tố trong trường hợp đã được tuyển dụng trước kia.
Mối quan hệ giữa giáo viên với nhà trường cần căn cứ vào hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên hoặc các quyết định về tuyển dụng viên chức. Nếu giáo viên ký hợp đồng có thời hạn với nhà trường, mà đến nay thời hạn của hợp đồng đã hết, trùng với thời điểm có chủ trương của tỉnh, việc nhà trường không tiếp tục ký lại hợp đồng mới với các giáo viên này là không sai luật.
Còn đối với các giáo viên đang có hợp đồng dài hạn, nhà trường không thể căn cứ vào quy định này để chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Vấn đề tuyển dụng giáo viên không có bằng chính quy đã có quá trình lịch sử từ trước. Nếu có quy định về chuẩn giáo viên, nhà trường cho kiểm tra lại trình độ, năng lực của giáo viên mà những giáo viên nào không đạt trình độ, tiêu chuẩn để giảng dạy thì phải cho nghỉ, điều đó là hợp lý. Còn khi các giáo viên tự học, tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm đảm bảo năng lực trình độ giảng dạy, không có vi phạm gì mà căn cứ quy định không tuyển người không tốt nghiệp chính quy để sa thải họ là trái luật.
C.MAI ghi
Theo Tuoi Tre
Bình luận (0)