Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường mầm non nên là phần bắt buộc trong xây chung cư, xí nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng thiếu lớp, trường học cho cấp học mầm non diễn ra đã từ lâu và đến nay càng trở nên bức xúc. Đã có nhiều cuộc họp, nhiều lời hứa của các cấp lãnh đạo được đưa ra nhằm tìm ra nguyên nhân, cũng như giải pháp để giải quyết tình trạng này. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Trần Xuân Nhĩ đã đề xuất, “hiến kế” một số giải pháp trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Trần Xuân Nhĩ
Không “dẹp” trẻ dưới 5 tuổi
Phóng viên (PV): Hiện nay, phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non, nhất là trẻ 5 tuổi là một chủ trương hợp lý. Vậy tại sao vẫn gây ra nhiều bức xúc cho dư luận xã hội đến vậy?
Ông Trần Xuân Nhĩ: Phát triển giáo dục mầm non (GDMN) phải được tính từ 0 tuổi; 5 tuổi chỉ là biện pháp cấp thời. Chính sách phát triển mầm non hiện nay là cần thiết nhưng chưa đủ. Nhiều nơi hiểu không đúng khi phát triển GDMN 5 tuổi. Họ “dẹp” hết tất cả trẻ dưới 5 tuổi và dành chỗ cho trẻ 5 tuổi đến trường, khiến tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi được đến trường thấp. Việc thực hiện mục tiêu theo hướng đó hoàn toàn không đúng.
Chính sách đưa ra là để tăng cường giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp và các điều kiện để thực hiện chứ không phải chỉ bảo đảm cho trẻ 5 tuổi.
Theo nghiên cứu, giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cả đời người, quyết định trí tuệ đứa trẻ đó sẽ phát triển như thế nào trong tương lai. Đây là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà chúng ta đang lãng phí.
PV: Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế đất nước?
Ông Trần Xuân Nhĩ: Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giáo dục, nhất là bậc học mầm non, tôi cho rằng chính sách cần đặc biệt chú ý đến xã hội hóa giáo dục. Việc chuyển các trường bán công thành trường công lập,  chúng ta hiện nay chưa đủ sức. Chỉ nên chuyển hướng sang tư thục với những chính sách hỗ trợ như: đất đai, miễn thuế, hỗ trợ phần nào cho người học và công tác đào tạo giáo viên.
Khi còn công tác ở Hội khuyến học Việt Nam, tôi đã thực hiện phổ cập GDMN ở huyện Thanh Cao (Hà Tây cũ). Trong vòng 2 năm, từ chỗ 30% trẻ em được đến trường đã đưa lên thành 90%. Việc xã hội hóa được đưa ra, khi dân hiểu, họ sẵn sàng giúp đỡ. Ở nông thôn, có nhiều gia đình xây dựng nhà khang trang, sạch sẽ nhưng chỉ có hai vợ chồng và đi làm cả ngày… Nếu biết tận dụng và mở các lớp học gia đình và có sự hỗ trợ của Nhà nước, thì sẽ có nhiều cơ sở để trẻ được đi học.
Bất cứ việc gì cũng cần có chút “xúc tác” ban đầu. Đầu tiên là những lớp mẫu giáo gia đình, sau phát triển thành lớp học, trường học… như vậy mới có thể phổ cập giáo dục cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Khi còn làm việc, tôi có xin Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em 100 triệu đồng để phát triển mầm non. Họ đồng ý và sẵn sàng xây hai phòng học đảm bảo cho 60 trẻ đến học, nhưng tôi không đồng ý mà chỉ cho phép tận dụng cơ sở vật chất gia đình để mở lớp mầm non. Mỗi lớp được hỗ trợ 1 triệu đồng mua đồ chơi, ngành giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo cô giáo. Vậy là 130 lớp được xây dựng, với 2.600 trẻ được đi học. Về sau, nhiều lớp trong đó đã “trưởng thành” và trở thành trường nhờ sự hỗ trợ của địa phương.
Bao giờ hết cảnh phụ huynh trắng đêm trước cổng trường mầm non để xin học cho con? (Ảnh chụp đêm 30-6-2011 trước cổng trường mầm non Thành Công A)
PV: Nhưng ở thành phố lớn, ngày càng nhiều chung cư và nhà máy được xây lên khiến mật độ dân cư tập trung cao nhưng số lượng nhà trẻ thì ít thay đổi. Vậy phải giải quyết tình trạng này thế nào?
Ông Trần Xuân Nhĩ: Ngày nay, khu chung cư mọc lên nhiều, kéo theo đó là một lượng lớn cư dân sinh sống. Nhu cầu gửi trẻ rất cao. Nhà nước nên có chính sách bắt buộc chủ đầu tư khi xây dựng phải có trường mầm non. Hiện nay, có một số trường thuê diện tích ở khu chung cư để mở lớp nhưng học phí rất cao do giá thuê mặt bằng đắt.
Khi Nhà nước có chế tài cụ thể quy định dành một khoảng diện tích (cho khoảng 100 đến 150 cháu) để thành lập trường, lớp thì cư dân sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và yên tâm, không lo tắc đường, tai nạn giao thông…
Còn các xí nghiệp, nhà máy khi được xây dựng lên, cũng đồng nghĩa với việc một nhà trẻ được xây dựng kèm theo đó. Nhà nước quy định chủ doanh nghiệp phải trích một phần kinh phí cho công tác xây dựng nhà trẻ, dựa trên số công nhân lao động, để chăm sóc con em của họ. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện, sẽ đóng cửa doanh nghiệp đó, thử xem họ có dám lơ là không. Một xí nghiệp, nhà máy có hàng nghìn tỷ đồng, bỏ ra một vài trăm triệu đồng, tôi nghĩ không phải là vấn đề lớn, chỉ có điều chưa có chế tài. Việc này là trong tầm tay của Nhà nước.
Đào tạo giáo viên quyết định chất lượng GDMN
PV: Chất lượng các trường mầm non hiện nay cũng đang trong tình trạng báo động. Việc mở trường như vậy liệu có quản lý được không, thưa ông?
Ông Trần Xuân Nhĩ: Chất lượng giáo dục, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em mầm non, trước hết ở lỗi đào tạo. Khi không đào tạo một cách đầy đủ, họ chưa hiểu hết chuyện đối với một đứa trẻ là thế nào mà vẫn đứng ra mở lớp. Khi cho phép một nơi nào đó mở trường, nếu kiểm tra kiến thức chuyên môn một cách chặt chẽ, sẽ không có chuyện bạo lực xảy ra.
Việc xây dựng những không gian mở trong các trường mầm non cũng là một ý tưởng cần được nghiên cứu. Hiện đã có trường áp dụng. Ở đó, trẻ không còn phải ở trong từng lớp học với một không gian kín. Trong không gian mở, các cô giáo có thể giám sát lẫn nhau, như vậy bạo lực sẽ khó có thể xảy ra, mà trẻ lại có điều kiện vận động, phát triển.
Về mặt quản lý phải đưa ra tiêu chí một cách cụ thể, rõ ràng như: cơ sở vật chất ra sao, giáo viên đào tạo như thế nào… Hiện nay, phương pháp đào tạo sinh viên trong ngành sư phạm còn nhiều bất cập. Họ được học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Như vậy, vừa không hiệu quả, vừa mất thời gian. Ở một số nước, trong đó có Singapore, người ta đào tạo lý thuyết ở một chừng mực nào đó, sau đó là thực hành. Thực hành để những kiến thức như: bế trẻ, tắm cho trẻ, cho trẻ ăn như thế nào… trở thành kỹ năng.
Khi mở trường mầm non, người làm quản lý phải có hiểu biết về ngành này, chứ không phải cứ có tiền bỏ ra là mở được. Mở rồi, vẫn cần kiểm định chất lượng để tăng tính giám sát.
Đôi khi chỉ từ một vài sự việc mà quy thành bản chất là không đúng. Cần tìm hiểu nguyên nhân để ngăn chặn; khi chuyện xảy ra phải nghiêm khắc trừng trị người làm sai để làm gương cho người khác.
Như vậy, gốc rễ không phải là việc cho thành lập mà nằm ở chỗ đào tạo người ta thế nào.
TheoThu Hà
(QĐND Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)