Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ 2: Học như thể đời chẳng dài lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Bạn trẻ thương mến! Dầu bạn học đến tiến sĩ, cũng đừng nghĩ rằng bạn đã giỏi hơn ai và đã đi tới đích. Bởi đường học là vô tận và giá trị con người không ở bằng cấp mà ở những việc người đó đã làm được.

Trong chuyện học, tôi xác định phải vận dụng tất cả những gì giúp mình nhớ để mà ghi nhớ thật đúng, thật lâu; đơn giản hóa những kiến thức phức tạp, đưa cả thơ ca diễn xuất vào để việc học thú vị hơn. Tôi may mắn có được trí nhớ tốt lắm. Năm tôi mới 2 tuổi, mẹ tôi dạy bảng chữ cái cho tôi. Rồi mẹ dùng lá bài cào cắt thành 24 chữ cái, tôi cầm xấp chữ cái trên tay, ném từng chữ lên bàn, dầu chữ nằm nghiêng ngả thế nào, tôi vẫn đọc chính xác. Học mà chơi là vậy.

Đem sự học để nuôi thân

Ngày nhỏ, mỗi lần tôi dạy em Trạch học, trước khi học, bao giờ anh em cũng cùng hát một lúc, nhờ vậy em Trạch không ngán mà thích những buổi học. Học bài mới, tôi luôn tìm cách sao cho bài học thú vị, dễ nhớ và nhớ lâu nhứt. Khi trả bài ngụ ngôn Con chó sói và con chiên con của La Fontaine, tôi cùng lúc đóng hai vai, chó sói hung ác và con chiên nhút nhát.

GS. Trần Văn Khê biểu diễn tỳ bà, nghệ sĩ Mộng Trung biểu diễn đờn tranh tại Paris năm 1961

13 tuổi, thầy Thượng Tân Thị dạy tôi làm thơ Đường và tôi làm thơ không bao giờ sai niêm luật. Thuở nhỏ, tôi học gì cũng giỏi nên được thầy cưng. Lại thêm có võ Thiếu Lâm nên bạn bè càng nể. Từ lớp nhỏ đến lớp học thi tú tài, tôi đều được xếp hạng nhứt. Càng được thương yêu, tôi tự nhủ càng phải cố gắng để không phụ lòng thầy và sự yêu mến của bạn bè. Thêm nữa, tôi rất ưa những món lạ. Sự học cho tôi khám phá thêm những điều ấy. Và một điều tôi tâm niệm khi học đó là muốn đem sự học để nuôi thân, giúp đỡ hai em, giúp đất nước và rộng hơn nữa là giúp cả nhân loại.

Âm nhạc và bài học

Việc học không tránh khỏi những vấn đề phức tạp, khô khan, khó nhớ. Tôi tự nhủ muốn nhớ lâu những điều ấy thì phải vận dụng tất cả cách nhớ và tự tạo mẹo để nhớ. Mỗi người thường có một cách nhớ của riêng mình. Có người thì nghe nói lại dễ nhớ hơn đọc sách. Có người nhìn thấy chữ lại dễ nhớ hơn tai nghe. Nếu chỉ dùng một cách nhớ, theo tôi là chưa đủ; vì vậy trong mỗi bài học, tôi thường vận dụng tất cả các cách nhớ để một thời gian sau đó, có thể một trong những cách nhớ vẫn giúp mình nhớ được, không quên sự kiện đã xảy ra.

Tính tôi thích hát, thích ngâm thơ. Cũng vì vậy mà khi học các bài thơ Tây, tôi cũng ngâm, cũng hát theo âm nhạc của Tây. Khi học năm tú tài nhất ở Trường Trung học Pétrus Ký, một hôm trong giờ học tiếng Anh, tôi được bà giáo sư gọi lên đọc bài thơ Twinkle, twinkle little star (Hãy nhấp nháy đi ngôi sao nhỏ), tôi thưa với thầy: “Em có thể hát thay vì đọc bài không?”. Bà giáo sư ngạc nhiên: “Nhạc của ai?”. Tôi đáp: Nhạc của em. “Lạ quá nhỉ?! Em hát đi”. Tôi hát xong thì cả lớp vỗ tay rầm rầm. Bà giáo sư cho tôi 20/20 điểm. Và những lần khác nữa, bạn bè tôi có dịp nghe một bài hát cũng là bài thơ học thuộc lòng. Tất nhiên không phải bài thơ nào cũng có thể ngâm hay hát mà chỉ có một số bài dễ thương. Song bấy nhiêu đó cũng đủ truyền cho bản thân tôi và các bạn học cảm xúc học tập thú vị và giúp tôi nhớ bài học thật lâu.

Cách ghi mẫu phiếu sách

Khi từ trung học lên đại học, người học thường bị bỡ ngỡ: giáo sư đại học không đưa ra những bài học đã soạn sẵn để học thuộc lòng, mà cứ giảng thao thao bất tuyệt rồi bảo sinh viên tìm sách báo đọc thêm. Có thầy cẩn thận ghi sẵn một số cuốn sách cần phải đọc, và sinh viên phải vào thư viện hoặc tự tìm mua thêm để  học. Người sinh viên không còn thụ động như một học sinh mà phải chủ động tìm hiểu, phải dám đặt câu hỏi với thầy về những điểm mà mình chưa hiểu thấu hay mình có những nhận định khác với thầy. Trong khi tìm sách báo có liên quan đến đề tài đang học, sinh viên cần biết cách làm phiếu về những quyển sách hay những bài đã đọc, để sau này muốn tìm trở lại thì khỏi mất công đi tìm nữa. Trong khi đọc cuốn sách cũng phải biết cách ghi lại những ý, những câu nào liên quan hoặc phản biện đối với chủ đề đang học.

Ngày xưa muốn tìm tư liệu chỉ có cách vào thư viện quốc gia lục các phiếu sắp thứ tự theo tên tác giả, theo đề tài nghiên cứu hay theo ngôn ngữ. Ngày nay có những phương pháp trên mạng internet rất mau, dễ dàng mà giới trẻ đều biết; nhưng khi ghi lại tư liệu, nên nhớ làm phiếu cho riêng mình. Sau đây là một mẫu phiếu đối với sách:

Họ tên tác giả Việt Nam (Họ: viết chữ thường; tên hoặc bút danh: viết chữ in hoa, còn nếu tác giả nước ngoài thì ngược lại), tên cuốn sách phải ghi bằng chữ nghiêng hoặc gạch dưới, nơi xuất bản, tên nhà xuất bản, năm phát hành, số trang của ấn phẩm. Ví dụ: Lệ VÂN: Hát ru ba miền-Montréal-Tác giả tự xuất bản, ấn hành 1996-239 trang. Hay Mai Văn TẠO: Lời ru của mẹ-An Giang-NXB Văn Nghệ Châu ĐỐC, ấn hành 1986-183 trang.

Tôi ưa học ngoại ngữ vì tôi nghĩ hiểu một ngôn ngữ thì nhờ đó ta sẽ hiểu được một phần văn hóa của đất nước đó. Mai sau, nếu có dịp đến đó thì có thể tiếp cận ngay với người dân bản xứ.n

Tự truyện Trần Văn Khê

(First News-Trí Việt phát hành)

Học không phải để có bằng cấp

Dầu hoàn cảnh có lắm khó khăn, tôi vẫn cố gắng theo đuổi đường học. Tôi học không phải để có bằng cấp mà để thực hiện được lý tưởng cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bằng cấp như đánh dấu một giai đoạn học tập và giúp tôi có phương tiện tiếp tục tiến lên trên con đường mình đã chọn. Bằng cấp không phải là mục đích của cuộc đời. Khi diễn thuyết về âm nhạc truyền thống Việt Nam ở các nước châu Âu, khi thính giả biết luận án tiến sĩ của tôi là về âm nhạc dân tộc Việt Nam, lại giới thiệu tôi là tiến sĩ, thì các thính giả càng lắng nghe chăm chú và trân trọng hơn. Công việc thuyết giảng của tôi nhờ đó sẽ dễ dàng hơn.

 

Bình luận (0)