Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện lạ…

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi có đứa cháu là giáo viên môn công nghệ dạy ở một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Vừa qua xuống chơi nhà tôi, Hằng (tên cháu) háo hức kể tôi nghe một tình huống giáo dục khá hy hữu đã được cháu giải quyết rất êm xuôi.

Lâu nay ở trường, Hằng có tiếng là cô giáo nghiêm khắc, thận trọng, luôn yêu cầu cao với học sinh. Một hôm cô bị bệnh phải vào viện. Cô yêu cầu người nhà và đồng nghiệp tuyệt đối không cho học sinh biết. Cô sợ các em vào bệnh viện thăm sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập lại có thể bị lây bệnh. Một hôm cô rất ngạc nhiên thấy học sinh N. xuất hiện bên giường bệnh của mình với một túi quà lớn trên tay. Sau những câu thăm hỏi rất niềm nở, ân cần, N. đã mạnh dạn tâm sự với cô một bức xúc không nhỏ: Bài kiểm tra của em hoàn toàn đúng nhưng lại bị cô cho điểm 4 mà em vừa nhận được chiều qua từ tay bạn lớp trưởng. N. vừa nói vừa lấy trong cặp ra bài kiểm tra. Cô gượng ngồi dậy xem đi xem lại bài làm của N. Quả thật bài làm khá chuẩn, đích thực chữ viết của N., không sai sót gì. Đúng ra bài phải đạt ít nhất điểm 9. Sao lại có chuyện lạ thế này nhỉ? Chẳng lẽ mình lại nhầm lẫn đến mức này ư? Bình tĩnh quan sát lại, cô đã kịp nhận ra sự thật của vấn đề. (Đây là bài em làm lại ở nhà và tự cho điểm giống hệt như cô cho)…

Tôi sốt sắng hỏi Hằng: “Thế bằng cách nào mà cháu nhận ra đây không phải là bài mình đã chấm?”. Hằng cười: “Học sinh bây giờ ma lanh lắm chú ạ! Mình không cẩn trọng, không có cách là thua luôn. May mà trong trường hợp này cháu đã hình thành cho mình thói quen: Bao giờ bài chấm cho học sinh cháu cũng ký nháy rất nhỏ vào góc”. “Tuyệt quá. Cách làm của cháu rất khoa học, rất mô phạm. Có lẽ đây là bài học nhỏ mà không nhỏ đối với các giáo viên thời nay!”. Chia sẻ xong những lời tâm đắc đó tôi chuyển sang hỏi luôn Hằng một ý mới: “Thế khi biết N. tạo kịch bản mới, lúc ấy cháu giải quyết thế nào? Bắt N. nhận lại quà. Thẳng thừng chỉ cho N. biết lỗi với thái độ gay gắt, tức giận kèm theo lời trách cứ nặng nề và nói sẽ đưa chuyện này ra phê bình trước lớp. Hay vui vẻ nhận lại bài làm của N. hứa hôm sau sẽ gặp riêng em để giải quyết?”. Hằng nhanh nhảu: “Không! Cách của cháu lúc ấy là trao lại bài cho N., ân cần kể lại cho em nghe một câu chuyện có nội dung tương đồng với việc của N. vừa thưa (mang nội dung về tính trung thực). Không quên nhắc em đọc lại bài, suy nghĩ lại việc làm của mình, hôm sau gặp lại, cô trò sẽ thống nhất. Nếu cô sai cô sẽ xin lỗi và sửa ngay điểm cho em. Nhưng nếu em sai thì em cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước cô, trước lớp và có thể là trước cả trường nếu em không tự giác nhận lỗi với cô. Cô mong em sẽ nghiêm túc suy nghĩ lại trước khi chưa quá muộn. Nếu được vậy coi như chuyện này chỉ hai cô trò mình biết với nhau”.

Quả thật không phải chờ đến hôm sau mà ngay lúc ở bệnh viện khi cháu vừa dứt câu, N. đã lập tức thú nhận tất cả sự thật trong nước mắt hối hận và mong được tha thứ”.

NGƯT  NGUYỄN NGỌC KÝ

Bình luận (0)

Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Trước những tình huống học sinh thiếu trung thực, người thầy cần bình tĩnh tìm ra cách giải quyết (ảnh minh họa). Ảnh: N.Hùng 

Là giáo viên môn công nghệ, cô giáo Phạm Loan lâu nay có tiếng là người nghiêm khắc, thận trọng, luôn yêu cầu cao với học sinh. Một hôm cô bị bệnh phải vào viện. Cô yêu cầu người nhà và các đồng nghiệp tuyệt đối không cho học sinh biết. Cô sợ các em vào viện thăm sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến học tập, lại có thể bị lây bệnh. Một hôm cô rất ngạc nhiên thấy học sinh Kim Ngân xuất hiện bên giường bệnh của mình với một túi quà lớn trên tay. Sau những câu thăm hỏi rất niềm nở, ân cần Kim Ngân đã mạnh dạn tâm sự với cô một bức xúc không nhỏ: Bài kiểm tra của em hoàn toàn đúng nhưng lại bị cô cho điểm 4 mà em vừa nhận được chiều qua từ tay bạn lớp trưởng. Ngân vừa nói vừa lấy trong cặp của mình ra bài kiểm tra còn thơm mùi mực. Cô Loan gượng ngồi dậy xem đi xem lại bài làm của Ngân. Quả thật bài làm khá chuẩn, đích thực chữ viết của Ngân, không sai sót gì. Đúng ra bài phải đạt ít nhất điểm 9. Sao lại có chuyện lạ thế này nhỉ? Chẳng lẽ mình lại nhầm lẫn đến mức này ư? Bình tĩnh quan sát lại, cô đã kịp nhận ra sự thật của vấn đề. (Đây là bài đã được làm lại!).
Với kinh nghiệm của mình, nếu là cô Phạm Loan trong hoàn cảnh đó, bạn cho biết bằng cách nào mình đã nhận ra sự thiếu trung thực trong việc làm của trò Ngân? Khi nhận ra sự thật bạn chọn cách xử lý nào? Vì sao?
Cách 1: Bắt Ngân nhận lại quà. Thẳng thừng chỉ cho Ngân biết lỗi với thái độ gay gắt, tức giận kèm theo lời trách cứ nặng nề khiến Ngân không sao cầm được nước mắt. Cô còn nói sẽ đưa chuyện này ra phê bình trước lớp. Cách 2: Vui vẻ nhận lại bài làm của Ngân, hứa hôm sau sẽ gặp riêng em để giải quyết. Cách 3: Yêu cầu Ngân cứ cầm lấy bài, về xem kỹ lại, hôm sau đến lớp nộp lại cô sẽ giải quyết. Cách 4:Ý riêng của bạn?
Gợi ý cách giải quyết
Thứ nhất: Cách nhận ra sự thiếu trung thực trong việc làm của trò Ngân? Bí quyết này mỗi giáo viên đều có cách riêng. Đây là cách mà cô Phạm Loan (chắc nhiều người đã làm) thường xuyên thực hiện. Sau mỗi bài chấm bao giờ cô cũng ký nháy rất nhỏ vào góc bài làm của học sinh. Việc làm này không khó. Song cái quyết định là phải kiên nhẫn, chu toàn trách nhiệm, không để sót bài làm nào của trò. Thứ hai: Ý kiến về cách giải quyết khi nhận ra sự thiếu trung thực trong bài của trò Ngân. Cách 1: Thiếu bình tĩnh. Gây sốc cho trò. Hiệu quả giáo dục chẳng những không đạt mà còn làm xa cách thêm mối thiện cảm thầy trò. Với sự non nớt của nhận thức rất có thể sau đó trò Ngân sẽ nảy sinh lòng thù ghét cô; cứ nghĩ rằng từ đây cô sẽ giữ mãi ấn tượng xấu về mình. Tai hại hơn có thể Ngân sẽ bỏ học vì sợ “quê” với bạn bè khi cô đem chuyện này ra phê bình trước lớp. Cách 2 và 3: Có thể chấp nhận. Ở đây cô giáo đã bình tĩnh và biết đặt niềm tin nơi học sinh trong việc tôn trọng các em, giúp các em tự giác nhận ra sai lầm chứ không áp đặt. Song xem ra sự khéo léo sư phạm vẫn chưa nhiều.
Theo tôi cách giải quyết tốt nhất, tế nhị tâm lý nhất là: Trao lại bài cho Ngân, ân cần, tinh tế kể lại cho em nghe một câu chuyện hoặc một kỷ niệm nào đó có nội dung tương đồng với việc của Ngân vừa thưa (mang nội dung về tính trung thực). Không quên nhắc em đọc lại bài, suy nghĩ lại việc làm của mình, hôm sau gặp lại, cô trò sẽ thống nhất. Nếu cô sai cô sẽ xin lỗi và sửa ngay điểm cho em. Nhưng nếu em sai thì em cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước cô và trước cả lớp nếu em không tự giác nhận lỗi với cô. Cô mong em sẽ nghiêm túc suy nghĩ lại trước khi quá muộn. Nếu được vậy coi như chuyện này chỉ hai cô trò mình biết với nhau.
Nếu cô Phạm Loan làm được vậy tin rằng không phải chờ đến hôm sau mà ngay lúc ở bệnh viện khi cô vừa dứt câu em Ngân sẽ lập tức thú nhận với cô tất cả sự thật trong nước mắt hối hận và mong được cô tha thứ.
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ