Bước vào năm học mới 2015-2016, Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi loại hình trường học từ Trường bán công Năng khiếu – Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng (gọi tắt là Trường Năng khiếu) thành Trường TH Lý Tự Trọng (gọi tắt là Trường Lý Tự Trọng). Việc chuyển đổi loại hình trường học này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi học tập cho HS. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc chuyển đổi và chia tách chưa thực hiện đầy đủ lộ trình, không đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC) dạy – học cũng như an toàn cho con em mình nên tỏ ra rất bức xúc…
Theo trình bày của ông Nguyễn Lương Vọng, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS, Trường Năng khiếu (thuộc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng), vào ngày 18-8, trong cuộc họp đầu năm với nhà trường, phụ huynh HS Trường bán công Năng khiếu Đà Nẵng mới được biết bắt đầu từ năm học mới 2015-2016, sẽ chuyển đổi loại hình sang trường công lập với tên gọi Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Ông Vọng cho rằng, việc chuyển đổi là hợp lý tuy nhiên lộ trình chuyển đổi có quá nhiều bất cập cần phải giải quyết. Trường Năng Khiếu (nay là Lý Tự Trọng) trong năm học mới này có khoảng hơn 630 HS. Khi chuyển đổi loại hình, tách ra từ Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng thì đơn vị này đã bàn giao lại cho Trường Lý Tự Trọng 17 phòng học. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở mới để chia tách Nhà Thiếu nhi với Trường Lý Tự Trọng nên hai đơn vị này vẫn buộc phải dùng chung CSVC, khuôn viên… Ông Vọng cho biết, đa số phụ huynh HS đều rất lo lắng bởi CVSC của Nhà Thiếu nhi không phù hợp với công năng dành cho trường tiểu học công lập; phòng học chật hẹp, cũ kỹ tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn tính mạng HS. “Hai đơn vị dùng chung một CSVC thì không tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS. Ví dụ như Nhà Văn hóa thì có nhiều hoạt động phải dùng đến hệ thống âm thanh, trong khi lớp học thì cần được yên tĩnh. Nếu cả hai cùng sinh hoạt trong giờ hành chính thì HS sẽ bị thiệt thòi bởi nhiễu các âm thanh từ bên ngoài phòng học, làm mất tập trung”, ông Vọng nói thêm: Mãi đến đầu năm học, phụ huynh mới được thông báo về việc chuyển đổi loại hình trường học. Điều này khiến chúng tôi rất bị động vì không còn thời gian chuyển cháu về các trường đúng tuyến. Trong khi đó, theo thông báo của nhà trường, nếu học tại Lý Tự Trọng thì không có học bán trú do lượng giáo viên biên chế về trường không đảm bảo học 2 buổi/ngày. Nếu phụ huynh muốn con em mình học 2 buổi/ ngày thì buộc phải nộp thêm khoảng 50.000 đồng/tháng để nhà trường hợp đồng thêm giáo viên phụ trách lớp.
Dù chuyển đổi sang công lập nhưng trước mắt HS vẫn phải chung CSVC với Nhà Thiếu nhi |
“Sau khi ổn định, các môn năng khiếu sẽ được duy trì theo hợp đồng thỏa thuận giữa Trường Lý Tự Trọng và Nhà Văn hóa, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo 7 tiết học văn hóa/ngày, sau đó còn thời gian mới bố trí dạy năng khiếu ngoài giờ. Về lâu dài, sẽ có định hướng riêng cho nhà trường trong đào tạo năng khiếu chứ không như các trường công lập khác trên địa bàn”, bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu – khẳng định. |
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu – cho biết: “Việc chuyển đổi loại hình từ mô hình trường bán công sang trường công lập là phù hợp bởi hiện nay mô hình trường bán công đã không còn phù hợp với Luật Giáo dục. Đối với HS theo học ở đây, con dấu đóng vào các chứng nhận, học bạ của các cháu mang dấu Trường bán công Năng khiếu trên thực tế không có giá trị pháp lý”. Bà Hà cũng cho biết thêm, hiện Trường Lý Tự Trọng có 17 biên chế cho giáo viên, còn thiếu 6 giáo viên, Sở Nội vụ đã đồng ý sẽ ưu tiên đủ số giáo viên cho trường ngay sau khi có kết quả của đợt thi tuyển vào một hai ngày tới. Riêng về việc dùng chung CSVC theo bà Hà, trước mắt nhà trường buộc phải sử dụng chung chờ đến khi Nhà Văn hóa Thiếu nhi được chuyển đến địa điểm mới thì nhà trường sẽ chính thức có riêng cơ sở và tới khi đó, sẽ có kế hoạch cụ thể về việc cải tạo, nâng cấp CSVC nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học một cách tốt nhất.
Sự bức xúc của các bậc phụ huynh HS thiết nghĩ là có cơ sở, một khi mà cả trường học lẫn Nhà Thiếu nhi đang nhập nhằng chung riêng thì mọi hoạt động giữa hai bên ít nhiều bị ảnh hưởng. Bài toán về thực hiện chuyển đổi có lộ trình xem ra được nhắc nhiều nhưng câu trả lời vẫn còn lắm vướng mắc.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Chúng tôi lựa chọn cho con em vào trường này là muốn hướng các cháu phát triển năng khiếu riêng theo sở trường của các cháu. Thế nhưng khi chuyển đổi sang mô hình công lập, các môn năng khiếu của cháu bị đẩy ra ngoài khung thời gian học trong ngày sau 4 giờ 30 chiều và còn tùy theo yêu cầu của phụ huynh. Việc chuyển đổi đột ngột không có thông báo trước thế này chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào thế bí, đi cũng dở, ở không xong”, ông Nguyễn Lương Vọng, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS, Trường Năng khiếu bày tỏ. |
Bình luận (0)