Bộ GD-ĐT sẽ chi 10 tỷ để tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập học sinh (PISA). Chương trình được kỳ vọng sẽ thấy được điểm mạnh, đặc biệt là các điểm yếu của học sinh Việt Nam cũng như của quá trình giáo dục để tìm cách điều chỉnh chất lượng.
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA được tổ chức với quy mô toàn cầu cho học sinh ở lứa tuổi 15. Mục tiêu của PISA là đánh giá và so sánh kết quả học tập của học sinh trên thế giới nhằm cải tiến phương pháp giáo dục và nâng cao chất lượng các sản phẩm giáo dục.
Điều tra của PISA được công bố 3 năm một lần, đánh giá kiến thức và kỹ năng học sinh 15 tuổi ở các môn toán, khoa học tự nhiên, đọc hiểu và giải quyết tình huống.
Ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, tham gia vào PISA chúng ta có cơ hội lớn hội nhập vào một sân chơi quốc tế, nhờ đó đó thể học tập các kinh nghiệm tiên tiến trong các lĩnh vực quan trọng của giáo dục.
Bên cạnh đó, PISA sẽ tạo cơ sở khách quan và khoa học cho việc đánh giá chất lượng thật sự của giáo dục phổ thông Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức rõ về “thứ hạng” thật sự của chất lượng học sinh qua tương quan chung của nhiều nước trên thế giới.
Chịu “sốc” để “khám bệnh” cho giáo dục
Ông Đỗ Tiến Đạt, thành viên nhóm PISA, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng: Kiến thức đòi hỏi ở người học trong các đề trắc nghiệm ở PISA không hoàn toàn xa lạ với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, cách thức ra đề kiểm tra và đánh giá của PISA có những điểm khác với cách làm truyền thống của chúng ta, vì thế học sinh Việt Nam rất khó đạt kết quả cao.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) cho biết, PISA là một cú sốc với tất cả các nước, khi đưa ra kết quả “đánh thức một cách thô bạo và lay chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục”. Ví dụ, Phần Lan đã bị “sốc” khi biết kết quả số lượng học sinh “ngồi nhầm lớp” khi tham gia PISA.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chúng ta không cần phải lo lắng nhiều về thứ hạng. Có thể Việt Nam sẽ đứng ở mức trung bình. Nhưng, “đã đến lúc chúng ta phải áp dụng chương trình PISA này để khắc phục được bệnh thành tích và “khám bệnh” lại toàn diện trong ngành giáo dục” – ông Hùng nói.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, để tham gia chương trình này Việt Nam cần sớm đăng ký từ tháng 7/2009.
Để tham gia vào chương trình PISA, Việt Nam cần một khoản chi phí 10 tỷ đồng (trong đó khoảng 110.000 EUR cho phí tham gia chương trình và 400.000 USD cho chi phí thực hiện trong nước, dự các cuộc họp và các khoá tập huấn của PISA).
Dự kiến từ tháng 5-9/2009, Bộ GD-ĐT sẽ thử nghiệm tại 1 đến 2 thành phố lớn và từ tháng 9-12/2010 sẽ thử nghiệm tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Và đến 2012, chương trình PISA sẽ đưa vào thực hiện tại Việt Nam.
Cho tới nay, đã có 63 nước tham gia chương trình PISA 2009. Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông đều đã tham gia, riêng Trung Quốc mới chỉ có 1 tỉnh tham gia đánh giá thử.
Hồng Hạnh (Dan tri)
Bình luận (0)