Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ghi mã đơn vị đăng ký dự thi như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 có nguyện vọng 2 và 3? Giấy báo dự thi sẽ nhận tại đâu? Mất học bạ THPT phải làm sao? Khối M thi những gì? Ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức ĐH Giao thông vận tải TP.HCM học những gì?… là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.

> Thi hai trường cùng khối có được không?

> Cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ dự thi

* Tôi là thí sinh tự do đang học CĐ ở TP.HCM, năm nay tôi muốn thi lại ĐH. Ở mục 16 trong phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) yêu cầu phải ghi mã đơn vị ĐKDT. Cho tôi biết mã ĐKDT của Sở GD-ĐT TP.HCM là bao nhiêu? Sau này khi có giấy báo dự thi và giấy báo điểm thì tôi phải đến sở lấy hay là sẽ được gửi theo địa chỉ mà tôi nộp kèm bao thư trong hồ sơ ĐKDT? (Trần Văn Toàn)

– Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại tỉnh, thành phố mà mình không có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo diện vãng lai được quy định cho các tỉnh, thành phố và nộp trực tiếp tại Sở GD-ĐT nơi đó. Riêng thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT nơi mình có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo quy định của sở GD-ĐT sở tại.

Nghĩa là nếu bạn là thí sinh tự do không có hộ khẩu tại TP.HCM khi nộp hồ sơ ĐKDT tại Sở GD-ĐT TP.HCM (32C Trương Định, quận 3) thì ghi mã vãng lai là S1 hoặc S2. Còn nếu bạn có hộ khẩu TP.HCM thì khi nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT TP.HCM bạn ghi mã đơn vị ĐKDT là 00.

Sau khi hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT tại sở GD-ĐT, bạn nộp tại trường dự thi thì ghi mã ĐKDT là 99; nộp tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (33C Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1) thì ghi mã 98.

Tốt nhất, khi nộp hồ sơ ĐKDT tại đâu, bạn phải hỏi nơi thu nhận hồ sơ mã đơn vị ĐKDT của nơi đó rồi hãy ghi vào hồ sơ cho chính xác. Tất cả điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT đều có hướng dẫn này chi thí sinh, vì không phải thí sinh nào cũng biết.

Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ tại đâu sẽ nhận giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc phiếu báo điểm), giấy báo trúng tuyển tại đó hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì nộp kèm với hồ sơ ĐKDT (tùy theo quy định của từng sở GD-ĐT). Khi nộp hồ sơ tại sở, bạn nên hỏi trước.

* Trước đây tôi bị xử lý kỷ luật (hình thức đuổi học) ở một trường ĐH công, vậy năm nay tôi có được ĐKDT vào một trường ĐH khác không? Trong một lần đi xa tôi đã đánh mất học bạ THPT, vậy tôi phải làm thế nào để có lại cái khác? (nguyen.hao27@…)

– Không biết bạn bị đuổi học vì lý do gì? Nếu vì bạn không theo kịp chương trình ở ĐH, xếp loại kém vào kết quả cuối năm, buộc phải thôi học thì năm nay bạn vẫn được dự thi vào các trường ĐH khác. Tuy nhiên, bạn cần định hướng trước cho tương lai, nếu như không có sức học ĐH thì bạn có thể thi vào các trường CĐ hoặc xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Trong trường hợp khác, nếu bạn thuộc những diện sau đây thì không được dự thi: không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự; đang trong thời kỳ thi hành án hình sự; bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ hai năm (tính từ năm bị tước quyền dự thi hoặc ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi); học sinh, sinh viên chưa được hiệu trưởng cho phép dự thi; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.

Khi mất học bạ THPT bạn cần phải liên hệ với trường THPT và sở GD-ĐT địa phương bạn để được làm thủ tục cấp lại học bạ vì học bạ là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ nhập học nếu bạn trúng tuyển vào một trường ĐH, CĐ nào đó.

Thời gian còn dài, bạn nên làm sớm. Theo quy định, khi dự thi ĐH thí sinh chỉ cần mang những loại giấy tờ sau: giấy báo dự thi có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của trường dự thi; giấy CMND và thẻ học sinh để có thể kiểm tra đối chiếu khi cần thiết; giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước). Nhưng khi trúng tuyển, nhập học bạn phải có học bạ THPT mới được chấp nhận.

* Em gái tôi đang học lớp 12 và định thi vào ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Sài Gòn. Cho tôi biết hình thức thi ngành này như thế nào? Thi những môn nào? Về phần năng khiếu thì thi môn gì và như thế nào? (Hữu Toàn, joshuutoan@…)

– Ngành sư phạm giáo dục mầm non của Trường ĐH Sài Gòn thi tuyển khối M, mã ngành 912, chỉ tiêu năm 2009 là 150. Khối M thi toán, văn (đề thi khối D), năng khiếu gồm thi hát, kể chuyện, đọc diễn cảm (hệ số 1).

* Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009 có nguyện vọng 2 và 3 không? Nếu tôi thi vào Trường ĐH Sư phạm nhưng không đủ điểm chuẩn thì tôi có được xét để vào Trường ĐH Luật lấy điểm chuẩn thấp hơn không? (Nguyễn Thanh Bắc, lifetryto@…)

– Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 nếu thí sinh không trúng tuyển thì vẫn được xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, 3 vào các trường ĐH, CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH với điều kiện có điểm thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển.

Như vậy, sau khi biết được mình không trúng tuyển, bạn phải xem thông tin trường bạn muốn tuyển có xét tuyển NV2, 3 không, và điểm thi của bạn có thỏa với điểm xét tuyển của trường không. Thông thường những trường tốp trên luôn có điểm chuẩn NV2,3 cao hơn điểm xét tuyển từ 2 điểm trở lên.

* Năm nay thi tuyển sinh có mấy đợt? Tôi không thi đợt 1 nhưng thi đợt 2 được không? Thời gian đăng ký dự thi như thế nào? (Nghĩa, nghelathay3000@…)

– Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn tổ chức ba đợt thi như hằng năm. Thí sinh phù hợp với khối thi nào, ngành nào thì ĐKDT vào trường mình có NV học. Thí sinh có quyền thi cả ba đợt thi, gồm hai đợt thi ĐH và một đợt thi CĐ. Như vậy, không có quy định nào cho rằng không thi đợt 1 thì sẽ không được thi đợt 2.

Theo lịch thi của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh 2009 sẽ có hai đợt thi ĐH và một đợt thi CĐ bao gồm:

+ Đợt 1: Ngày 4 và 5-7-2009 thi ĐH khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 7-7-2009.

+ Đợt 2: Ngày 9 và 10-7-2009 thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi văn, sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 13-7-2009.

+ Đợt 3: Đối với hệ CĐ: các trường CĐ tổ chức thi sẽ thi trong ngày 15 và 16-7-2009 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22-7-2009).

Bộ GD-ĐT quy định thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 như sau: học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, trong thời gian từ ngày 10-3 đến hết 10-4. Trong thời gian trên, thí sinh chưa kịp nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại trường mà mình ĐKDT, từ ngày 11 đến 17-4.

Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ do sở GD-ĐT của từng địa phương quy định, từ ngày 10-3 đến 10-4. Sau thời hạn trên, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mình ĐKDT đến hết ngày 17-4 như đối với học sinh đang học lớp 12.

* Tôi nghe nói Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức. Vậy ngành này học về vấn đề gì? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này sau khi ra trường như thế nào? (amiluotnet@…)

– Ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức (mã ngành 403) là ngành mới tuyển sinh năm 2008 và duy nhất có tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngành này được đào tạo để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân sự trong việc quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa và vận tải quốc tế trong bối cảnh nước ta hội nhập hoàn toàn với quốc tế.

Đây là ngành học khá mới mẻ và rất thu hút những doanh nghiệp dịch vụ kho vận, vận tải quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất và dịch vụ tại Việt Nam. Hiện tại nguồn nhân lực đào tạo chính quy cho ngành này vẫn chưa có mà chủ yếu từ nguồn học ở nước ngoài về hoặc những người làm trong ngành được đào tạo lại qua các khóa ngắn hạn mà thôi.

Ngành học này trang bị những kiến thức để sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Điểm chuẩn năm ngoái của ngành này nguyện vọng 1 là 15 điểm, nguyện vọng 2 là 16 điểm.

QUỐC DŨNG (TTO)

Bình luận (0)