Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thông tin bất ngờ về cảm lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người tin rằng thuốc kháng sinh và súp gà sẽ giúp chữa khỏi tình trạng viêm mũi, tuy nhiên kết quả một cuộc nghiên cứu mới tại Anh lại chỉ ra những điều hoàn toàn bất ngờ.

Có những điều cần biết về cảm cúm để bảo vệ cơ thể – Ảnh: Shutterstock
Giáo sư John Oxford, một nhà vi rút học tại Queen Mary, Đại học London cho biết kháng sinh không có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm trùng do vi rút như cảm lạnh và cúm, vì vậy không nên mong đợi vào chúng. Ông nói thêm, kháng sinh không chỉ không mang lại hiệu quả với cảm lạnh mà còn góp phần vào vấn đề kháng kháng sinh, bởi theo Tổ chức Y tế thế giới, vấn đề kháng kháng sinh hiện nay đang trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người.
Lạnh và các triệu chứng cảm cúm thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng nếu muốn giảm bớt triệu chứng khó chịu, có thể tìm kiếm một sản phẩm kết hợp có chứa một loại thuốc giảm đau và thuốc thông mũi.
Một quan niệm sai lầm khác là bệnh cúm là một dạng cảm nặng và chúng được gây ra bởi các loại vi rút khác nhau. Hiện có hơn 200 loại vi rút có thể gây ra cảm lạnh, nhưng chỉ có 3 loại có thể gây bệnh cúm, tiến sĩ John Oxford cho biết.
Cả hai loại bệnh cúm và cảm lạnh có thể gây ra đau đầu, sốt, đau họng, nghẹt mũi và ho. Các triệu chứng của cảm lạnh phát triển từ 1 đến 2 ngày và sau 1 tuần sẽ thuyên giảm. Cúm có xu hướng xuất hiện nhanh hơn cảm và các triệu chứng của nó bao gồm sốt đột ngột từ 38-40 độ C, đau cơ, đổ mồ hôi, mệt lả và ho khan, theo Daily Express.
Trẻ em thường bị cảm cúm từ 7-10 lần trong 1 năm, trong khi người lớn mắc từ 2-3 lần, do hệ thống miễn dịch người lớn đã gặp hầu hết các vi rút này trước đó nên khả năng chống lại chúng cao hơn.
Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nước bọt bay vào không khí hoặc vào tay (nếu sử dụng tay để che miệng). Những giọt nước bọt đó nếu được truyền cho người khác thông qua bắt tay hoặc chạm vào đồ vật như tay nắm cửa hoặc bàn phím, vi rút sẽ truyền sang mắt và mũi người tiếp xúc. Khoang mũi có liên quan đến mắt và vi rút dễ dàng đi từ mắt đến mũi và xuống cổ họng gây ra nhiễm trùng. Vì thế, rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là thói quen vô cùng quan trọng để làm giảm nguy cơ mắc cúm và cảm lạnh.
Nhịn đói khi cúm. Không bao giờ là một ý tưởng tốt để bỏ đói chính mình, trừ khi bạn đang nôn mửa và thức ăn không chịu dung nạp vào dạ dày. Hãy ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng cho dù bạn đang bị sốt hoặc cảm lạnh, đặc biệt uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
Vitamin C có thể chữa bệnh cúm. Thật ra vitamin C chỉ có tác dụng ngăn ngừa chứng cảm lạnh thông thường trong một chừng mực nào đó, chứ không thể chữa khỏi bệnh, kết luận này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu xem xét 30 thử nghiệm liên quan đến 11.000 người.
Đi ra ngoài với mái tóc ướt, sẽ bị cảm lạnh. Bạn có thể đi ra ngoài với mái tóc còn ướt mỗi ngày và sẽ không bị cảm lạnh, miễn bạn không tiếp xúc với người bị bệnh.
Rượu trị được cảm lạnh. Thật ra, uống rượu gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm khả năng nhiễm vi rút càng cao.
Ngừng tập thể dục nếu bị cảm lạnh. Hãy lắng nghe cơ thể, nếu bạn muốn bơi hoặc đi đến phòng tập thể dục và cảm thấy điều này tốt cho sức khỏe thì nên làm. Chỉ tránh vận động khi cảm thấy bệnh quá nặng, không thể gượng nổi.
Trúc Lam
(TNO)

 

Bình luận (0)