Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nepal: Hạn chế gián đoạn việc học của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nepal đang nỗ lực để có 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào năm 2015 (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Nepal đang nỗ lực để đạt được mục tiêu thứ hai của “Các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ (MDGs)” là có 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học (tương đương lớp 5) vào năm 2015. Đất nước này có lẽ sẽ làm rất tốt công tác giáo dục tiểu học nhưng hiện nay vẫn còn mắc phải vấn đề làm sao để trường học không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trường hợp khẩn cấp hay các thảm họa thiên tai.
“Lúc này khả năng đảm bảo cho công tác giáo dục được tiếp tục duy trì trong những tình huống khó khăn đã trở thành ưu tiên hàng đầu song song với thức ăn, an ninh, nước uống, vệ sinh và sức khỏe” – Sabrina Joshi, một chuyên gia giáo dục trong tình huống khẩn cấp thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Nepal cho biết.
Tuy nhiên, đây có thể là thử thách rất lớn cho một đất nước như Nepal, nơi thường xuyên bị thảm họa thiên tai đe dọa làm gián đoạn việc học của học sinh và các thảm họa này được xem như là điều không thể tránh khỏi. Ví dụ, trường hợp cơn lũ từ sông Koshi ở phía đông Nepal vào tháng 8 năm 2008. Theo báo cáo của cơ quan nhân đạo Liên hiệp quốc OCHA, việc học của 29.000 học sinh của quận Sunsari đã bị gián đoạn và phải mất đến hàng tuần lớp học mới trở lại hoạt động bình thường. Mặc dù tình hình lũ lụt năm nay không nghiêm trọng như năm 2008 nhưng việc đến trường của khoảng 165 học sinh đã phải tạm ngưng ở vùng Dharan, Itahari, Inaruwa và Ghokraha ở quận Sunsari.
Đất nước tại vùng Himalaya này thường bị đe dọa bởi các trận lũ và các vụ lở đất. Thủ đô Kathmandu được xác định là một trong những vùng bị động đất nhiều nhất trên thế giới. Để hạn chế tối đa tình trạng đứt quãng công tác giáo dục, chính phủ Nepal đang làm việc với các tổ chức quốc tế để đưa khái niệm dạy và học trong các tình huống khẩn cấp (EIE) đến mọi người.
“Chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền nhận thức về giáo dục trong hiểm nguy đến các quan chức chính phủ, các hiệp hội giáo viên, các giáo viên ở trường học cũng như phụ huynh. Trong các tình huống khẩn cấp, giáo dục thường không có quyền ưu tiên, chúng ta cần thay đổi tư duy và lối suy nghĩ thông thường rằng việc học của bọn trẻ có thể chờ đợi” – Laxman Bashyal, một viên chức của Bộ Giáo dục chia sẻ.
Basyal đại diện cho chính phủ trong Hội Giáo dục ở Nepal cùng các nhân viên thuộc UNICEF và tổ chức “Giúp đỡ cộng đồng trẻ em Nepal”. Hội này có nhiệm vụ chuẩn bị và giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục trong các trường hợp nguy cấp.
Baba Khadka, Hiệu trưởng Trường Trung học Shree Tika Vidyashram ở quận Lalitpur nói rằng: “Các kỹ năng sống sót trong trường hợp khẩn cấp hiện nay vẫn được ưu tiên. Khi động đất, người dân có thể tìm nơi trú ẩn trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, nếu con số này không quá lớn và các khối nhà không bị ảnh hưởng thì các lớp học vẫn ổn định”.
Trong khi đó, một nhân viên UNICEF cho biết: “Học sinh nên trở lại trường học khoảng hai tuần sau khi việc học bị tạm ngưng do các thảm họa của tự nhiên. Nếu trường học bị phá hủy thì một nơi học tập an toàn tạm thời phải được dựng lên, hoặc học sinh có thể học trong lều. Trong lúc các em trải qua mất mát thì những bài giảng thông thường có thể được thay thế bằng các kỹ năng sống sót lồng ghép với các vấn đề về thể chất, tinh thần và xã hội”. Cố gắng áp dụng các khái niệm EIE là điều mà các tổ chức quyên góp đang cố gắng hướng đến hay nói các khác là “khuyến khích” và sau đó hy vọng chính phủ Nepal sẽ áp dụng “Tiêu chuẩn về giáo dục” được đưa ra bởi “Hệ thống giáo dục thế giới về các tình huống khẩn cấp” (INEE). Đây được xem là một tổ chức phi chính phủ mang tính toàn cầu bao gồm các văn phòng quyên góp, các viện hàn lâm, trường học và có số lượng nhân viên đáng kể làm việc với mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và an toàn trong các trường hợp khẩn cấp hoặc khoảng thời gian trong quá trình hồi phục sau thảm họa.
Hiện UNICEF và tổ chức “Giúp đỡ cộng đồng trẻ em Nepal” đã xác định 20 quận trong vùng Tarai của Nepal (thuộc hành lang vùng đồng bằng Đông Tây) có thể bị thiệt hại nặng từ những cơn lũ. Họ cũng đang nỗ lực để mọi người nhận thức và biết được cách phản ứng khi động đất ở thung lũng Kathmandu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nếu tình trạng giáo dục bị ngưng trệ do hiểm họa hay các lý do khác kéo dài thì mục tiêu hướng đến giáo dục tiểu học toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, một quan chức của UNICEF cho biết vậy.
Ngọc Trúc
 (Theo globalissues.org)

Bình luận (0)