Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Trại hè cho trẻ em bị bệnh tiểu đường

Tạp Chí Giáo Dục

Các bé đang xây lâu đài cát (anh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T
Ở Pháp, hiện có gần 15.000 trẻ em đang bị bệnh tiểu đường (BTĐ) – một bệnh mà các em phải học cách đối phó hoặc sống chung với nó một cách tích cực. Một trại hè dành cho các em bị BTĐ vừa được tổ chức nhằm đưa ra lời cảnh báo: BTĐ không chỉ là hiểm họa đối với người lớn, mà còn là hiểm họa đối với trẻ em, đừng coi thường. 
Vào một buổi chiều êm ả tháng 10 năm 2010, trên bãi biển Gouville sur Mer ở Normandie (Manche), cuộc thi làm những lâu đài bằng cát bắt đầu. Các em từ 4 đến 15 tuổi, cầm xẻng, xô, say mê thích thú làm những lâu đài bằng cát mịn, xem ai “có lâu đài đẹp, chắc chắn hơn”.
Ý tưởng lập loại trại hè này đến từ nước Mỹ, được thực hiện và phát triển ở Pháp từ năm 1953 do Hội những Thiếu niên bị BTĐ tổ chức hàng năm, kéo dài 25 ngày, trong đó có ba trại ở đảo Réunion. Trại ở Gouville sur Mer có một điểm đặc biệt là chấp nhận cho cả cha mẹ và anh chị em của các em tham gia. Đối với những em bị BTĐ tuýp 1 thì ngay một thanh sô-cô-la cũng phải kiêng cho đến khi được kiểm tra tỷ lệ đường trong máu bằng ống chích. Các em cũng hiểu rõ suy tụy tạng là gì – là tụy tạng không bảo đảm được việc sản xuất chất insulin giúp đưa đường vào các tế bào của cơ thể. Các bác sĩ cũng giải thích rõ cho các em: Không có hooc-môn đó, gluco hấp thụ vào sẽ tấn công cơ thể, và không thể có tác dụng đem lại năng lượng trong chức năng duy trì và tăng cường sự sống. Ngoài ra các em cũng được dạy để ghi nhớ kỹ, dù trong thời gian nghỉ hè hay lúc khác, ba điều bảo đảm sự “sống sót” của các em là đo glycémi, tính nồng độ insulin cần thiết và xử lý nó.
Bác sĩ Isabelle Duthilly, người chịu trách nhiệm về y tế, thảo luận với từng em về lượng insulin phải tiêm nhằm giảm tỷ lệ đường trong máu. Khatal, 12 tuổi, có vẻ tự hào lắm vì em có thể tự chích cho mình. Còn em Edouard, mới hơn 4 tuổi, chẳng hiểu gì về bệnh này. Khi bác sĩ hỏi xem em có biết chất bột là gì không (là chất giúp tránh chứng thiếu lượng đường glucoza trong máu), Edouard mở to mắt ngạc nhiên. Ở đây các em sống thoải mái, hồn nhiên, không ai làm các em lo lắng về bệnh của mình mà phải nhớ nhiều điều trong đầu. Trong cuộc sống hàng ngày, không ai ngoài cha mẹ là người trao đổi với các em về BTĐ. 
Trong dịp hè, các em không những được tìm hiểu thêm về BTĐ mà còn được giải tỏa sự lo lắng. Tuổi có thể chích thuốc là bao nhiêu? 6 tuổi, theo lời bác sĩ nhi. Ở tuổi này các em có thể cầm bút, vậy có thể cầm ống chích insulin mà không phải lo lắng gì.
Ở trại hè Gouve sur Mer, các gia đình được tìm hiểu thêm về BTĐ và cách xử lý bệnh này hàng ngày. Bà Valérie, mẹ của Émelyne (12 tuổi) nói: “Khi tôi biết rằng bệnh con mình không thể nào chữa khỏi được, tôi như bị suy sụp. Sau 10 ngày nằm viện, tôi đem cháu về nhà và áp dụng cho cháu một chế độ ăn uống nghiêm ngặt”. Bác sĩ Bertrand Ruullier-Mrion xác nhận: “BTĐ là một bệnh phức tạp, bắt người bệnh phải biết xử lý khéo léo nhiều dữ kiện mà rất tiếc là ít ai học để biết cách xử lý hàng ngày. Ví dụ tác dụng của ăn uống, tập thể dục, trạng thái tình cảm và cụ thể nhất là insuline trong cơ thể”.
Cha mẹ các em bị BTĐ lúc đầu có mất phương hướng, sau rồi cảm thấy có tội nếu con cái mắc bệnh này mà không có hiểu biết đầy đủ. Một số khác thì cảm thấy khó khăn khi yêu cầu con mình tự điều chỉnh lối sống. Khi nói về trường hợp của em Emelyne, bà Valérie nói: “BTĐ đã cướp tuổi thơ hồn nhiên của Emelyne”. Dưới sự giám sát của bác sĩ, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra khó chịu trước những yêu cầu khắt khe đôi khi quá đáng của họ. Nhà nội tiết học Kerdanet nói: “Thật là điên! Sự thật không cần phải cấm hoàn toàn cái gì có chất ngọt, làm như thế là “tra tấn” các em. Nên nhớ rằng 10 gam bánh mì cũng sẽ chuyển hóa thành glucose trong dạ dày. Cấm hoàn toàn chất ngọt là vô nghĩa. Vấn đề là biết ăn như thế nào? Ví dụ như ăn một ít sau bữa cơm, thì cũng được”. Bà Kerdanet cho biết thêm: “Đừng phân biệt quá đáng chế độ ăn của gia đình với chế độ ăn của trẻ em bị BTĐ. Hãy để cho các em đó sống bình thường như mọi người, đừng làm cho các em cảm thấy tủi thân. Người lớn có trách nhiệm lựa chọn khéo léo thực đơn hợp lý, mọi người đều chấp nhận, và ăn chung với các em bị BTĐ. Đừng để các em mặc cảm như mình là “người đặc biệt””.
 Phan Thanh Quang (theo L’Express)

Bình luận (0)