Ở Pháp chương trình truyền hình BabyFirst cho trẻ em tuổi mẫu giáo (TMG) đang dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới các nhà sư phạm và tâm lý. Có người bênh vực, có người phản đối; ta hãy nghe lập luận của hai phía…
“Hãy cho các bé xem truyền hình ngay từ bây giờ”. Đó là lời khuyến cáo của hệ thống truyền hình BabyFirst. Chương trình này phát ra từ nước Anh, phổ biến ở Pháp từ tháng 10-2007, sau nước Mỹ 4 năm.Thực ra ở nước Mỹ đã có khoảng 15 kênh cho TMG. Năm 2005, BabyTV là kênh đầu tiên dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. BabyFirst nhằm đối tượng là khán giả dưới 6 tháng với lời khuyến cáo cha mẹ chúng: chương trình này không phải thay thế bảo mẫu, chỉ nhằm dỗ cho các cháu khỏi khóc, quấy, mà là một công cụ sư phạm tuyệt vời, chưa từng có, cho thế hệ này và các thế hệ sau…”. Ở Pháp chưa có những chương trình dành cho các em bé dưới 4 tuổi, nên BabyFirst được các bậc cha mẹ chú ý.
Chương trình BabyFirst có khoảng 60 buổi phát ngắn, mỗi buổi kéo dài khoảng vài phút thôi, vì sức tập trung của bé chỉ ở mức đó. Giọng phát thanh phải rõ, âu yếm, dễ nghe, lời phải cụ thể, rất ngắn; không mảy may có hình ảnh gây sốc, bạo lực, hoặc xen vào vài cảnh quảng cáo. Chương trình phải đạt được yêu cầu là “phương tiện giáo dục phụ trợ”, nhằm làm cho trí não các bé hoạt động, và trí nhớ có cơ hội tập luyện. Đối với trẻ lớn hơn một chút (2 tuổi trở lên) chương trình cũng nhằm giúp các bé khả năng tượng trưng hóa (cái gối biết gọi em đi ngủ, bình sữa mời em bú…), tập làm tính, và tập đọc nữa, vì hình ảnh hiện ra rất chậm, rất lâu, trước khi chữ hiện ra. Tóm lại BabyFirst muốn là một “truyền hình tích cực” , có tính giáo dục, và “đánh thức”, nhằm thay đổi môi trường nghèo nàn, đơn điệu xung quanh em bé, và những trò chơi khác nhàm chán. Hơn thế nữa BabyFirst muốn phát triển ở bé những khả năng xã hội, bằng cách cho bé học làm theo những nhân vật trên màn ảnh. Bé sẽ nghe thấy vui thích khi giao lưu với người đối thoại một cách tùy ý bằng cách điều khiển từ xa.
Ý đồ tốt của BabyFirst là như vậy, nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Nhiều nhà sư phạm và tâm lý đã vạch ra những điều bất cập và hạn chế của nó, thậm chí còn công kích, đòi dẹp bỏ BabyFirst. Các nhà tâm lý trẻ em Jean Piaget và Je1rome Bruner cho rằng giáo dục TMG đâu có phải là cho chúng ngồi xem, nghe một cách thụ động, hoặc bắt chước, mà phải cho chúng giao lưu, đối thoại, tác động lên ngoại cảnh. Cái tác hại của BabyFirst không phải nằm trong nội dung, mà là ở chỗ cách truyền đạt không đếm xỉa gì đến phản ứng của bé (cảnh cứ diễn ra trên màn hình dù bé có muốn hay không). Có phải tâm lý và tâm trạng của bé nào cũng giống nhau trong cùng một thời điểm! Nhiều thí nghiêm đã chứng tỏ: khi bé thấy nhân vật trên màn hình là mẹ nó thì nó cười vui, nhưng nếu là người lạ thì nó sợ hãi, bối rối gọi mẹ ngay. Điều đó chứng tỏ sợi dây liên hệ giữa nhân vật trên màn hình với bé rất mong manh, vì nhân vật đó vô cảm với cảm xúc tức thời của bé. Bé cần chơi với búp bê, ô tô, chó bông, gấu…, nhất là cần sờ mẹ, ngửi hơi mẹ, nghe tiếng mẹ, và mẹ đáp ứng tức thì yêu cầu của bé. Điều này thì BabyFirst đành bó tay! Rõ ràng cơ sở khoa học của các chương trình chưa được nghiên cứu và lý giải đầy đủ. Các nhà tâm lý và sư phạm còn đi xa hơn nữa: Liệu cứ “oanh tạc” vào đầu non nớt, mong manh của các bé những cảnh và người vô cảm như thế có làm hại sự phát triển tự nhiên lành mạnh của trí tuệ của các em sau này không? Trong khi chờ đợi một sự nghiên cứu khoa học hơn, thấu tình đạt lý hơn, Tổ chức Truyền thông cho trẻ em của châu Âu đề nghị tạm cấm các chương trình này của BabyFirst. Trên internet nhà phân tích và chữa trị tâm lý Tisseron, với sự đồng tình có 26000 chữ ký, đề nghị tạm dừng các chương trình BabyFirst. Dư luận ở Canada cũng bị đánh động về vấn đề này, họ đòi duyệt lại hết tất cả các chương trình truyền hình cho trẻ em.
Baby First cũng có một chỗ dựa là “hội đồng cố vấn quốc tế” của các nhà nghiên cứu tâm lý. Họ chỉ yêu cầu các chương trình “cân bằng và có trách nhiệm”, tạo điều kiện giao lưu giữa cha mẹ và các bé. Tuy vậy ở Mỹ, Viện Hàn lâm nhi khoa đề nghị dừng hẳn các chương trình của BabyFirst. Nhưng thật quá muộn! Ở Mỹ, 58% trẻ em từ 3 tuổi trở xuống xem truyền hình mỗi ngày một giờ; 30% trẻ em có truyền hình riêng trong phòng, 66% biết tự mình bật máy, 70% có bắt chước nhân vật trên màn ảnh, 27% có bị ảnh hưởng bạo lực. Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn, trong khi trẻ em ở 50 nước ở Bắc Mỹ, châu Âu , châu Á vẫn xem các chương trình một cách vô tư.
Vấn đề không phải là để hay dẹp bỏ chương trình truyền hình cho các bé, vì điều đó đi ngược với xu thế hiện đại hóa phương pháp giáo dục, mà phải nghiên cứu toàn diện hơn, sâu sắc hơn tác dụng thực sự của các chương trình lên sự phát triển của trẻ em trong tương lai.
Phan Thanh Quang tc "phan thanh quang"(Theo Sciences Humaines số 193)
Bình luận (0)