Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng hãy là người gương mẫu

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi từng được nghe hiệu trưởng một trường THPT tư thục nói với các giáo viên trong trường rằng: “Học sinh hư là tại thầy cô, thầy cô hư là tại ban giám hiệu”. Câu nói đó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa đối với những ai gắn mình với sự nghiệp trồng người. Nghe được lời nói ấy, chúng tôi tự nhủ lòng mình càng cố gắng hơn nữa về cả trí tuệ lẫn tâm hồn (giỏi chuyên môn và đẹp tâm hồn) khi dạy học sinh. Bởi, người thầy giỏi không chỉ dạy cho học sinh những câu chữ có sẵn (kiến thức chuyên môn) mà dạy bằng cả tâm hồn mình.

Học sinh hư lỗi do ai? Một câu hỏi đặt ra không có gì là khó trả lời. Do nhiều yếu tố, trong đó có những người hàng ngày đối diện với các em, đó chính là chúng tôi – những người thầy đang đồng hành cùng học sinh. Khi học sinh hư, chúng ta tự hỏi bản thân mình đã hiểu các em chưa? Đã hết mình vì các em chưa? Chúng ta có trăn trở khi một học sinh hư? Chúng ta có phải là tấm gương sáng thực sự trong tâm hồn các em chưa?… Học sinh hư một phần tại giáo viên. Đúng thế. Điều đó để nói đến vai trò và trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh. Đã gắn bó với nghề dạy học thì người thầy càng gánh vác trọng trách lớn đối với đất nước, bởi các em có thành nhân và thành danh thì mái trường chính là cái nôi, cái nền và thầy cô chính là người cha, người mẹ của các em.

Thầy cô hư lỗi tại ban giám hiệu? Tôi nghĩ rằng, quả là như thế. Nếu ban giám hiệu, những người chèo lái con thuyền giỏi và tâm huyết thì đội ngũ giáo viên kính nể và noi theo. Và như vậy, khi giáo viên giỏi và tận tụy với học sinh, ắt nền giáo dục sẽ gặt hái được nhiều hương thơm, trái ngọt; khi ban giám hiệu là tấm gương trong sáng, ắt sẽ tạo được nhiều tấm gương hết mình vì học sinh thân yêu. “Học sinh hư là tại thầy cô, thầy cô hư là tại ban giám hiệu”. Suy rộng ra, ban giám hiệu là tấm gương phản chiếu cho thầy cô và thầy cô là tấm gương phản chiếu cho học sinh. Được như vậy thì môi trường học đường mới thực sự là “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là kiến thức mà còn rất nhiều yếu tố khác như: kỹ năng sống, giáo dục tâm hồn. Giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là lý thuyết suông mà phải gắn liền với những việc làm thiết thực. Có như vậy, học sinh mới đặt niềm tin ở thầy cô, ở mái trường các em theo học.n

Hoàng Thái Hùng

Bình luận (0)