Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Teen và câu chuyện về “Giới tính thứ 4”

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi là ai? Chính xác hơn, tôi là cái gì? Tôi không thích con trai, nhưng chẳng phải les…”, sau 2 năm phát hiện ra sự khác lạ của mình, H (sinh năm 1990) vẫn còn day dứt với câu hỏi đó.

Bắt đầu từ năm 15 tuổi, khi những cô bạn thân tíu tít kể về những rung động đầu đời, nào là để ý cậu này, nhớ nhung cậu nọ, thì H (sn1990) vẫn “bình chân như vại”. Khi đó, một lần vô tình thấy một đôi đang mải mê… kiss nhau, H bỗng thấy lờm lợm ở cổ họng, và ngay lập tức chạy ra wc nôn thốc tháo. Lần khác, một cậu bạn lớp bên thích H, ngày 8-3 có tặng quà và cố tình cầm tay H. Ấn tượng đầu tiên ở cái tuổi mới lớn mà H nhớ rõ nhất, đó là “Cầm tay bạn ấy, mà tôi thấy ngứa ngáy khó chịu, tôi giằng tay và… chạy mất, rơi cả hộp quà!”.

Các năm học tiếp theo, không ít con trai ngỏ lời với H nhưng chỉ sau 1, 2 lần đi chơi cùng nhau, H đã tìm mọi cách để lảng tránh. Tưởng mình bị “les”, H cũng đã thử quen vài cô gái, thử “thiết lập tình cảm” nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Đã có lúc H hoảng loạn thực sự, tại sao trong khi bạn bè đều có đôi có cặp, thì H vẫn cứ “trơ” ra như gỗ đá. Đi với con trai, H chỉ dửng dưng lạnh lùng và không có chút xao xuyến như những đứa con gái khác. Ở cạnh con gái thì chẳng khác gì một cô bạn hoàn toàn bình thường. Đã có lúc, vì quá bức bách không biết tâm sự với ai, H đã lang thang suốt đêm dưới cái lạnh cắt da cắt thịt rồi hỏi đi hỏi lại: “Tôi là ai? Chính xác hơn, tôi là cái gì? Tôi không bình thường, chẳng ai giống tôi cả…”.

Sau 2 năm cố tìm câu trả lời cho giới tính của mình, H đã phát hiện sự khác lạ trong cơ thể được định nghĩa dưới cụm từ “Giới tính thứ 4”. Không phải gay, chẳng phải les, càng không phải “hifi”, cảm giác về người khác phái đối với H là “hai đường kẻ song song, chẳng bao giờ gặp nhau tại 1 điểm”.

Trường hợp của T.B (sn1989) lại nhiều người biết hơn, bởi B công khai trên blog về giới tính khác lạ của mình. Là con trai, cũng thích con gái xinh như bao thằng bạn khác, cũng đã từng gọi điện buôn chuyện, nhắn tin cả đêm để cưa cẩm vài nàng”. Nhưng mọi chuyện chỉ bắt đầu khi B đi chơi cùng, ngồi cạnh và làm cái việc đơn giản nhất là cầm tay bạn gái… “Tôi rùng mình, mọi biểu hiện lãng mạn biến mất vì cảm giác như tôi đang cầm tay… mẹ vậy.”. Vì muốn tìm cho ra “bệnh” của mình mà B đã cố thử hôn một cô bạn gái rất xinh, đang là “mục tiêu” của đám con trai trong lớp. “Nhạt thếch, đó là cái mà tôi cảm nhận khi ôm hôn cô ấy… Sau đó, tôi không còn tìm cách ở cạnh một cô gái nữa!”, B đã tâm sự trên blog về “hành trình” đi tìm giới tính như vậy. 
Khi đã hiểu rõ về mình, B dành thời gian quan tâm đến học hành, thể thao và phim ảnh hơn. Cậu không có bạn gái, nhưng không vì thế mà “cặp kè” với gay. B thấy khó chịu mỗi khi có ai đó “đụng chạm” đến người (nhất là con gái), và khi bọn bạn cùng lớp tò mò nói về “ảnh nóng” hay “phim đen”, lập tức B khó chịu và kêu “Kinh tởm!”. Bản thân cậu không biết tại sao con người ta lại cần đến hẹn hò, yêu và… hôn đến vậy, cuộc sống với B hiện giờ thật thoải mái. Ngày trước, B cũng từng bị hoảng loạn vì không tin có ai trên đời này giống cậu, nhưng qua tìm hiểu, B biết những trường hợp “vô tính” như thế không phải là ít.

Nhiều teen đang rất cô đơn vì giới tính kỳ lạ của mình (Hình minh hoạ)

Khi B công khai chuyện ấy, thì chính cô bạn học cùng lớp cấp 3 là người comment đầu tiên: “Tớ cũng giống cậu vậy!”, chỉ có điều vì sợ người khác đánh giá nên có lúc H.Ly (tên bạn ấy) đã “cố” yêu một người. Ly kể, mỗi lần hôn nhau hay thể hiện “ôm ấp” đối với Ly như cực hình, mặc dù anh ấy rất hoàn hảo và Ly cũng có tình cảm. Sau vài lần từ chối hôn, anh người yêu tưởng Ly bị… dở hơi, đã đề nghị chia tay. Biết rằng chẳng có chàng trai nào chấp nhận thứ tình yêu chỉ có cầm tay và… nhìn nhau, Ly đành ngậm ngùi chôn chặt khái niệm yêu bởi đã mang trong mình “giới tính thứ 4”.

Nỗi sợ hãi của những người “Vô tính”

Những người thuộc “Giới tính thứ 4” đều có cơ thể phát triển rất bình thường, không phải đồng tính nhưng không thể yêu, có ham muốn hay sự lãng mạn với người khác giới. Khoa học gọi đó là “vô tính” (Asexual). Đó chưa hẳn là một dạng bệnh cần phải chữa, mà chỉ đơn giản là giới tính khác lạ giống như dân đồng tính thời gian đầu vẫn chưa được chấp nhận.

Thường thì những bạn như H, B hay H.Ly không sớm thì muộn đều biết và tìm cách chấp nhận bản thân. Họ không có nhu cầu tìm bạn khác phái, sống yên ổn với những niềm vui thích cá nhân, quan tâm đến gia đình và chính mình hơn. Nhưng không giống B dám công khai giới tính lạ kỳ của mình trên blog, hầu hết các bạn trẻ đều giấu kín trong nỗi cô đơn được cho là “cố hữu” của những người không may mắn phải chịu cuộc sống vô cảm. Và nếu không may bị người ngoài “khám phá”, họ sẽ phải chịu cái tiếng “Điên, dở hơi, không bình thường…”, bởi không phải ai cũng hiểu và thông cảm được.

Anh người yêu cũ của H.Ly, sau khi đoán già đoán non ra giới tính của Ly đã không những thông cảm mà còn đi “bôi” hình ảnh của Ly như một kẻ bệnh hoạn: “Cô ta chẳng khác gì cái cây, bệnh lắm!”. Còn gia đình của H thì đưa con đi khắp nơi để chạy chữa, mang tới hàng chục “thầy” để xem số mạng vì sợ H bị “cậu” nào nhập vào!!

Có lẽ, nỗi sợ hãi của những người “vô tính” như Ly không nằm ở cuộc sống cô đơn họ phải gánh chịu cả đời, mà chính vì sự day dứt không dám thổ lộ bởi không được bạn bè hay người thân thông cảm. Và cứ thế, họ lại một lần nữa phải chôn chặt sự thật về “Giới tính thứ 4”…

Theo kênh 14

Bình luận (0)