Hội nhậpGiáo dục phát triển

Giáo dục miền sơn cước

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo thiếu úy BĐBP Phàng A Mang ở bản Bún, xã Tân Xuân

Tôi chợt thắc mắc “sao không thấy trường học mà lại nghe có tiếng hát véo von của học sinh ở đâu đó vọng lại..?”. Như đoán hiểu những thắc mắc của tôi, Thiếu uý Lí A Tú, cán bộ tổ công tác Biên phòng tại Hua Lạnh bước nhanh hơn về phía mấy mái lều tranh, vách đất nằm trên đỉnh Hua Lạnh. ở đây, một lớp học có hơn 30 học sinh, với trang thiết bị đạt tới tiêu chuẩn “ngàn sao” hiện ra trong làn sương trắng mờ. Đó là một trong số nhiều hình ảnh chúng tôi đã tận mắt thấy trong chuyến công tác các tuyến biên giới miền núi Sơn La vừa qua. Ngày 01/9/2008, Sơn La đã được công nhận là địa phương đạt chuẩn về giáo dục. Nhưng thực tế trên các tuyến miền núi, vẫn còn đó chồng chất những khó khăn mà các thầy các cô ở các trường và điểm trường phải vượt qua mỗi ngày để có thể “gánh gồng” từng con chữ đến với mỗi học sinh nơi đây.

Bình minh trên đỉnh Hua Lạnh

Hua Lạnh, dịch theo tiếng Mông có nghĩa là nơi bắt đầu của con suối mát, bản Hua Lạnh là một bản vùng cao giáp biên giới với nước bạn Lào của xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp – Sơn La). Cả bản có trên 60 hộ dân với gần 500 nhân khẩu, toàn bộ bà con ở đây đều là người dân tộc Mông theo đạo Tin lành. Những năm trước, nơi đây không chỉ là điểm nóng về an ninh trật tự mà còn là nơi có tình trạng người dân di cư tự do và xuất cảnh trái phép qua biên giới nhiều nhất của tỉnh Sơn La. Sở dĩ có tình trạng này là do điều kiện ở đây rất khó khăn, không những là điểm “trắng” về điện, đường, trường, trạm… mà đất canh tác ở đây do đã khai thác từ lâu, nay cũng trở nên khô cằn. Nguồn thu nhập chính của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào cây sắn, cây ngô, nông sản của bà con làm ra nhưng lại không có nơi tiêu thụ, vì chưa có đường nên xe ôtô của thương lái không thể vào thu mua. Từ trung tâm xã Nậm Lạnh vào tới bản chỉ khoảng hơn 2 chục km, nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ ngồi xe máy do những tay lái có hạng điều khiển thì mới có thể vào tới bản. Đó là vào mùa khô, khi trời nắng tạnh, còn nếu trời mưa thì chỉ có nước leo bộ mới đến được nơi đây. Hàng năm, vẫn còn có tới trên 50% số hộ trong bản thiếu ăn từ 3 đến 6 tháng, đa phần bà con trong bản thuộc diện hộ nghèo và đặc biệt nghèo, đời sống sản xuất tự cấp tự túc là chính. Quá nhiều khó khăn như vậy nên việc học hành của con em đồng bào nơi đây chịu ảnh hưởng. Tính đến nay, cả bản Hua Lạnh mới chỉ có duy nhất một em theo học tới hết lớp 9, chưa có em nào học hết cấp 3. Từ năm 2002 đến nay tại bản đã có lớp học mầm non và các lớp 1 đến lớp 4, do các thầy cô giáo của các trường trong xã Nậm Lạnh, phòng Giáo dục huyện Sốp Cộp thay phiên nhau “cắm bản”. Một buổi lên lớp của các thầy cô ở đây cũng thật đặc biệt bởi nó được bắt đầu vào khoảng 5h30 đến 9h sáng, khi mà sương mù còn chưa tan và mặt trời thì chưa nhô cao qua đỉnh núi. Sở dĩ phải như vậy vì khi sương mù tan thì cũng là lúc các em phải về để cùng bố mẹ đi làm nương, hoặc là đi chăn thả trâu bò, đi vào rừng kiếm củi, các em nhỏ hơn thì phải trông em… Hiện điểm trường mầm non ở bản Hua Lạnh có khoảng 40 em và điểm trường tiểu học có khoảng 65 em. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy Hà Văn Hanh, tổ trưởng tổ giáo viên “cắm bản” ở đây bộc bạch: “Sở dĩ phải dùng từ “khoảng” là vì các em thường xuyên phải nghỉ học do rất nhiều nguyên nhân, nhất là sau mỗi lần di cư, hoặc sau mùa đính hôn…lấy vợ lấy chồng”. Mùa di cư của đồng bào ở đây thường diễn ra từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, các em phải theo gia đình chuyển sang Mường Nhé – Điện Biên hoặc sang các địa phương khác nên việc học cũng bị bỏ dở. Còn nữa, tập tục lấy vợ gả chồng sớm của người Mông ở đây cũng còn khá phổ biến, có em hôm trước vẫn đi học bình thường nhưng hôm sau thấy nghỉ học, thầy cô tìm đến nhà thì được gia đình cho biết em đã lấy chồng rồi nên không được đi học nữa… Từ năm 2006 tới nay, nhờ sự phối hợp của tổ công tác Bộ đội Biên phòng – đồn Biên phòng Nậm Lạnh, và chính quyền địa phương nên tình trạng di cư tự do của bà con đã có phần lắng xuống. Nhưng tình trạng học sinh bỏ học thì vẫn chưa hề giảm, mỗi khi có em nghỉ học thì các thầy, cô lại phải lặn lội tìm đến tận nhà để vận động cha mẹ cho các em tiếp tục đến lớp. Các thầy, cô giáo ở đây đều phải biết tiếng Mông, ai chưa biết thì phải tranh thủ học lẫn nhau hoặc phải học qua các em học sinh mới có thể vận động được cha mẹ học sinh và dạy chữ cho con em của họ…

Phải “đắn đo” mãi các thầy cô ở Hua Lạnh mới mời chúng tôi vào thăm “nơi ăn chốn ở” của mình. Một cái lán rộng khoảng hơn chục mét vuông, lợp bằng cỏ tranh và xung quanh quây bạt là nơi ăn ở của 6 thầy cô giáo, mặc dù lúc này ngoài trời đang nắng nhưng trong lán thì vẫn phải đốt nến mới có thể nhìn tỏ mặt từng người. Không có điện, không có bất cứ một phương tiện nghe nhìn nào, và tất nhiên là không có cả sóng điện thoại… Vì Sao Mai, quê ở huyện Sông Mã, sinh năm 1986, vừa tốt nghiệp khoa Giáo dục Mầm non, Trường cao đẳng Sư phạm Sơn La năm 2007, là cô giáo trẻ tuổi nhất ở đây. Mai tâm sự: “Thời gian đầu lên đây buồn lắm anh ạ, em chỉ muốn bỏ về vì nhớ nhà, nhớ bạn bè và còn cả sợ vắt cắn nữa. Các anh chị ở đây động viên giúp đỡ nhiều nên nay em đã vững tâm hơn, nhưng vẫn còn sợ mỗi lần đi kiếm củi bị vắt chui vào người cắn”. Do chưa đi được xe máy ở đường này nên khoảng một tháng Mai mới đi nhờ các anh chị ở đây về nhà một lần, khi về rồi thì chỉ sợ trời mưa, sẽ không thể lên bản cho kịp thời gian lên lớp. Cô giáo Phạm Thị Xuân, quê ở Hà Tây, sinh năm 1976, đã có 12 năm tuổi nghề và 2 năm “tuổi bản”, khi nói chuyện với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình mà nước mắt cứ ứa ra vì nhớ con, thương chồng vất vả chăm sóc hai con nhỏ ở dưới huyện. Cũng vì thế mà Xuân đã quyết tập đi xe máy trên đoạn đường đầy những nguy hiểm này để hàng tuần được về thăm con, dù biết chỉ sơ xuất một tí là cả người và xe sẽ nằm gọn dưới vực thẳm… nhưng tuần nào chị cũng về cho dù là trời mưa, phải đi bộ mất cả ngày.

Cũng chung một niềm tâm sự như bao thầy cô giáo vùng cao khác, thầy Bùi Văn Xứng, hiệu trưởng trường cấp hai Nậm Lạnh chia sẻ: Các thầy, cô giáo vùng cao còn nhiều vất vả lắm, hàng năm muốn có học sinh để dạy thì trước khi vào năm học, các thầy cô phải chia nhau đến từng nhà để vận động phụ huynh. Có em đến học được mấy buổi rồi lại nghỉ vì học không hiểu và không biết tiếng phổ thông. Tình trạng học sinh vùng cao bị mù tiếng phổ thông hiện nay vẫn còn tương đối phổ biến, thực tế này cũng là một trong những khó khăn mà không phải một tháng, một năm đã có thể khắc phục được ngay.

Tân Xuân – mùa xuân đến muộn

Chia tay các thầy, các cô ở bản Hua Lạnh, chúng tôi “xuống núi” về cao nguyên Mộc Châu để lên với xã Tân Xuân, đây cũng là một xã vùng sâu biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn, với hơn 5 km biên giới giáp nước bạn Lào, và cũng là một trong những xã thuộc diện “4 trắng” của Sơn La hiện nay. Từ thị trấn Mộc Châu vào tới trung tâm xã phải trải qua một đoạn đường dài hơn 50 km, và cũng là đường “đồng cấp” với đường vào Hua Lạnh ở Sốp Cộp. Có lần ôtô tải chuyên dụng chở vật liệu vào đây để xây dựng nhà trụ sở uỷ ban xã Tân Xuân đã bị lật cả xe lẫn người xuống vực, người chết, xe tan, và kể từ đó chẳng có lái xe nào dám liều mạng đưa xe vào nơi “ thâm sơn cùng cốc” này nữa, tất cả đều phải đợi tới mùa khô thì ôtô tải mới vào được. Không có đường để ôtô đưa vật liệu vào thì không thể kiên cố hoá trường lớp cũng như những công trình phục vụ nhu cầu dân sinh khác. Cũng không thể làm cho kinh tế của người dân ở đây phát triển khi mà nông sản làm ra ngoài nhu cầu để ăn thì cũng không bán được cho ai mặc dù với giá rẻ như cho. Hiện xã có 3 dân tộc chủ yếu là Mường, Thái, Mông, chia làm 9 bản với 664 hộ và 3655 nhân khẩu, trong đó có tới 519 hộ nghèo, số còn lại là hộ trung bình, số hộ khá chỉ tính trên đầu ngón tay. Số trẻ em trong độ tuổi đến lớp là hơn một nghìn, nhưng trên thực tế thì con số trẻ hiện đang theo học mới chỉ khoảng trên 500 em ở cả hai cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tân Xuân là xã mới được chia tách từ xã Xuân Nha cũ từ tháng 6 năm 2007, do vậy nên tất cả cơ sở hạ tầng của xã dường như chưa có gì, trường học tạm bợ, giáo viên thiếu ở tất cả các cấp học. Hầu hết các trường và các điểm trường đều là tranh tre, nứa, lá do bà con nhân dân và các chiến sỹ bộ đội Biên phòng phối hợp dựng lên. Hơn một năm qua kể từ khi chia tách xã, bên cạnh những cố gắng của chính quyền địa phương thì lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh đóng vai trò quan trọng trong công tác giúp bà con đồng bào xoá mù chữ. Những lớp học do các thầy giáo quân hàm xanh đảm trách ở mỗi bản của xã Tân Xuân, đã thực sự đem lại hiệu quả. Qua những lớp học buổi tối này, một số lượng lớn bà con đã biết chữ, ngoài ra còn có cả những em đã quá tuổi đi học ở trường cũng có thể theo học ở đây. Không cứ già hay trẻ, nhiều gia đình có cả vợ, chồng và con cùng theo học như trường hợp gia đình chị Giàng Thị Mỉ 42 tuổi ở bản Bún Láy cùng là học sinh của thầy giáo Thiếu uý Phàng A Mang, Đội công tác giúp dân của BĐBP Sơn La. Từ khi chia tách xã, đứng trước những khó khăn về cơ sở vật chất và trình độ dân trí của nhân dân, Bộ chỉ huy BĐBP Sơn La đã xây dựng đề án giúp bà con nhân dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức và cải thiện đời sống. Thượng tá Nguyễn Văn Việt, đội trưởng đội công tác cho biết: Hơn một năm qua, Đội công tác BĐBP đã mở được 4 lượt lớp, xoá mù chữ cho hơn 200 người, chủ yếu là đối tượng thanh, thiếu niên. Phần lớn bà con theo học rất tự giác, số lượng học viên ở mỗi lớp khi bế giảng bao giờ cũng cao hơn khi khai giảng bởi có nhiều người khi đăng ký học thì còn ngần ngại nhưng đến khi được vận động và thấy nhiều người cùng theo học nên cũng tự nguyện tham gia, do đó mà số lượng học viên ở mỗi lớp xoá mù liên tục tăng… Chúng tôi ghé thăm lớp học của thầy giáo – Thiếu uý Phàng A Mang tại bản A Lang, dưới ánh đèn khi mờ, khi tỏ và làn sương núi lạnh, gần 40 học viên cả già lẫn trẻ vẫn chăm chú dõi theo từng lời giảng của thầy giáo mặc dù đã gần 21 giờ… Cầm quyển sách giáo khoa trên tay, vừa bế đứa con nhỏ, chị Giàng Thị Chăm 38 tuổi ở bản Láy đã đọc khá thành thạo từng câu, từng chữ với tâm trạng rất vui và phấn khởi. Chị cho biết: “được học cái chữ mình rất vui, giờ đây khi đi chợ mình đã biết tính tiền mà không sợ bị trả nhầm…”

Lớp học mầm non ở trung tâm xã của cô giáo Lê Thị Hồng cũng là một trong những hình ảnh gây cảm động thực sự cho mỗi ai tới đây. Một căn nhà phên lứa, mái cỏ, nền đất ẩm thấp là nơi học tập và ăn ngủ của hơn 40 học sinh mầm non. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng các cấp chính quyền cũng đành bó tay và tất cả đều phải trông đợi vào mấy tháng mùa khô, việc vận chuyển vật liệu phục vụ xây dựng mới có thể tiếp tục được.

Được biết hiện nay dự án mở đường vào Tân Xuân đã đang được triển khai xây dựng nhưng vẫn còn trong tình trạng khá chậm chạp do nhiều nguyên nhân, với tổng số trên 50 km nhưng mới chỉ làm được hơn 10 km. Tất cả mọi hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Tân Xuân hiện nay đều phụ thuộc và trông đợi vào hệ thống đường giao thông ở đây. Một mùa xuân đã đến nhưng các em nhỏ ở Tân Xuân cũng như những vùng núi cao của các huyện miền núi Sơn La vẫn còn phải lặn lội qua đèo, qua suối trong giá rét và sương lạnh để đến trường. Những ngôi trường, điểm trường vẫn ngày đêm bị mưa rừng, sương núi thổi trong hiu hắt. Các thầy, cô giáo, các em học sinh cũng như nhân dân ở những vùng núi nơi đây đang thật sự cần những bàn tay cùng chung sức cho sự nghiệp đưa ánh sáng văn hoá đến với từng làng, bản.

Theo GD&TD

Bình luận (0)