Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phút lầm lạc của thiếu nữ 16 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Em bỏ ngoại đi bụi, chấp nhận sống chung với kẻ hơn mình chục tuổi sau vài lần gặp mặt. Em lao vào cuộc tình ấy như thiêu thân, không chút đắn đo, suy nghĩ. Năm đó em 16 tuổi.
Hình minh họa. Ảnh: PL TP HCM
16 tuổi, ba mẹ ly dị, em sống cùng ông bà ngoại. Một cái tuổi đủ khôn để em hiểu ly dị là gì và cũng đủ để cảm nhận cú sốc quá lớn trong đời. Dường như xuất phát từ đây, cuộc sống, lối suy nghĩ của em đã thay đổi.
Ở cùng ngoại nhưng ngoại nào có thay được vòng tay ôm ấp của mẹ, sự dạy dỗ của cha. Em nhớ những bữa cơm ấm cúng cùng cha mẹ, nhớ sự la mắng của cha mỗi khi làm sai điều gì. Nhớ lúc xưa em có thể giận dỗi khóc mỗi khi cha đánh nhưng giờ em có muốn nghe một câu nặng lời của cha cũng không thể. Nhìn các bạn đồng trang lứa, nhìn tổ ấm của người khác, em đau và thấy tủi cho mình.
Thế rồi chỉ vài tháng sau, em lao vào cuộc sống buông thả. Em bỏ ngoại đi bụi, chấp nhận sống chung với kẻ hơn mình chục tuổi sau vài lần gặp mặt. 16 tuổi – cái tuổi quá nhỏ để em nhận thức được cái khó, cái khổ của cuộc sống chung đụng như vợ chồng. Em lao vào cuộc tình ấy như thiêu thân, không chút đắn đo, suy nghĩ. Nhưng 16 tuổi, không nghề nghiệp, không học vấn thì em nào biết hết một khi đã sống chung thì có bao nhiêu thứ để lo, đặc biệt là mối lo về cơm áo gạo tiền. Cứ thế cuộc sống khốn khó đè lên em để rồi em phải cùng người ta lao vào con đường buôn bán ma túy. Trước là để kiếm tiền tồn tại và sau là tiêu xài cho những thú vui xa xỉ…
Mới ngày nào em còn phải ở căn nhà trọ thuê tồi tàn, rách nát nhưng từ khi sa vào buôn bán chất trắng thì em có thể ở khách sạn hạng sang, đi mua sắm, nhà hàng và hưởng thụ những thú ăn chơi mà có lẽ trước đây em chưa bao giờ dám mơ tới.
Trước đây em có ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương của ngoại, có sự đùm bọc của bà con lối xóm dù có chút khốn khó. Nhưng giờ em phải ngồi trong song sắt, nắm thanh sắt mà nhìn ra ngoài. Đó là cái giá của việc em phạm tội. Em chỉ có thể nhớ ngoại, nhìn ngoại cùng người thân trong trí óc, em không thể nhìn và ôm ngoại trong vòng tay.
Và trên hết, nỗi đau mà em đang âm ỉ, rỉ máu trong lòng lúc này chính là đứa con mà em rứt ruột mang nặng đẻ đau. 17 tuổi làm mẹ, cái giá em phải trả cho cuộc tình thơ dại và ngốc nghếch. Ngày bị bắt, em đâu chỉ khóc cho sai lầm của mình, em còn phải rơi nước mắt cho sinh linh bé nhỏ trong bụng nữa.
Từ ngày sinh con trong trại giam cho đến giờ, con của em đã được ba tháng tuổi. Nhưng sinh con trong trại giam là một điều em không nghĩ tới và có lẽ em cũng không dám nghĩ tới.
Trước tòa, em rơi nước mắt mà không nói nên lời. Khi chủ tọa hỏi: “Bị cáo chưa đủ 18 tuổi mà sống chung với người ta, tại sao bị cáo lại làm vậy?”, thì em chỉ im lặng – cái im lặng thật nghẹn ngào.
Bị cáo cột mái tóc cao để lộ vầng trán dô bướng bỉnh, đôi mắt to tròn quay lại nhìn phía sau để tìm bóng dáng người thân. Đôi mắt ấy đã sưng húp cả lên bởi những đêm thao thức không ngủ vì nhớ đứa con bé bỏng của mình.
Kết thúc phiên tòa, chủ tọa đã nói một câu như thức tỉnh em: “Tình yêu mù quáng, thiếu suy nghĩ đã làm em khổ.” Em cũng đã nghẹn lời: “Bị cáo rất hối hận vì những sai lầm liên tiếp của mình. Bị cáo chỉ mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho bị cáo để bị cáo về nuôi con, bị cáo nhớ con lắm”.
Cuối cùng, tòa đã tuyên phạt em 5 năm tù tương xứng với hành vi phạm tội của em. Em cúi đầu chấp nhận. 5 năm có lẽ quá dài với nỗi đau nhớ con nhưng đủ để em nhìn nhận lại bản thân mình.
(Theo Pháp Luật TP HCM)

Bình luận (0)