Nguyễn Thanh Thảo (x) tại lớp thêu |
“Thảo “tay trái”, cái áo của mình đứt nút rồi, cậu đơm giùm mình nhé”. “Ừ. Cậu để đấy, mình đơm cho”. Sở dĩ Thảo được các bạn trong phòng tin cậy giao cho việc may vá, bởi Thảo là học viên của lớp thêu…
1. Vào lớp thêu của Trung tâm Dạy nghề Người khuyết tật & Trẻ mồ côi (H.Hóc Môn, TP.HCM), tận mắt chứng kiến những con người tàn tật đang cặm cụi thêu thùa, chúng tôi phần nào hiểu được sự nỗ lực của họ. Người thì câm, kẻ lại điếc, cụt tay, què chân… thế nhưng những đường kim mũi chỉ của họ rất sắc nét, không thua kém một người lành lặn nào.
Nguyễn Thanh Thảo (SN 1986) luôn là tâm điểm của lớp, không chỉ bởi sản phẩm của Thảo đẹp mà vì em là mày râu duy nhất trong lớp. Cũng như những học viên của lớp thêu, Thảo không được lành lặn. Em bị cụt một tay và đó lại là tay phải.
“Em bị cụt bẩm sinh à?”, tôi hỏi. “Không, em bị tai nạn – Hồi đó em khoảng 6 tuổi. Một lần em theo ba mẹ ra đồng, trong lúc ba mẹ mải mê làm việc thì em chạy lại máy tuốt lúa nghịch. Và bị cái máy “ăn” mất gần hết cánh tay phải”, Thảo hồn nhiên kể lại.
Sau lần đó Thảo đành phải ở nhà một năm thay vì ra lớp 1 theo đúng độ tuổi. “Ở nhà để luyện tay, “bắt” tay trái làm công việc của tay phải”, Thảo nói.
Trước tiên là làm những việc đơn giản như xúc cơm ăn, mặc quần áo, quét nhà. Sau khi tay trái dần thích nghi với “công việc” của tay phải, Thảo bắt đầu tập viết. Cầm đôi đũa gắp thức ăn đã khó, cầm bút để viết chữ càng khó hơn nhiều. Những chữ cái vừa thô vừa xấu và to đùng được Thảo nghệch ngoạc vẽ lên giấy…
2. 7 tuổi, Thảo vào lớp 1. Mặc dù chỉ lớn hơn các bạn trong lớp 1 tuổi nhưng Thảo thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. “Trăm sự cũng chỉ tại cái tay cụt, ống tay áo bên phải cứ lòng tha lòng thòng nên các bạn mới trêu. Nhiều lúc bị trêu dữ quá, em nổi khùng đánh nhau với bạn. Lần nào đánh nhau em cũng bị thua, vì các bạn có hai tay nên khỏe hơn”, Thảo nhớ lại.
Mỗi lần đánh nhau với các bạn và bị thua, Thảo về nhà trách móc ba mẹ. Lúc đó mẹ xoa đầu Thảo và nói: “Đẻ con lành, giờ phải nuôi con què, mẹ đau lòng lắm chứ. Thôi con đừng gây với các bạn nữa, trêu chọc một thời gian rồi các bạn cũng chán. Bây giờ con hãy cố gắng học tốt, sau này còn có việc mà làm chứ cụt tay vậy thì khó làm ruộng được lắm. Người đầy đủ chân tay làm ruộng còn không đủ ăn, huống hồ cụt què như con”…
Thế là Thảo cố gắng học, tuy không suất xắc nhưng cũng đủ để các bạn trong lớp nể phục. Cũng từ đó không ai dám trêu chọc Thảo nữa.
Sau 12 năm đèn sách, Thảo làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Những tưởng sẽ có cơ hội thử sức với các sĩ tử ở mọi miền đất nước, nào ngờ… Đến ngày Thảo chuẩn bị lên Sài Gòn dự thi, tình cờ nghe được lời than phiền của ba mẹ. Họ lo lắng không biết lấy đâu ra tiền để cho Thảo ăn học 4 năm trên Sài Gòn. Thương ba mẹ, Thảo đành ngậm ngùi gác giấc mơ được bước chân vào giảng đường đại học…
3. Đầu năm 2008, Thảo rời làng quê Bình Tân, Vĩnh Long lên Sài Gòn học nghề. Nơi Thảo đến là Trung tâm Dạy nghề Người khuyết tật & Trẻ mồ côi. Sở dĩ Thảo chọn nơi này là bởi học ở đây không phải đóng tiền học phí, được nuôi ăn, ở trong thời gian học.
Những ngày mới đến, Thảo rất nhớ nhà. Nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là quen ngay. “Ở đây có nhiều người chung hoàn cảnh với em, tất cả đều không còn lành lặn. Bởi vậy em nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống mới. Và đặc biệt hơn, sống với những người bất hạnh như mình, em cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống”, Thảo tâm sự.
Lúc đầu, Thảo chọn cho mình một ngành học, đó là kế toán. Sau gần 1 năm, Thảo chọn thêm ngành thứ hai – nghề thêu. “Chọn nghề thêu để chứng minh với mọi người rằng tay trái cũng có thể làm được những việc của tay phải, quan trọng vẫn là ý chí”, Thảo lý giải. Và cái tên Thảo “tay trái” cũng ra đời từ đó…
Bài & ảnh: KIM ANH
Bình luận (0)