Một mẩu tin trên báo: Bộ Giáo dục Saudi Arabia tặng một ngân phiếu trị giá từ 2.500 USD đến 32.000 USD cộng với một ô tô hạng sang cỡ BMW cho các cá nhân đạt danh hiệu nhà giáo xuất sắc trong năm. Giải thưởng dành cho tất cả các thành viên trong ngành giáo dục, bất kể là giáo viên, hiệu trưởng hay trợ giáo. Hiện giáo dục nước này được Nhà nước đầu tư 1/4 ngân sách, HS thì được học và cấp sách giáo khoa miễn phí…
Thôi, chuyện đó là ở Saudi Arabia, một nước giàu dầu lửa ở Trung Đông, với GDP thực tế năm 2013 là 718 tỉ USD, bình quân đầu người là 24.246 USD; còn của Việt Nam, GDP chỉ bằng 23,7%, nhưng dân số nhiều hơn đến 3,07 lần, nên thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 7,8%… Nên sự so sánh nào cũng khập khiễng, chỉ có ao ước và ước ao thôi!
Nhân Ngày Nhà giáo, có một số chuyện không thể không nói, chẳng phải vì “cám cảnh” với chuyện ở xứ Arab mà chính vì chuyện ở chính Việt Nam, đã tồn tại nhiều năm rồi, đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Chuyện thứ nhất, về áp lực của nhà giáo
Có lẽ không có nhiều nghề ở nước ta lại chịu nhiều áp lực như nghề giáo. Áp lực từ cấp trên (hiệu trưởng, phòng, sở, chính quyền địa phương…) với bao nhiêu thứ kiểm tra, đánh giá, dự giờ, thi cử, thi đua, kiểm định…, có cái theo thông lệ, theo định kỳ, nhưng có những cái bất ngờ, đột xuất hoặc khi có một “sự cố” nào đó. Áp lực này còn truyền đến cả HS.
Rồi áp lực từ đồng nghiệp, trong các buổi dự giờ, cho ý kiến, thi đua, cạnh tranh thành tích… Áp lực này đáng nói bởi vì có thể sự nỗ lực, sự phấn đấu, phương pháp làm việc như nhau nhưng kết quả, thành tích không giống nhau do năng lực và sự cố gắng của HS không giống nhau. Cùng một ba-rem thi đua nhưng kết quả khác nhau do đối tượng khác nhau thì là một sự khập khiễng.
Rồi áp lực với chính HS. Trẻ mong mỏi ở người thầy một hình tượng đẹp, nhưng đâu phải lúc nào nhà giáo cũng thể hiện được, vì rất nhiều lý do. Có những HS “cá biệt” (chậm tiếp thu, nghịch, hoặc quá xuất sắc) thì người thầy phải lùi lại để “kéo” em lên hoặc rướn để “đỡ” em cao hơn, thành ra quá vất vả…
Rồi áp lực với dư luận, công luận, đánh giá về phẩm cách, việc làm, đời tư…, nhất là khi mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều có thể được công khai trên mạng…
Tất nhiên, không nói về những giáo viên “bình bình”, sao cũng được, ở đây chủ yếu nói đến những nhà giáo có trách nhiệm, có tâm huyết!
Chuyện thứ hai, ứng xử với nhà giáo
“Tôn sư trọng đạo”, “quân – sư – phụ”, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”…, là những đúc kết của dân gian, thể hiện một quan niệm tôn kính người thầy. Thế nhưng, trên thực tế, sự ứng xử với nhà giáo còn nhiều biểu hiện chưa đúng mực. Trong nhà trường, nhà giáo phải làm những việc xa hoặc không gắn trực tiếp với chức trách của mình – là dạy chữ, dạy người – như phải xử lý học liệu (nhập điểm vào sổ, ghi thông tin vào sổ liên lạc…), hỗ trợ bán trú, quản lý HS, thu tiền và nhắc nhở việc nộp tiền… Ngay như việc nhận xét HS (thay vì chấm điểm) thì có giáo viên phải ghi cho cả ngàn HS mà mỗi lời nhận xét đều có thể ảnh hưởng đến tình cảm, nhận thức, sự phấn đấu của HS nên phải luôn cân nhắc thận trọng… Đó là sự đổ dồn công việc cho giáo viên, thay vì trân trọng, tạo điều kiện để người thầy làm tốt nhất việc chuyên môn của mình.
Còn với phụ huynh, hầu như ai cũng tỏ ra kính trọng giáo viên, nhưng chưa có một mối quan hệ tương hỗ thực sự có ích cho trẻ. Ngoài họp phụ huynh mỗi năm vài lần, sự liên hệ đôi bên rất hiếm; mỗi lần phụ huynh đến gặp giáo viên thì gần như chỉ nghĩ rằng con mình có “vấn đề” gì đó, phải đóng góp gì đó hoặc “nhờ cậy” hơn là trao đổi thông tin…
Dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng trông đợi thành tích học tập từ con, trông đợi sự tận tụy, nhiệt tình, tài năng của giáo viên để con mình phát triển nhưng đâu phải ai cũng hợp tác và biết cách hợp tác với nhà trường, với giáo viên. Sự đòi hỏi có khi vô lý có khi trở thành áp lực, trở lực, nhất là khi HS chưa thực sự học tốt, vì nhiều lý do khác. Thành ra, về hình thức, phụ huynh (và cả xã hội) rất xem trọng nhà giáo, nhưng trên thực tế sự xem trọng đó không thể hiện thành thái độ, hành động cụ thể, đúng mực.
Với xã hội, dư luận thường đòi hỏi, săm soi nhà giáo, nhất là các khuyết điểm, chứ ít người thông cảm, chia sẻ. Thi thoảng một vài sự cố xảy ra, người ta không ngần ngại trút bao nhiêu thứ tội lên đầu nhà giáo. Như vậy là bất công.
Chuyện thứ ba, thu nhập của nhà giáo
Đời sống của nhà giáo bây giờ nói chung đã được nâng lên rất nhiều, do lương cơ bản đã được cải thiện, rồi còn chế độ thâm niên, thừa giờ, thu nhập tăng thêm… Nhưng trên thực tế, mong muốn “sống được bằng lương” của nhà giáo vẫn còn là một sự canh cánh. Một số người phải “cải thiện” bằng dạy thêm – có người dạy rất chính đáng, tử tế, thì cũng có người lôi kéo HS bằng những cách không sư phạm – hay buôn bán, làm thêm việc gì đó… Vì vậy, dù thế nào nhà giáo khó toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp và cũng khó xem đó là một thiên chức cao cả, là sự nghiệp trồng người, mà có thể chỉ đơn thuần là một công việc để kiếm sống.
Những chuyện nêu trên nói lên trong ngày 20-11 e không hay, nhưng vì đây là ngày của các nhà giáo, cần thiết phải nói thay tiếng nói của nhà giáo, để những năm sau, tình trạng này sẽ giảm dần và chấm dứt!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)