Dạy học sinh làm người, kỹ năng sống, ứng xử linh hoạt quan trọng như dạy chữ, trang bị kiến thức. Vậy mỗi ngày đến trường, học sinh tiếp thu, thẩm thấu được bao nhiêu điều bổ ích để làm giàu hành trang sống đúng nghĩa?
Các em học sinh luôn cần những sân chơi mang tính cộng đồng để rèn kỹ năng sống. Ảnh: MAI HẢI
Bài học từ xếp hàng, nói lời cảm ơn
Nhìn thấy hình ảnh các cháu nhỏ trật tự xếp hàng mua đồ ăn, thức uống và cúi đầu nói lời cảm ơn khi nhận món đồ từ nhân viên bán hàng tại căn tin của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM, nhiều phụ huynh cảm thấy rất vui. Bởi lẽ, đến trường các con học được điều hay, lẽ phải, biết cách ứng xử văn minh. Chị Phương Thúy có con học lớp 1/5 tâm sự: “Cả ngày các cháu học bán trú ở trường nên tiếp xúc với thầy cô, bạn bè nhiều hơn ở nhà. Vì thế, chúng tôi rất mong nhà trường, thầy cô chú trọng dạy con em mình nên người thông qua những bài học thiết thực như kỹ năng sống, ứng xử văn minh và tự bảo vệ bản thân…”.
Tương tự, ở Trường THCS Lê Quý Đôn, học sinh cũng được rèn thói quen xếp hàng ngay ngắn để chờ đến lượt lấy thức ăn trưa và tự chọn món ăn. Theo thầy hiệu trưởng, mỗi lần xếp hàng trật tự, nề nếp và ăn hết phần ăn đã chọn, tự cất khay thức ăn sau khi ăn xong, các em sẽ cảm thấy mình trưởng thành hơn. Những điều nhỏ nhặt được rèn luyện hàng ngày này sẽ giúp các em chuẩn bị hành trang sống, ứng xử văn minh trước khi bước vào đời. Thực tế cho thấy, việc uốn nắn, thay đổi những hành vi nhỏ nhất từ tập chào hỏi, cảm ơn, xếp hàng, giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng… cho học sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, để hình thành thói quen có văn hóa từ nhỏ, khi về nhà, cha mẹ, người thân cũng phải gương mẫu, tiếp tục uốn nắn, dạy dỗ con em mình biết cách ứng xử đúng. Một hiệu trưởng khác tâm sự: “Ở trường chúng tôi cố gắng dạy các em hành xử có văn hóa, lưu thông trên đường phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Vậy mà phụ huynh cứ chen lấn ở cổng trường khi đưa đón con, đi ngược đường, leo lên lề… Thật là phản cảm!”.
Trải nghiệm từ cuộc sống
“Với nhiều học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, những hoạt động ngoại khóa, giờ học tích cực, chuyến tham quan về nguồn và những lần đi thăm hỏi phát quà cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trại trẻ mồ côi… đã giúp các em trưởng thành, năng động hơn. Từ những trải nghiệm cuộc sống, các em sẽ có cái nhìn nhân văn, biết sẻ chia với gia đình, cộng đồng nhiều hơn”, cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, nhận định.
Vì sao nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam khi đi du học đều cảm thấy hụt hẫng vì thiếu kỹ năng sống, thiếu tự tin và sự năng động, cởi mở như bạn bè ở nước ngoài? Nguyên nhân dẫn đến sự yếu thế này chính là do lối giáo dục thụ động của nền giáo dục Việt Nam, nặng về dạy kiến thức, nhồi nhét kiến thức và xem nhẹ việc trang bị kỹ năng sống, dạy và học theo nhóm, khuyến khích tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình… Chính vì thế, thời gian gần đây, để đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, nhiều giáo viên đã chủ động đổi mới tiết dạy, cách dạy, lồng ghép kiến thức môn học với thực tiễn, kỹ năng ứng xử với cuộc sống. Tuy nhiên, sự chuyển động này chưa nhiều vì chương trình học nặng nề và thời gian dành cho hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống còn hạn hẹp, thậm chí là chỉ xới lên theo kiểu phong trào.
Riêng về môn giáo dục công dân, nhiều giáo viên cho rằng nội dung, chương trình nặng lý thuyết, ôm đồm quá nhiều kiến thức liên quan đến đời sống xã hội lẫn pháp luật khiến học sinh ngán học. Đó là chưa kể, một bộ phận giáo viên không chịu đầu tư cho bài giảng, dạy cho có, dạy cho xong làm học trò mất hứng, học đối phó để thi cử. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thầy cô biết thổi hồn vào môn học khó nhai này. Cụ thể, ở Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TPHCM, học sinh luôn thích thú và chờ đợi giờ học môn giáo dục công dân với thầy giáo Trần Tuấn Anh. Bởi lẽ, mỗi giờ học các trò được thầy dẫn dắt đi “chu du, khám phá” những điều rất bổ ích từ cuộc sống. Với bất kỳ chủ đề nào từ kiến thức về văn hóa xã hội đến lĩnh vực pháp luật, thầy Trần Tuấn Anh đều liên hệ với thực tiễn sinh động của cuộc sống và đúc kết thành hành trang, kỹ năng sống cần thiết cho học trò. Và để có những bài giảng thoát ra khỏi nội dung, lý thuyết cứng nhắc, thầy Trần Tuấn Anh luôn tìm tòi tư liệu từ sách báo, mạng internet và truyền thụ cho học sinh những điều cần biết, cần làm. Không chỉ thổi hồn vào từng bài giảng bằng những tư liệu mới cập nhật, hình ảnh minh họa sinh động, thầy Trần Tuấn Anh còn đưa cả âm nhạc vào lớp học. Mỗi tuần chỉ có 1 tiết học kéo dài 45 phút với thầy, nhưng học sinh của trường học được nhiều điều bổ ích, lý thú. Không những thế, thầy còn soạn các chuyên đề như biết ơn cha mẹ, tiết kiệm tiền bạc như thế nào, tác hại khi chơi game… Những chuyên đề này được lồng ghép vào bài giảng và nó giúp các em biết cách sống, ứng xử đúng và hơn thế nữa là nuôi dưỡng lòng nhân ái, sự sẻ chia với cha mẹ, cộng đồng xã hội.
Trong khi chờ đợi sự đổi mới cơ bản nền giáo dục, trong đó đột phá từ nội dung chương trình, sách giáo khoa thì mỗi thầy cô, mỗi trường học phải tự đổi mới cách dạy, cách truyền thụ kiến thức và lồng ghép cách dạy học sinh làm người, trang bị kỹ năng sống, cách ứng xử làm người trong mỗi bài giảng.
Diệu Anh
(SGGP)
Bình luận (0)