Lấy chồng ngoại để đổi đời, những người phụ nữ ở miền quê sông nước tỉnh Hậu Giang đâu biết rằng, cuộc sống nơi đất khách không phải là màu hồng. Vỡ mộng do bất đồng về ngôn ngữ, bị đánh đập… nhiều chị em đã trốn về Việt Nam. Nhưng mối lương duyên dang dở còn đeo bám mãi vì họ không thể ly hôn…
Một vụ "chào đoàn" bị công an phát hiện
|
Bỏ trốn vì vỡ mộng
Đi ghe xuôi về xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang, nghe bà con bàn tán chuyện chị Nguyễn Thị Kiều, lấy chồng Đài Loan cách đây không lâu đã tự tử chết, nhà chồng gọi gia đình sang đem xác về rồi đền bù mười mấy ngàn USD khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Vậy nhưng, ông Phạm Đình Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường cho biết, trường hợp cô Kiều, gia đình sau khi được đền bù không kiện cáo gì nên mọi chuyện chỉ đến thế.
Theo ông Chính, nhiều gia đình ở Vĩnh Tường con gái chưa học hết cấp 3 đã “đua” nhau lên thành phố “chào đoàn” (thi tuyển lấy chồng ngoại). Nhiều người “trúng tuyển” phải trốn về quê sau một thời gian làm dâu xứ người và đa số phụ nữ này không làm được thủ tục ly hôn.
Chị Huỳnh Thị Kiều Oanh, ngụ ở xã Vĩnh Tường buồn bã kể: Sau đợt “chào đoàn” ở thành phố, chị lọt vào mắt xanh một người Hàn Quốc. Sau khi về làm dâu, do bất đồng ngôn ngữ, hầu như cả hai không nói chuyện gì với nhau. Một thời gian sau, chị phát hiện chồng ngoại tình, lại thường xuyên bị đánh đập nên chị đã tìm cách trốn về Việt Nam. Tương tự, chị Đặng Thị Kim Cương, lấy chồng Đài Loan cũng vỡ mộng vì hoàn cảnh gia đình chồng không hơn gia đình chị ở quê. Không nghề nghiệp, tiền bạc, chồng lại không thương yêu, nên chị cũng tìm cách trốn về nhà.
Muốn ly hôn cũng không được
|
Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh Hậu Giang Trần Trí Dũng cho biết, theo quy định của pháp luật, đối với các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì TAND tỉnh, hoặc thành phố nơi nguyên đơn có hộ khẩu thường trú sẽ thụ lý. Thời hạn tối đa là 4 tháng và có thể gia hạn thêm 2 tháng đối với những trường hợp phức tạp. Nhưng trên thực tế, việc xét xử đối với những trường hợp này hết sức gian nan.
Nhiều vụ Tòa án phải tạm đình chỉ vì không có lời khai của bị đơn hoặc công dân Việt Nam xin ly hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của người chồng, ngoài ra không có một thông tin nào khác.
Trong khi đó, TAND Tối cao mới chỉ hướng dẫn xét xử cho những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng họ đã về nước mà nay không liên hệ được với công dân Việt Nam. Còn trường hợp các cô dâu Việt Nam về nước, nay không liên hệ được với người chồng ở nước ngoài thì không có hướng dẫn. Vậy nên các vụ án ly hôn kiểu này bị kéo dài vì quá nhiều thủ tục.
Trường hợp của chị Kim Hồng, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy là một ví dụ. Năm 2006, chị Hồng lấy chồng người Hàn Quốc. Tuy nhiên, chưa được một năm chị bỏ trốn về nước do không chịu được khổ nhục khi làm dâu xứ người. Chị Hồng gửi đơn đến TAND tỉnh Hậu Giang xin ly hôn, nhưng thiếu thỏa thuận ly hôn với người chồng nên đến nay vẫn chưa được thụ lý.
Ông Dũng cho biết thêm: “Rất nhiều vụ án trở nên phức tạp do sự bất cẩn của chính nguyên đơn khi họ không tìm hiểu kỹ “đối tác” của mình (về nhân thân, địa chỉ…). Điều này không chỉ khiến họ phải gánh chịu thiệt thòi mà còn gây khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức cho Tòa án.
Quê yên bình mà chẳng bình yên
|
Mặt khác, hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập trong việc xét xử các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Hậu Giang chỉ xét xử những vụ án ly hôn khi có bản án ly hôn ở nước ngoài hoặc có thỏa thuận ly hôn của người chồng. Khi đó, nguyên đơn có đơn yêu cầu thì chúng tôi sẽ xem xét giải quyết bằng vụ án khác. Hiện nay, chúng tôi đang kiến nghị với TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xét xử những trường hợp trên!”.
Theo số liệu thống kê ly hôn có yếu tố nước ngoài ở Hậu Giang (chỉ tính đối với Đài Loan và Hàn Quốc) từ năm 2004 đến nay là 122 vụ.
Cụ thể năm 2004 có 52 vụ; năm 2005 có 29 vụ; năm 2006 có 11 vụ; năm 2007 có 13 vụ và năm 2008 là 17 vụ. Khoảng 80% số vụ ly hôn có chồng là người Đài Loan, 20% là người Hàn Quốc. Riêng số phụ nữ của tỉnh Hậu Giang ly hôn tại Đài Loan và Hàn Quốc thì không thống kê được.
(Nguồn: TAND tỉnh Hậu Giang)
|
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Huyền Trang (giadinh&xahoi)
Bình luận (0)