Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Báo động về bạo lực học đường ở Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học ở Nhật (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T

Nhà báo Nhật Yosuke Miki đã viết một bài về tình trạng bạo lực học đường và kỷ luật lỏng lẻo trong các trường phổ thông ở Nhật.
Thầy hiệu phó của một trường tiểu học ở quận Fukuoka nói rằng ngay trong ngày nghỉ cuối tuần, dân trong vùng gọi điện báo cho ông biết “nhiều HS trường ông tụ tập hút thuốc lá, trong khi một số khác thì đốt lửa ném nhau… Thầy hiệu phó 56 tuổi này bực mình lắm, “tại sao họ không tự mình giải quyết, mà cái gì cũng réo thầy giáo”.
Ở trường này mùa xuân năm 2007 có thu nhận một HS bị trường khác đuổi vì vô kỷ luật. Thế là từ đó HS của trường bị HS đó lôi cuốn và tỏ ra rất bướng bỉnh, chỉ muốn gây sự với mọi người. Chúng đi học trễ, kéo từng đoàn qua hành lang, đạp vào tường, đập vỡ cửa kính. Khi thầy giáo yêu cầu chúng tôn trong nội quy, chúng đáp lại: “Tụi tui đập vỡ mặt bây giờ, đồ quỷ”. Chúng còn cả gan đập vỡ kính của một thầy giáo và đánh một thầy khác. Nhà trường phải gọi cảnh sát và sau đó đám học trò hỗn láo đó bị tạm giam. Tình hình này chỉ được giải quyết khi đám học trò này được chuyển vào PTTH trong năm 2008.
Suốt trong thời gian lộn xộn đó, Hội đồng Giáo dục (gồm nhiều thành phần xã hội ở địa phương) không họp được kỳ nào, chỉ yêu cầu nhà trường gửi báo cáo lên. Thầy chủ nhiệm khoảng 40 tuổi, phụ trách giáo dục đạo đức, xin từ chức sau buổi lễ trao bằng tốt nghiệp. Thầy cố vấn sư phạm vẫn còn cảm thấy mệt nỏi, mất ngủ, phải xin thuốc an thần! Thầy hiệu phó nói: “Họ trách chúng tôi là tại sao đi báo cho cảnh sát. Ngay như cha mẹ, xã hội không làm gì nổi chúng, thì nhà trường cũng không tài nào tự mình dạy dỗ được những đứa HS hư hỏng quá đáng như vậy”.
Theo một bản điều tra do Bộ Giáo dục và Khoa học thực hiện năm 2007, những hành động bạo lực do HS tiểu học, trung học gây ra đã đạt kỷ lục mới, với 52.726 trường hợp được ghi nhận. Bản điều tra cũng cho biết số trẻ em có hành động bạo lực không ngừng tăng lên và “người ta đã đi vào một giai đoạn bạo lực mới ở trong các trường”. Theo ông Massao Shimazaki, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Daiichi của thành phố Tachikawa, ở quận phía Tây Tokyo và là chuyên viên về tội phạm ở tuổi thiếu niên, thì “những hành động đó không phải chỉ do sự dung túng của các bậc cha mẹ, vốn luôn luôn như vậy, mà còn do các em thiếu sự chịu đựng và kiên nhẫn. Đó là kết quả một mặt của sự nuông chiều quá đáng, một mặt của sự nổi dậy trước sự can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng”.
Người ta nói rằng trẻ em ngày nay đã thay đổi, chúng không hiểu được những quy tắc của cuộc sống cộng đồng, chúng không biết tôn trọng người khác và những lời nhận xét của GV chẳng có nghĩa lý gì với chúng. Những điều minh họa sau đây đã minh chứng cho nhận định đó. Trong một trường tiểu học ở Tokyo HS đang tập hợp trong phòng tập thể dục vào buổi đầu giờ sáng thứ hai. Thầy giáo nhắc một HS đi muộn phải đi nhanh lên, cậu ta làm như không nghe gì, không biết gì, cứ đủng đỉnh… Một nữ sinh vừa đi vừa cười nói oang oang khi những em khác đã tập trung trong trật tự… Trong một trường tiểu học ở quận Mie, ở trung tâm nước Nhật, một HS cãi nhau với bạn, đã vung dao chém bạn, trước khi vác cả ghế và bàn ném vào bạn. Một thầy giáo nói: Tôi thật ngạc nhiên thấy hình như nó không có một cảm xúc nào trước sự đau đớn của người khác.
Trước nạn bạo lực gia tăng, công việc nặng nề, số GV xin nghỉ việc ngày càng nhiều, nhất là GV có kinh nghiệm. Trong năm 2006-2007, 8.360 GV 50 tuổi trở lên xin nghỉ. Ngoài ra trong năm 2007 có 300 GV mới tuyển xin nghỉ… Theo Hiệp hội Giáo chức Tokyo, 60% những người được hỏi cho rằng nguyên nhân là do công việc nặng nề nên bị stress. Chính phủ nói đến “phục hưng giáo dục” nhưng không nói gì đến việc tuyển thêm GV. Trong tài khóa 2009-2010, bắt đầu từ tháng 4 số GV tuyển thêm hạ từ 1.500 xuống còn 800.
Shigeo Kawamura, giáo sư Đại học Waseda ở Tokyo đã thực hiện một cuộc điều tra trong năm 2004 và 2006 trên 50.000 HS tiểu học và PTCS. Về lời khuyên “Không nên hành hung bạn” với câu hỏi: Em có nghĩ rằng phải nghe theo lời của thầy, cô không? Có 36% HS PTCS trả lời rằng không, trong khi 9% trả lời “không phải nghe tất cả”, hoặc “không phải hoàn toàn đúng” (9% chiếm khoảng 10 em trong lớp có 40 em). Hiện nay không có trường nào mà không có bạo lực.
Một nhà nghiên cứu xã hội nói: Ngày nay những mối liên hệ xã hội đã yếu đi trong cộng đồng. Trong khi đó những gia đình lưu động (không cư trú lâu dài một chỗ) càng ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó những kinh nghiệm sống trong xã hội trở nên không đầy đủ cho giới trẻ, vì thế chúng không biết cư xử sao cho có quan hệ tốt với người khác. Chúng ta sống trong một thời kỳ mà chính GV phải dạy cho HS những quy tắc của xã hội và những mối quan hệ giữa con người với nhau.
Phan Thanh Quang
 (Trong Courrier international)

Bình luận (0)