Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nền giáo dục ở Nam Phi: Kỳ cuối: Kết hợp các phương pháp học tập

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Cẩm nang Thông tin hướng dẫn khoa học – kỹ thuật của Nam Phi đã chỉ ra rằng “Hiến pháp nước ta (Nam Phi) muốn tất cả mọi người thật sự phát huy hoàn toàn khả năng học tập của mình” và “cam kết đạt được sự công bằng và không phân biệt đối xử”.
Phương pháp học tập tổng quát
Giáo viên ở Nam Phi sử dụng phương pháp học tập tổng quát để đảm bảo tất cả mọi người đều đạt đến một cấp độ nhất định về trình độ khoa học bất kể màu da hay tình trạng kinh tế – xã hội. Chính phủ Nam Phi và đội ngũ giáo viên ở đây đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ trong tương lai và việc đầu tư cho khoa học – kỹ thuật cũng đóng vai trò không nhỏ.
Thông qua chương trình tổng hợp, Chính phủ và giáo viên Nam Phi muốn tăng cường và cải thiện số lượng người đăng ký các khóa học chuyên đề về khoa học dành cho giáo viên, mở thêm những chương trình mới (không dạy chương trình khoa học hiện tại). Qua đó, nâng cao chất lượng giáo viên môn khoa học, phát triển nhiều chương trình khoa học mới phù hợp với sở thích của học sinh và đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như các thiết bị phụ trợ khác. Cẩm nang hướng dẫn chương trình học tập tổng quát cũng đề cập đến mục tiêu của chiến lược này là “cho phép người học thể hiện hết khả năng của mình và chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu mà người học mong đợi”. Hơn nữa, giáo viên được xem là người thẩm định chất lượng của chương trình để thật sự đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh. Một điều đáng chú ý khác là chương trình này được thiết kế để giảng dạy cho trẻ em những điểm chính của các vấn đề về công bằng xã hội, nhân quyền và quyền bình đẳng trong một môi trường xã hội lành mạnh. Thêm vào đó, mỗi trường sẽ có riêng một đội giám sát để đảm bảo chương trình được thực hiện đúng theo mục tiêu đã đề ra. Đội giám sát này có trách nhiệm kiểm tra chất lượng đầu ra của 6 kỹ năng: nghe, nói, đọc và quan sát, viết, tư duy và giải thích, lập và sử dụng cấu trúc ngữ pháp và cuối cùng là môn toán. Đội giám sát sau đó sẽ sử dụng số liệu tổng hợp được để phản ánh thực trạng kết quả đạt được cho việc điều chỉnh kịp thời chính sách và thay đổi chương trình cho phù hợp hơn. Phương pháp giảng dạy này mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả trẻ em vì chương trình được soạn ra dành cho học sinh đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau và nó cũng áp dụng những kết quả phân tích để điều chỉnh nhằm đạt được kết quả tốt hơn sau khi đã được đưa vào sử dụng.
Giáo dục song ngữ
Đội ngũ giáo viên ở Nam Phi rất quan tâm đến việc thực hiện chương trình song ngữ vì khi áp dụng chương trình này, không học sinh nào sẽ bị thiệt thòi trong học tập do vấp phải rào cản ngôn ngữ. Nam Phi có lịch sử là một đất nước có sự kỳ thị sâu sắc, trong suốt thời kỳ tách biệt chủng tộc ở Nam Phi, các cộng đồng người được chia ra dựa trên ngôn ngữ mà họ sử dụng. Tiếng Nam Phi và tiếng Anh được xem là ngôn ngữ chính thống còn các ngôn ngữ châu Phi khác được gọi là “tiếng địa phương” hoặc “thổ ngữ”. Trước năm 1994, có 24 ngôn ngữ khác nhau ở Nam Phi trong đó tiếng Nam Phi và tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức nhưng chính cuộc bầu cử năm 1994 là bước thúc đẩy cho việc sử dụng đa ngôn ngữ ở Nam Phi.
Vào năm 1997, Ủy ban Các chính sách giáo dục về ngôn ngữ đã công bố “Chính sách giáo dục ngôn ngữ” (LiEP). Ủy ban này được lập ra để “xúc tiến việc sử dụng đa ngôn ngữ, phát triển các ngôn ngữ chính thức và tôn trọng tất cả mọi ngôn ngữ dựa trên việc nhận thức được sự phân chia tự nhiên về văn hóa ở đất nước này”. Cùng với giáo viên và SGBs, LiEP đẩy mạnh công tác đa ngôn ngữ thông qua việc sử dụng các ngôn ngữ khác trong giảng dạy, đưa ra những khóa học ngôn ngữ cũng như áp dụng các khóa ngắn hạn cho một số ngôn ngữ nhất định. Đây là một việc rất quan trọng đối với các nhà giáo dục vì việc duy trì và bảo tồn các ngôn ngữ địa phương là một công cụ để giữ gìn nền lịch sử đa dạng của quốc gia. Bảo tồn ngôn ngữ của một dân tộc tạo điều kiện cho những thế hệ tương lai có được sự độc lập trong việc phát triển tri thức. Đây còn là điều kiện cần thiết để tạo sự độc lập trong kinh tế, xã hội và chính trị. Đó chính là điều chương trình giáo dục song ngữ hy vọng mang đến cho học sinh. Những nhà giáo dục thiết lập nên chương trình này đang nỗ lực để mọi người dân châu Phi đều được đến trường chứ không phải chỉ những người sử dụng ngôn ngữ chính thức.
(Theo umich.edu)
Ngọc Trúc

Bình luận (0)